Cung không đủ cầu
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi), sản xuất lâm nghiệp, diện tích rừng trồng trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại lớn dẫn tới nhu cầu cây giống phục vụ trồng rừng của năm 2025 tăng cao (gấp 2 lần so với năm 2024). Từ tháng 10/2024 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh sản xuất được 28,8 triệu cây giống lâm nghiệp các loại (giảm 2 triệu cây so với cùng kỳ của năm 2024). Nguyên nhân chủ yếu là do từ tháng 10/2024 đến trung tuần tháng 4/2025, thời tiết hanh khô, người dân không trồng được rừng nên cây giống lưu tại vườn ươm kéo dài, các vườn ươm không luân chuyển gieo ươm được đợt mới.
Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Thương mại một thành viên cây giống Hưng Nhung bán cây giống cho người trồng rừng. |
Tại huyện Yên Thế, mùa vụ 2025 có 85 cơ sở đăng ký sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp. Từ đầu năm đến nay giá cây giống lâm nghiệp tăng mạnh. Bạch đàn dao động từ 2 đến 3 nghìn đồng/cây; keo từ 2,5 đến 2,7 nghìn đồng/cây (tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái). Tuy nhiên, đến thời điểm này cơ bản các vườn ươm đã bán hết số cây đủ tiêu chuẩn xuất vườn, chủ yếu còn lại cây non. Trong đó có nhiều giống mới, cho năng suất cao như: Keo Úc, keo mô AH1, BV10, BV16; các giống bạch đàn mới như: Cự vỹ DH32-26; DH32-29; DH32-42, U16, U6, CL91...
Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Sản xuất và Thương mại giống cây trồng Dũng Ngân, thị trấn Bố Hạ (Yên Thế) cho biết: “Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã bán được hơn 1 triệu cây giống keo và bạch đàn ra thị trường các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, trong vườn còn khoảng 200 nghìn cây nhưng chưa đủ tuổi bán. Mặc dù giá bán tăng gấp đôi song nhà vườn không có đủ cây giống để cung cấp cho khách hàng. Đối với bạch đàn, từ lúc ươm gieo đến khi xuất bán khoảng 3 tháng, đối với keo khoảng 3,5 tháng, để đáp ứng nhu cầu thị trường chúng tôi đang tích cực chuẩn bị mặt bằng vườn ươm, thuê nhân công xuống giống luân canh cho vụ mới”.
Tương tự, đối với các cơ sở cung cấp cây giống khác như: Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Thương mại một thành viên cây giống Hưng Nhung, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Toản Nam (thị trấn Bố Hạ), hộ ông Lý Chủ Phát, Hoàng Văn Sếnh, xã Vô Tranh (Lục Nam)… đều có tình trạng cung không đủ cầu. Khách hàng tại nhiều tỉnh, thành phố liên hệ đặt hàng nhưng các cơ sở này đều từ chối.
Theo ông Nguyễn Bá Kiên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Yên Thế, xác định được tầm quan trọng của cây giống đối với công tác trồng rừng, ngay từ đầu năm đơn vị đã tổ chức kiểm tra, giám sát chặt khâu sản xuất, cung ứng. Đồng thời tiến hành kiểm tra hồ sơ, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ giống cây do các cơ sở nhập về. Tuy nhiên, trên địa bàn có hiện tượng vài cơ sở mua cây giống nơi khác về kinh doanh chưa đầy đủ hồ sơ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ theo quy định, có thể sẽ ảnh hưởng đến chất lượng rừng trồng sau này. Các trường hợp vi phạm đã được cơ quan chức năng lập hồ sơ, xử lý theo quy định.
Xử lý nghiêm vi phạm
Tỉnh Bắc Giang hiện có hơn 130 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế và Lạng Giang. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã trồng hơn 7 nghìn ha rừng tập trung, đạt 70% kế hoạch (tăng hơn 3 nghìn ha so với cùng kỳ năm 2024). Hiện nay tranh thủ thời tiết thuận lợi, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh trồng rừng, trồng cây phân tán.
Tỉnh Bắc Giang hiện có hơn 130 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã trồng hơn 7 nghìn ha rừng tập trung, đạt 70% kế hoạch (tăng hơn 3 nghìn ha so với cùng kỳ năm 2024). Hiện nay tranh thủ thời tiết thuận lợi, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh trồng rừng, trồng cây phân tán. |
Mặc dù nhu cầu lớn nhưng năng lực của một số cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp trên địa bàn còn hạn chế, cơ bản vẫn là thủ công, tự phát. Nhiều nơi chưa bảo đảm về cơ sở vật chất, năng lực, trình độ chuyên môn, nhất là trong giai đoạn hiện nay, nhu cầu giống mới, được sản xuất bằng công nghệ cao (nuôi cấy mô) đòi hỏi đội ngũ cán bộ kỹ thuật phải có trình độ cao, đào tạo bài bản.
Ông Hà Minh Quý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, để quản lý chất lượng, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý cây giống lâm nghiệp, Sở tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở gieo ươm đưa giống mới, năng suất cao, có hồ sơ nguồn gốc xuất xứ vào sản xuất. Khuyến cáo người trồng rừng lựa chọn mua cây giống tại các cơ sở sản xuất uy tín, chất lượng; không trồng cùng một loài cây quá hai chu kỳ liên tiếp trên cùng địa điểm.
Cùng đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường tăng cường công tác kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp theo quy định, nhất là với hành vi sản xuất, kinh doanh cây giống không có hồ sơ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, không để tình trạng cây giống lâm nghiệp trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chất lượng kém lưu hành trên thị trường. Chủ động thông báo, niêm yết công khai danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp đủ điều kiện để Nhân dân và chủ rừng biết.
Xử lý nghiêm vi phạm đối với các cơ sở tự sản xuất cây giống bằng phương pháp giâm hom nhưng không thực hiện thủ tục công nhận nguồn giống cây trồng lâm nghiệp (chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận nguồn giống là vườn cây đầu dòng). Kịp thời ban hành văn bản thông báo các nguồn giống đã hết thời hạn sử dụng tới các chủ nguồn giống, thông tin các cơ sở đủ điều kiện sản xuất kinh doanh giống trên địa bàn tỉnh lên website của Sở Nông nghiệp và Môi trường.
Sở cũng tăng cường chỉ đạo lực lượng kiểm lâm bám sát cơ sở, chủ động tham mưu cho địa phương thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về giống cây trồng lâm nghiệp. Nghiêm cấm hành vi găm hàng, lợi dụng tình trạng thiếu hàng để đẩy giá bán lên cao.
Nguồn: https://baobacgiang.vn/quan-ly-chat-chat-luong-cay-giong-lam-nghiep-postid418426.bbg
Bình luận (0)