
Đảm bảo điểm đến an toàn
Hiện tại, một số cơ sở lưu trú và nhà hàng ở Hội An đã chủ động áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm (ATTP) và du lịch bền vững. Đơn cử, Silk Sense Hoi An River Resort sử dụng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tổ chức tập huấn định kỳ cho nhân viên về ATTP và áp dụng công nghệ tái chế rác hữu cơ thành phân bón.
Tại vườn rau Caman Village (nằm trong khuôn viên Silk Sense Hoi An River Resort) du khách được thưởng thức món ăn đặc sắc của Quảng Nam và trực tiếp trải nghiệm các khâu chế biến.
Với phương thức canh tác rau sạch, Caman Village vừa là nơi trải nghiệm du lịch nông nghiệp vừa trở thành nơi cung cấp nguyên liệu cho các suất ăn tại khu resort Silk Sense.
Hội An cũng đã triển khai mô hình tổ giám sát cộng đồng về ATTP nông - lâm - thủy sản trên địa bàn giai đoạn 2024 - 2025. Bên cạnh nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, vận động người dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, mô hình tổ giám sát còn theo dõi, thống kê, cập nhật thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản tại địa bàn; giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm theo quy định.
Môi trường du lịch an toàn trong đó bao gồm ATTP là điều cần thiết được ưu tiên. Năm 2024, Quảng Nam siết chặt hơn việc kiểm tra môi trường du lịch, gắn với theo dõi chặt chẽ vấn đề vệ sinh ATTP của các cơ sở kinh doanh tại những địa điểm du lịch.
Trong đó, Hội An đã tổ chức để thực hiện các cam kết giữa đơn vị kinh doanh thực phẩm, đơn vị cung ứng nguyên liệu, các nhà hàng, quán ăn tại các địa điểm du lịch, hướng đến tạo môi trường du lịch an toàn.
Bà Lê Thị Hồng Cẩm - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Nam cho biết, trong Tháng hành động vì ATTP (15/4 - 15/5), Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tổ chức nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh và chế biến thực phẩm. Tại Hội An, kết quả kiểm tra tại các nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh cho thấy đa số đều đảm bảo tiêu chí về ATTP theo quy định của pháp luật
Kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng
Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an ninh, ATTP năm 2025 với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt vừa được UBND tỉnh ban hành.

Theo kế hoạch, mục tiêu lớn nhất của tỉnh trong năm 2025 là kiểm soát chặt chẽ toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm - từ sản xuất, sơ chế, chế biến đến lưu thông, tiêu dùng.
Trong đó, tỷ lệ ngộ độc thực phẩm cấp tỉnh phải dưới 6 người/100.000 dân, các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm phải đạt 90% điều kiện ATTP. Tỉnh cũng đặt kỳ vọng 99% số mẫu thực phẩm nông - lâm - thủy sản giám sát đạt yêu cầu về an toàn.
Mở rộng thanh tra đột xuất và hậu kiểm các cơ sở sản xuất - chế biến thực phẩm, đặc biệt là dịch vụ nấu ăn lưu động, bếp ăn tập thể, chợ tự phát và thức ăn đường phố - những nơi tiềm ẩn nguy cơ cao, được yêu cầu.
Hiện tại, UBND tỉnh yêu cầu ngành chức năng của tỉnh công khai danh tính các cơ sở vi phạm trên các phương tiện truyền thông. Những hành vi gian lận về nguồn gốc thực phẩm, sử dụng hóa chất, phụ gia không phép, sản xuất hàng giả - hàng nhái, đều bị xử lý nghiêm.
Đồng thời ngành y tế củng cố hệ thống giám sát ngộ độc thực phẩm tại các tuyến; tăng cường hoạt động giám sát ô nhiễm thực phẩm tại các nhà hàng, cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, trường học, nhất là các bếp ăn tập thể tại các trường mầm non, tiểu học…
Các ngành thực hiện nghiêm túc, thường xuyên việc lấy mẫu để giám sát nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm; giám sát chặt chẽ các cơ sở thức ăn đường phố, đặc biệt chú trọng các cơ sở dịch vụ nấu ăn lưu động.
Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất kinh doanh được khuyến khích ứng dụng tiêu chuẩn VietGAP, HACCP, phát triển mô hình chợ ATTP, chuỗi thực phẩm an toàn, kết nối với hệ thống phân phối sạch toàn tỉnh. Đường dây nóng và đầu mối tiếp nhận thông tin về vi phạm ATTP cũng sẽ được thông báo rộng rãi. Người dân được khuyến khích tố giác các hành vi vi phạm và sẽ được bảo vệ, khen thưởng xứng đáng.
Quảng Nam hiện đang triển khai việc thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trước hàng loạt vụ sản xuất sữa giả, thực phẩm giả, thuốc giả... Đại diện thanh tra Sở Y tế cho biết, do các cơ sở kinh doanh mặt hàng này tại Quảng Nam chủ yếu là các đại lý, không phải nơi sản xuất, nên việc phát hiện vi phạm thường rất ít.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/quang-nam-siet-chat-quan-ly-an-toan-thuc-pham-3155121.html
Bình luận (0)