Khi các "ngôi sao" lần lượt rời sân chơi tennis
Tại Davis Cup 2025 nhóm 3 khu vực châu Á – châu Đại Dương vừa khép lại tại Bắc Ninh, đội tuyển quần vợt Việt Nam suýt đánh mất vị thế trước các đối thủ không vượt trội về trình độ. Từ đội hình từng kỳ vọng cạnh tranh thăng hạng chỉ 2-3 mùa trước, tuyển Việt Nam giờ đây chỉ còn lại Nguyễn Văn Phương là tay vợt có kinh nghiệm và phần nào là Vũ Hà Minh Đức. Trước giải, Liên đoàn quần vợt Việt Nam đã phải tổ chức thi đấu nội bộ giữa các tay vợt trẻ tài năng để chọn thêm VĐV tham dự.
Cũng từ đây, những Phạm La Hoàng Anh, Nguyễn Minh Phát, Đinh Viết Tuấn Minh mới có tên trong danh sách tham dự Davis Cup 2025 nhóm III khu vực châu Á – châu Đại Dương. Với lực lượng mỏng như vậy, ở giải này, đội tuyển thua trước Thái Lan, Saudi Arabia. Thậm chí, đội tuyển còn thua Singapore – điều chưa từng diễn ra trong các lần tham dự Davis Cup trước đây.
Trong khi đó, nếu những Lý Hoàng Nam, Trịnh Linh Giang... vẫn gắn bó với tennis thì cơ hội khó đến với những tay vợt trẻ trên. Và lý do khiến những gương mặt này đồng loạt vắng mặt không phải chấn thương hay bất đồng nội bộ – mà vì họ đã rẽ sang một con đường mới mang tên pickleball.
Trong khoảng hai năm qua, pickleball – môn thể thao pha trộn giữa quần vợt, cầu lông và bóng bàn – trở thành điểm đến mới của không ít tay vợt chuyên nghiệp trên thế giới. Tại Việt Nam, làn sóng ấy nhanh chóng tác động đến giới tennis, đặc biệt là những VĐV từng loay hoay với việc tìm kiếm nguồn tài trợ, không có nhiều cơ hội ra nước ngoài thi đấu. Nhiều sân tennis được chuyển đổi sang sân pickleball nhờ khả năng sinh lời cao hơn.
Nhiều cao thủ tennis, cầu lông, bóng bàn cũng chọn pickleball để khẳng định tài năng, có thu nhập và thêm danh tiếng. Đến giờ, Lý Hoàng Nam là gương mặt đại diện của một số nhãn hàng pickleball với thu nhập ổn định, Trịnh Linh Giang vừa vô địch một chặng PPA Asia Tour ở Malaysia.
Trong khi đó, pickleball vẫn chưa có tên trong những Đại hội thể thao quan trọng với Việt Nam như SEA Games, ASIAD và Olympic. Nhưng điều này cũng không quan trọng với những tay vợt tham gia khi họ nhận đủ về thu nhập, danh tiếng và sự lan tỏa tên tuổi trên các kênh truyền thông.

Thay đổi để giữ người
Sự chuyển hướng sang pickleball của các tay vợt hàng đầu không chỉ khiến tuyển quốc gia hụt hẫng lực lượng mà còn dấy lên lo ngại về tương lai của cả nền quần vợt nước nhà. Cũng may là quần vợt Việt Nam vẫn có những người quyết theo đuổi đam mê đến cùng. Ông Vũ Hữu Hà – bố của tay vợt trẻ Vũ Hà Minh Đức – chia sẻ rằng con trai ông cũng nhận được nhiều lời mời hấp dẫn để chuyển sang pickleball, nhưng gia đình vẫn theo quần vợt chuyên nghiệp. Không kể, hiện tại, Minh Đức cũng đang có một thương hiệu đồng hành để có thể yên tâm theo đuổi đam mê.
Ông Vũ Hữu Hà cũng cho rằng, sự hợp tác giữa Liên đoàn và các nhà tài trợ trong thời gian qua là yếu tố quan trọng để giữ chân các tài năng trẻ quần vợt. Điều này đang được thể hiện tích cực hơn trong thời gian gần đây, khi quần vợt đối mặt với "đối thủ nặng ký" mang tên pickleball.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Tổng thư ký Liên đoàn quần vợt Việt Nam, thừa nhận rằng sức hút của pickleball với các tay vợt quần vợt là một thách thức thực sự và Liên đoàn phải có các giải pháp thiết thực để giữ chân các tay vợt hàng đầu, giúp họ chuyên tâm với tennis thay vì liên tục liếc, ngó sang pickleball. Ông Nguyễn Hồng Sơn cũng kể rằng, Liên đoàn quần vợt Việt Nam đang tập trung mở rộng hệ thống giải quốc nội, bổ sung cơ chế khuyến khích, miễn phí thi đấu, hỗ trợ vé máy bay cho VĐV trẻ có thành tích tốt… Ngoài ra, Liên đoàn cũng liên tục gửi công văn về địa phương nơi VĐV sinh sống để tổ chức khen thưởng kịp thời khi các em đạt thành tích quốc tế ấn tượng. Dù vậy, chính ông Sơn cũng nhìn nhận, cần nhiều hơn thế để giữ người.
Trên thực tế, tại các giải trẻ gần đây như Vô địch trẻ quốc gia 2025, hay giải vô địch lứa tuổi trẻ quốc gia 2025, số lượng tay vợt vẫn rất đông. Gần đây nhất, 300 VĐV từ lứa tuổi U8 đến U18 góp mặt trong giải vô địch lứa tuổi trẻ quốc gia 2025 tại TP Hồ Chí Minh, cho thấy tiềm năng về lực lượng kế cận. Tuy nhiên, như ông Nguyễn Kim Cương, phụ trách bộ môn quần vợt (Cục Thể dục Thể thao Việt Nam) cũng nhận định: “Để phát triển đến đỉnh cao, các VĐV cần lộ trình dài hạn và sự đầu tư chuyên nghiệp, chứ không chỉ là đam mê ban đầu.”.
Còn trước mắt, dù thành tích của đội quần vợt nam Việt Nam tại Davis Cup 2025 đáp ứng được mục tiêu trụ hạng, nhưng vẫn cần những giải pháp rõ ràng như có thêm nhiều giải quốc nội chất lượng cao, tăng cơ hội cọ xát quốc tế. Đồng thời, cần giữ chân các gương mặt trẻ qua chính sách rõ ràng về tài chính và huấn luyện... để VĐV không rẽ ngang sang môn khác như thời gian qua.
Sự xuất hiện và chuyển mình mạnh mẽ của pickleball là lời nhắc cần thiết với quần vợt Việt Nam. Nếu không cải thiện môi trường phát triển, quần vợt sẽ tiếp tục chứng kiến làn sóng "chảy máu tài năng" và sớm đánh mất vị thế từng có.
Câu hỏi "Ai sẽ gánh thành tích quốc tế cho quần vợt Việt Nam trong thời gian tới?” không chỉ đặt ra cho HLV hay VĐV, mà với những người đang điều hành bộ môn này ở cả cấp liên đoàn lẫn ngành thể thao.
Không đặt mục tiêu HCV SEA Games 33
Mới vài ba năm trước, quần vợt Việt Nam còn đang trong cơn phấn khích khi Lý Hoàng Nam giành HCV nội dung đơn nam môn quần vợt tại SEA Games 31 (năm 2022, tổ chức tại Việt Nam). Qua đó, Lý Hoàng Nam có lần thứ hai liên tiếp vô địch nội dung này sau tấm HCV ở SEA Games 30 (năm 2019 tại Philippines). Đây cũng là dấu mốc giúp Lý Hoàng Nam trở thành tay vợt nam đầu tiên của Việt Nam bảo vệ thành công HCV đơn nam SEA Games.
Đến SEA Games 32 năm 2023 tổ chức ở Campuchia, Lý Hoàng Nam không bảo vệ thành công tấm HCV đơn nam và chỉ giành HCB. Nhưng hiện nay, khi không có Lý Hoàng Nam, đội tuyển quần vợt Việt Nam cũng không dám đặt chỉ tiêu giành HCV tại SEA Games 33 sắp tới.
Minh Khuê
Nguồn: https://cand.com.vn/the-thao/quan-vot-viet-nam-va-bai-toan-lam-moi-minh-i775802/
Bình luận (0)