Bà Bàn Thị Ngân, Giám đốc HTX Hợp Phát, ở xã Ngân Sơn, trao đổi qua Zalo với đơn vị cung cấp thiết bị bóc tách vỏ quả dẻ. |
Với chị Hoàng Thị Lan, dân tộc Dao, lấy chồng người dân tộc Tày, ở xã vùng cao Trần Phú, tham gia bán hàng qua nền tảng Tiktok là một cơ duyên. Ban đầu chị chỉ thực hiện liên kết tiếp thị sản phẩm, sau đó nhận thấy quê hương mình có nhiều sản phẩm tiềm năng nên chị Lan đã quay video, bán những sản phẩm như miến dong, quẩy…
Chị Lan chia sẻ: Để thành công mình phải kiên trì, từ quay cuộc sống hằng ngày đến giới thiệu sản phẩm để tiếp cận khách hàng. Những sản phẩm được quảng bá đến khách hàng phải được lựa chọn kỹ, chủ yếu là những sản phẩm OCOP, có xuất xứ rõ ràng... Từ đó tạo lòng tin cho khách hàng, từng bước tăng lượng người theo dõi, quan tâm, mua hàng.
Đối với bà Bàn Thị Ngân, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Hợp Phát, ở xã Ngân Sơn, đã tiên phong đem cây dẻ ván về trồng và phát triển thành sản phẩm chủ lực của địa phương.
Bà Ngân cho biết: Hạt dẻ có giá từ 80.000 - 120.000 đồng/kg, trung bình một cây dẻ trưởng thành cho thu từ 10 - 20kg quả/vụ. Với tiềm năng về kinh tế như vậy, cây dẻ từng bước được mở rộng diện tích. Hiện nay, HTX Hợp Phát đã phát triển và liên kết với hơn 20 hộ dân trồng khoảng 50ha cây dẻ, trong đó trên 10ha đang cho thu hoạch.
Hiện nay, xã Ngân Sơn và một số xã lân cận mở rộng gần 200ha cây dẻ, trong đó chủ yếu là trồng cây dẻ ván, một loại hạt dẻ to, thơm, bùi.
Chúng tôi đã đầu tư gần 50 triệu đồng mua thiết bị bóc tách vỏ quả dẻ và vỏ hạt dẻ. Trong quá trình lắp đặt, tôi chủ động liên hệ, trao đổi với đơn vị cung cấp qua Zalo để được tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật từ xa, đảm bảo thiết bị vận hành hiệu quả, phục vụ tốt hơn cho sản xuất, bà Ngân cho biết thêm.
Từng chỉ quen với cách bán hàng truyền thống tại các phiên chợ vùng cao, nay nhiều chị em phụ nữ dân tộc thiểu số đã mạnh dạn thay đổi tư duy, cách làm kinh tế nhờ ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thông qua sự nỗ lực không ngừng của bản thân và tinh thần ham học hỏi, các chị đã xây dựng được nhiều mô hình kinh tế hiệu quả và tích cực tham gia các lớp tập huấn về ứng dụng công nghệ số, kỹ năng bán hàng, quảng bá sản phẩm trên các nền tảng số, như: Facebook, Zalo, TikTok và trên sàn thương mại điện tử… Qua đó, chị em đã biết cách chụp ảnh sản phẩm, viết bài quảng bá và sử dụng mạng xã hội để kết nối với khách hàng, liên kết sản xuất.
Chị Hoàng Thị Lan, ở xã Trần Phú, tự sản xuất video giới thiệu và bán sản phẩm. |
Nhằm giúp chị em phụ nữ vùng cao bắt nhịp nền kinh tế số, tổ chức Hội Phụ nữ đã đổi mới phương thức điều hành, tuyên truyền qua mạng xã hội; triển khai phong trào “Bình dân học AI” giai đoạn 2024 - 2025, bước đầu thu hút trên 500 cán bộ, hội viên tham gia học; đào tạo 160.000 hội viên phụ nữ nòng cốt làm lực lượng thúc đẩy phong trào chuyển đổi số trong cộng đồng dân cư.
Các mô hình: “Phụ nữ học công nghệ số mỗi tuần 15 phút”, “Tổ công nghệ số cộng đồng nữ” tại các địa phương trong tỉnh bước đầu phát huy hiệu quả. Toàn tỉnh đã tổ chức trên 80 lớp tập huấn chuyển đổi số cho gần 4.000 cán bộ hội.
Đồng thời, phối hợp tuyên truyền, vận động hội viên sử dụng các tiện ích số trong đời sống, như: Thanh toán không tiền mặt, dịch vụ công trực tuyến…
Cùng với đó, tổ chức Hội Phụ nữ thực hiện 2 dự án “Thúc đẩy tài chính toàn diện vì phụ nữ dân tộc thiểu số” do tổ chức CARE tài trợ, dự án “Phát triển làng xã” do tổ chức Global Civic Sharing (GCS) Hàn Quốc tài trợ.
Tại khu vực phía Bắc của tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp quan tâm, hỗ các hợp tác xã, tổ hợp tác lập thủ tục, hồ sơ tham gia hội nghị nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, nâng hạng sao cho sản phẩm OCOP, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP cho các sản phẩm; tăng cường tập huấn kỹ năng bán hàng online…
Thông qua các hoạt động, Hội từng bước khẳng định vai trò đồng hành cùng phụ nữ trong thời đại số, góp phần xây dựng chính quyền số, xã hội số, kinh tế số, công dân số tại địa phương.
Việc áp dụng công nghệ vào thực tiễn không chỉ giúp nâng cao hình ảnh sản phẩm, mà còn góp phần tăng doanh thu và mở rộng thị trường tiêu thụ. Sản phẩm của một số chị em vùng cao đã có đơn đặt hàng từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, thậm chí xuất khẩu.
Theo bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế hợp tác, Liên minh HTX Việt Nam, thương mại điện tử rất quan trọng, giúp quảng bá thông tin sản phẩm của các chủ thể, người dân đến người tiêu dùng toàn cầu.
Hiện Viện Phát triển kinh tế hợp tác, Liên minh HTX Việt Nam đang triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình đến vùng bà con dân tộc thiểu số, chị em phụ nữ vùng cao sẽ giúp họ tiếp cận thương mại điện tử, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh.
Bà Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh: Muốn có sản phẩm chất lượng, chị em phụ nữ vùng cao không chỉ đẩy lên các kênh thương mại điện tử một lần mà đằng sau đó là cả quy trình sản xuất hữu cơ đảm bảo số lượng, chất lượng. Điều quan trọng nhất là quan tâm đến giá trị sản phẩm.
Với sự hỗ trợ kịp thời từ các chính sách và tổ chức đoàn thể, phụ nữ vùng cao từng bước tiếp cận kinh tế số, nhiều chị em sẽ là lực lượng nòng cốt thúc đẩy kinh tế số phát triển bền vững và toàn diện tại các vùng khó khăn.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202507/phu-nu-vung-cao-bat-nhip-kinh-te-so-f612346/
Bình luận (0)