Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

'Phép thử' sức bền doanh nghiệp

Khi giá cát, đá, thép, xi măng đồng loạt tăng mạnh, ngành xây dựng Việt Nam đang chứng kiến sự phân hóa mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp. Lợi nhuận không còn đến từ doanh thu đơn thuần, mà đến từ khả năng kiểm soát chi phí – yếu tố đang trở thành “phép thử” thực sự với sức bền quản trị và tiềm lực tài chính trong toàn ngành.

Tạp chí Doanh NghiệpTạp chí Doanh Nghiệp01/07/2025

Chú thích ảnh
Trên công trường thi công tuyến đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, đoạn qua Khu đô thị Vinhomes Grand Park, thành phố Thủ Đức, thuộc gói thầu xây lắp 03. Ảnh minh họa: Quốc Khánh/TTXVN

Giá vật liệu “cuốn” doanh nghiệp vào thử thách

Trong ngành xây dựng, chi phí nguyên vật liệu thường chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu giá thành. Bất kỳ biến động nào về giá đầu vào cũng có thể nhanh chóng “bào mòn” biên lợi nhuận doanh nghiệp.

Theo báo cáo chuyên đề “Cập nhật ngành Xây dựng tháng 6/2025 – Bứt phá trong kỷ nguyên đầu tư công và đô thị hóa” do Công ty Cổ phần Chứng khoánAgribank (Agriseco) công bố ngày 12/6/2025, làn sóng tăng giá vật liệu đang tạo ra sức ép chưa từng có đối với những doanh nghiệp yếu về năng lực tài chính và điều phối dòng tiền.

Thống kê từ báo cáo cho thấy, giá cát xây dựng đã vượt mốc 450.000 đồng/m³ trong năm 2024, cao hơn khoảng 20.000 đồng/m³ so với cùng kỳ. Nhựa đường hiện cũng tiệm cận ngưỡng 18.000 đồng/kg, trong khi giá thép – loại vật liệu chiếm đến 70% tổng chi phí vật tư – đang dao động quanh mức 12.000–13.500 đồng/kg. Dù thấp hơn đỉnh năm 2022, nhưng theo Agriseco, rủi ro tăng giá trở lại là hiện hữu khi Trung Quốc bắt đầu siết chặt sản lượng.

“Giá cát, đá, nhựa đường có xu hướng tăng mạnh, trong khi thép và xi măng vẫn chịu áp lực dư cung từ thị trường Trung Quốc”, báo cáo nhận định. Sự mất cân đối này khiến doanh nghiệp khó kiểm soát trọn vẹn cấu trúc giá thành, dẫn tới biên lợi nhuận bị bào mòn âm thầm nhưng dai dẳng.

 

Doanh nghiệp phân hóa theo sức chống chịu

Những doanh nghiệp thi công các dự án hạ tầng như Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO4(mã chứng khoán: C4G), Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả(mã chứng khoán: HHV), Công ty cổ phần FECON(mã chứng khoán: FCN), Công ty cổ phần Licogi 16(mã chứng khoán: LCG)… đang gánh chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến động chi phí đầu vào. Nhóm doanh nghiệp này chịu tác động đến từ đặc thù hợp đồng kéo dài, giá đã cố định từ đầu trong khi chi phí vật liệu lại tăng liên tục.

Agriseco nhận định: “Những doanh nghiệp có tỷ trọng dự án hạ tầng lớn sẽ bị ảnh hưởng rõ nét hơn”. Quý I/2025 ghi nhận mức sụt giảm lợi nhuận mạnh mẽ từ nhiều tên tuổi lớn: Tổng Công ty Vinaconex (mã chứng khoán: VCG) giảm tới 68,8%, Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (mã chứng khoán: CTD) giảm 45,5% so với cùng kỳ năm trước do biên lợi nhuận gộp suy giảm khi giá đầu vào tăng nhanh hơn doanh thu.

Thực tế cho thấy, dù nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì khối lượng hợp đồng còn lại (backlog) tăng từ 20–30% so với năm trước, nhưng giá trị lợi nhuận tiềm năng không còn tỷ lệ thuận, nếu chi phí vật liệu tiếp tục leo thang.

Trái ngược với nhóm hạ tầng, các doanh nghiệp xây dựng dân dụng lại thể hiện khả năng “đề kháng” tốt hơn trong môi trường chi phí leo thang. Với vòng đời dự án ngắn, tiến độ linh hoạt và khả năng đàm phán lại giá với chủ đầu tư, nhóm nhà thầu dân dụng có điều kiện chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh.

 

Agriseco đánh giá rằng xu hướng giá vật liệu tăng thậm chí có lợi hơn cho các nhà thầu dân dụng bởi tốc độ xoay vòng vốn nhanh giúp họ thích ứng tốt hơn và có thể chuyển một phần chi phí tăng cho chủ đầu tư.

Thực tế trong quý I/2025, nhóm doanh nghiệp như Công ty cổ phần Tập đoàn Đạt Phương (mã chứng khoán: DPG), Công ty cổ phần LIZEN (mã chứng khoán: LCG), Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cảghi nhận tăng trưởng lợi nhuận tích cực. Điều này phản ánh rõ khả năng thích ứng với giá đầu vào, cùng chiến lược kiểm soát chi phí hiệu quả.

“Những doanh nghiệp có cấu trúc tài chính lành mạnh, tỷ trọng vốn chủ sở hữu cao, khả năng luân chuyển dòng tiền nhanh và backlog (đơn hàng tồn đọng) lớn sẽ ít bị ảnh hưởng bởi biến động giá vật liệu”, báo cáo nhấn mạnh.

Trước đó, năm 2024, toàn ngành ghi nhận biên lợi nhuận gộp tăng nhẹ từ 12% lên 14%. Tuy nhiên, triển vọng trung hạn đang bị phủ bóng bởi nhiều rủi ro. Theo Agriseco, áp lực từ tiến độ giải ngân đầu tư công chưa đạt kỳ vọng cùng với chi phí vật liệu tăng cao đang dần thu hẹp biên lợi nhuận doanh nghiệp.

Ngoài ra, sau giai đoạn siết chặt quản lý thị trường trái phiếu 2022–2023, việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp xây dựng cũng khó khăn hơn. Hệ số thanh toán nhanh sụt giảm, tỷ lệ dự phòng nợ khó đòi vượt 10% trên tổng khoản phải thu, phản ánh áp lực thanh khoản âm ỉ bên dưới lớp vỏ tăng trưởng doanh thu.

 

Trong bối cảnh đó, những doanh nghiệp yếu trong quản trị chi phí, phụ thuộc nhiều vào vay nợ, hoặc thiếu cơ chế phòng ngừa rủi ro giá vật liệu sẽ rất dễ “rơi rụng” khỏi đường đua lợi nhuận.

Ngược lại, những đơn vị biết linh hoạt lựa chọn dự án, có nền tảng tài chính tốt, dòng tiền khỏe và chốt lời đúng thời điểm sẽ tận dụng được cơ hội từ mặt bằng lãi suất thấp, nhu cầu bất động sản hồi phục và dòng vốn FDI cải thiện trong nửa cuối 2025.

Thực tế cho thấy, dù phải đối mặt với nhiều thách thức, không ít doanh nghiệp vẫn nhìn thấy cơ hội lớn trong năm 2025, nhờ lực đẩy từ đầu tư công, bất động sản hồi phục và nhu cầu xây dựng gia tăng trở lại.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho biết: “Cả 4 mảng nhà ở đô thị, bất động sản nghỉ dưỡng, hạ tầng và công nghiệp đều có khả năng phát triển tốt trong năm 2025”. Các tổ chức tư vấn quốc tế thậm chí dự báo tăng trưởng ngành xây dựng năm nay có thể gấp đôi năm 2024.

Cùng kỳ vọng này, ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần FECONnhấn mạnh, doanh nghiệp sẽ tận dụng đà đầu tư công để mở rộng lĩnh vực hạ tầng giao thông, đô thị và năng lượng, đặt mục tiêu doanh thu 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng.

 

Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cũng đặt kế hoạch tăng trưởng với doanh thu hợp nhất 15.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.200 tỷ đồng, đồng thời chuẩn bị nguồn lực để tham gia các lĩnh vực mới như đường sắt đô thị, điện gió, điện hạt nhân.

Giới chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh giá vật liệu còn nhiều biến động và áp lực chi phí lớn, ngành xây dựng Việt Nam đang bước vào giai đoạn sàng lọc mạnh. Những doanh nghiệp có nền tảng tài chính tốt, quản trị hiệu quả và khả năng thích ứng linh hoạt sẽ là những cái tên trụ vững và bứt phá trên đường đua 2025.


Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nhan/-phep-thu-suc-ben-doanh-nghiep/20250701082631800


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Bầu trời sông Hàn 'tuyệt đối điện ảnh'
Hoa hậu Việt Nam 2024 gọi tên Hà Trúc Linh, cô gái Phú Yên
DIFF 2025 - Cú hích bùng nổ cho mùa du lịch hè Đà Nẵng
 Đi theo bóng mặt trời

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm