Phương thức ủy thác vốn vay tín dụng chính sách thông qua hệ thống các tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn tỉnh trong suốt những năm qua đã khẳng định tính ưu việt riêng có của Ngân hàng CSXH. Đây là cách làm sáng tạo, phù hợp với tôn chỉ, mục đích hoạt động của các tổ chức hội, đoàn thể cũng như mục tiêu hướng đến của ngành Ngân hàng trong công cuộc kiến tạo sự phát triển đồng đều giữa các vùng miền, nâng cao đời sống hộ nghèo, góp phần tích cực cho mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra.
Cán bộ tín dụng Ngân hàng CSXH thị xã Phú Thọ trao đổi với các tổ chức đoàn thể về tiến độ triển khai ứng dụng số trong chương trình cho vay ưu đãi hộ nghèo.
Khẳng định tính ưu việt riêng có
Hương Lung là xã miền núi thuộc huyện Cẩm Khê có đồng bào công giáo chiếm tới 95% tổng dân số. Những năm qua, thông qua các tổ chức chính trị - xã hội của địa phương, nguồn vốn vay ưu đãi đã đến được những hộ nghèo, hộ gia đình chính sách và những đối tượng có nhu cầu vay vốn. Nhờ có nguồn vốn vay chính sách, đời sống của nhiều hộ dân đã được nâng cao, từng bước làm thay đổi bộ mặt kinh tế của xã vốn có nhiều khó khăn này.
Chị Nguyễn Thị Huyền - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã chia sẻ: Hội Phụ nữ xã đã phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện tổ chức hiệu quả dịch vụ ủy thác cho vay vốn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn xã. Sau khi ký kết hợp đồng ủy thác, Hội phụ nữ cũng như các hội đoàn thể khác đã tập trung tuyên truyền chủ trương, chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đến với người dân. Qua đó bảo đảm nguồn vốn vay đến đúng đối tượng thụ hưởng, kịp thời và phát huy hiệu quả. Hiện nay, Hội Phụ nữ xã đang triển khai cho vay 10 chương trình với dư nợ gần 9 tỷ đồng, 191 thành viên còn dư nợ.
Với sự vào cuộc trách nhiệm, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền, nhất là các tổ chức đoàn thể, xã Hương Lung nhiều năm nói không với nợ xấu, không có nợ khoanh và nợ quá hạn.
Qua tìm hiểu được biết, hoạt động ủy thác của các tổ chức đoàn thể ở huyện Cẩm Khê đã tạo thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn, tiết giảm chi phí. Hiện các tổ chức đang phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH thực hiện các nội dung ủy thác, phối hợp quản lý, giải ngân 14 chương trình tín dụng chính sách, dư nợ ủy thác đạt 678 tỷ đồng, chiếm 99,9%/tổng dư nợ.
Để hoạt động tín dụng chính sách đạt hiệu quả cao, Ngân hàng CSXH đã thực hiện phương thức cho vay đặc thù thông qua việc phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể ở cơ sở trong việc xác định đối tượng thụ hưởng, thực hiện giải ngân và quản lý nguồn vốn, trong đó vai trò của các tổ chức hội, đoàn thể là đầu mối chính ở cơ sở. Cách làm này được thực hiện công khai, dân chủ trong cộng đồng dân cư.
Thông qua mạng lưới bao phủ, rộng khắp từ cấp tỉnh đến xã, phường, thị trấn, các tổ chức hội, đoàn thể đã kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các hội viên, nhanh chóng đưa nguồn vốn đến tận tay đối tượng trong diện thụ hưởng. Việc bình xét cho vay được thực hiện dưới sự chứng kiến của tổ chức hội nhận ủy thác cấp xã và trưởng khu dân cư. Các tổ chức hội đã phát huy vai trò giám sát trong bình xét, lựa chọn đối tượng cho vay, giám sát người vay sử dụng vốn, kịp thời phát hiện, phối hợp xử lý những trường hợp dễ dẫn đến nguy cơ mất vốn. Bên cạnh đó, tổ chức hội còn tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng trong việc đôn đốc người vay trả nợ khi đến hạn, đôn đốc thu hồi nợ quá hạn tồn đọng trên địa bàn quản lý...
Hội Phụ nữ xã Hương Lung (huyện Cẩm Khê) phối hợp với Tổ tiết kiệm và vay vốn khu Suông 1 rà soát danh sách hội viên trong diện thụ hưởng để hướng dẫn lập hồ sơ vay vốn ưu đãi.
Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng
Công tác phối hợp thực hiện ủy thác giữa Ngân hàng CSXH và các tổ chức hội, đoàn thể được thực hiện chặt chẽ, đồng bộ, do đó chất lượng ủy thác ngày càng nâng cao.
Việc vay vốn thông qua các tổ chức hội đóng vai trò quan trọng và chiếm tỷ lệ lớn dư nợ cho vay của Ngân hàng CSXH. Tam Nông là một trong những địa phương phát huy hiệu quả vai trò ủy thác của tổ chức hội đoàn thể. Ngân hàng CSXH huyện đã và đang ủy thác thông qua 48 tổ chức hội, đoàn thể ủy thác cấp xã, trong đó Hội Nông dân có 12 tổ chức, Hội Phụ nữ 12 tổ chức, Hội CCB 12 tổ chức và Đoàn thanh niên 12 tổ chức. Các tổ chức hội, đoàn thể ủy thác đang quản lý 237 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Tổng dư nợ ủy thác qua các hội, đoàn thể đạt trên 439 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 99,95%/tổng dư nợ. Trong đó, Hội Nông dân có số dư nợ ủy thác gần 130 tỷ đồng, Hội Phụ nữ có số dư nợ ủy thác trên 127 tỷ đồng, Hội CCB có số dư nợ ủy thác trên 104 tỷ đồng, Đoàn thanh niên có số dư nợ ủy thác trên 78 tỷ đồng.
Nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, Ngân hàng CSXH tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức nhận ủy thác và các Tổ TK&VV tiến hành rà soát, phân loại từng khoản nợ chây ỳ, nợ quá hạn để có biện pháp xử lý, thu hồi nợ thích hợp; đồng thời nắm bắt tốt những khó khăn, vướng mắc của hộ vay để khắc phục kịp thời. Đến nay, tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,1%/tổng dư nợ ủy thác.
Hiện hệ thống Ngân hàng CSXH trên địa bàn tỉnh đã và đang ủy thác thông qua 845 tổ chức hội, đoàn thể ủy thác cấp xã, trong đó Hội Nông dân có 213 tổ chức, Hội Phụ nữ 221 tổ chức, Hội CCB 212 tổ chức và Đoàn thanh niên 199 tổ chức. Đến nay, tổng dư nợ ủy thác qua các hội, đoàn thể đạt trên 6.580 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 99,69%/tổng dư nợ toàn chi nhánh. Trong đó: Hội Nông dân có số dư nợ ủy thác trên 1.807 tỷ đồng, Hội Phụ nữ có số dư nợ ủy thác trên 1.831 tỷ đồng, Hội CCB có số dư nợ ủy thác gần 1.528 tỷ đồng, Đoàn thanh niên có số dư nợ ủy thác trên 1.414 tỷ đồng.
Các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đã thực sự phát huy tốt vai trò nhận ủy thác nguồn vốn tín dụng chính sách. Điều đó không chỉ giúp hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện phát triển sản xuất, tạo việc làm, ổn định cuộc sống mà còn là công cụ giúp hội viên và các gia đình có thu nhập thấp được thụ hưởng sự bình đẳng về giáo dục, an sinh xã hội. Trong năm 2024, thông qua hoạt động ủy thác, đã có 34.639 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận vốn; gần 4.000 lao động có việc làm, 79 đối tượng chính sách được mua nhà ở xã hội hoặc xây sửa nhà để ở; gần 100 lao động vay vốn đi làm việc ở nước ngoài; 664 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; 120 gia đình có người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn; xây dựng, cải tạo gần 39.800 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Có thể thấy, phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác ở một số khâu thông qua các tổ chức ở địa phương đã tạo một kênh dẫn vốn hữu hiệu, tin cậy đối với Nhân dân và cấp ủy Đảng, chính quyền, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách thay đổi nhận thức để vươn lên thoát nghèo.
Đồng chí Trương Việt Phương - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh khẳng định: Việc thực hiện ủy thác nguồn vốn qua các tổ chức hội, đoàn thể không chỉ thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa hoạt động tín dụng chính sách, huy động được sức mạnh của toàn xã hội tham gia vào nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực của Nhà nước cho mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương, mà còn là cánh tay nối dài để nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng và phát huy hiệu quả, góp phần củng cố, nâng cao uy tín tổ chức hội, đoàn thể ở cơ sở. Các tổ chức hội, đoàn thể có điều kiện quan tâm hơn đến hội viên, nội dung sinh hoạt phong phú hơn, góp phần tiết giảm chi phí xã hội, giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận với dịch vụ tài chính một cách nhanh chóng, thuận lợi, an toàn và hiệu quả.
Phương Thảo
Nguồn: https://baophutho.vn/phuong-thuc-uu-viet-giup-giam-ngheo-ben-vung-230805.htm
Bình luận (0)