Câu chuyện chênh lệch giữa các tổ hợp A00, D01 hay C00 lại đặt ra câu hỏi: Liệu công bằng trong tuyển sinh đại học có được đảm bảo?
Cẩn trọng với việc quy đổi điểm giữa các tổ hợp
Theo bảng quy đổi điểm tổ hợp mà Bộ GD&ĐT công bố, một thí sinh đạt 28,75 điểm tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa) có giá trị tương đương với thí sinh đạt 27,5 điểm tổ hợp D01 (Toán, Văn, Anh). Dù cùng đạt mức điểm gần tuyệt đối, thí sinh A00 lại được đánh giá cao hơn 1,25 điểm so với người học D01.
Con số này tuy không lớn về mặt tuyệt đối, nhưng trong bối cảnh điểm chuẩn đại học thường chốt sát sao chỉ cần chênh lệch 0,1-0,25 điểm đã phân định trúng tuyển hay trượt thì khoảng cách 1,25 điểm là rất đáng kể. Điều đó hé lộ một thực tế đáng lo ngại: các tổ hợp xét tuyển vốn được cho là “ngang hàng”, thực chất lại có mức độ “khó” - “dễ” rất khác nhau.

Một thí sinh đạt 28,75 điểm tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa) có giá trị tương đương với thí sinh đạt 27,5 điểm tổ hợp D01 (Toán, Văn, Anh).
Bất cập càng trở nên nghiêm trọng khi nhiều trường đại học xét tuyển vào cùng một ngành nhưng không thực hiện quy đổi điểm, hoặc quy đổi tùy tiện, thiếu căn cứ rõ ràng. Việc mở rộng các tổ hợp xét tuyển vốn nhằm tăng cơ hội cho thí sinh, nhưng cũng kéo theo tranh cãi về sự công bằng. Khi một thí sinh dùng tổ hợp có môn thi dễ hơn để trúng tuyển cùng ngành với người học tổ hợp khó hơn, tính cạnh tranh và chuẩn đầu vào sẽ bị ảnh hưởng.
Minh Châu, học sinh lớp 12 tại Hà Nội, cũng bày tỏ lo lắng: "Em đạt 28,75 điểm tổ hợp A00, nhưng khi so sánh với bạn bè thi D01 thì thấy nếu quy đổi, điểm của em bị thấp hơn đến hơn 1 điểm, dù điểm số tuyệt đối là như nhau. Nếu các trường lấy chung chỉ tiêu cho A00 và D01 mà không quy đổi hoặc quy đổi lệch chuẩn thì thí sinh tổ hợp khó sẽ thiệt. Nhiều bạn quay sang chọn tổ hợp vì "an toàn" điểm, chứ không phải vì yêu thích ngành nghề đó”.
Chính sự chênh lệch điểm giữa các tổ hợp khiến nhiều học sinh không còn lựa chọn tổ hợp theo sở trường hay định hướng nghề nghiệp, mà chuyển sang những tổ hợp được cho là dễ đạt điểm cao. Điều này gây ra hệ lụy: học sinh học lệch, ôn luyện thiếu toàn diện và có thể dẫn đến chọn sai ngành nghề, ảnh hưởng lâu dài đến sự nghiệp cá nhân lẫn chất lượng nguồn nhân lực.
Giải pháp nào để đảm bảo công bằng?
Từ những bất cập nêu trên, giới chuyên gia giáo dục đã lên tiếng cảnh báo về cách quy đổi điểm hiện nay, đồng thời đề xuất những hướng đi nhằm bảo đảm tính công bằng trong tuyển sinh - cốt lõi của bất kỳ kỳ thi chuẩn hóa nào.
PGS.TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT, nhận định: “Quy đổi điểm là vấn đề quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội của hàng triệu thí sinh. Nhưng hiện nay, việc giải thích của Bộ còn thiếu tính thuyết phục, chưa cho thấy cơ sở khoa học vững chắc khi quy đổi”.
Đặc biệt, ông Khuyến cảnh báo về tình trạng mỗi trường đại học đang quy đổi điểm theo một cách riêng, thiếu sự kiểm soát thống nhất: “Nếu không có hội đồng thẩm định chuyên môn độc lập mà chỉ dựa vào ý kiến nội bộ hay một vài nhóm nghiên cứu nào đó thì rất dễ dẫn tới áp dụng vội vàng, gây mất công bằng”.
Ông cũng cho rằng, nếu muốn chọn một tiêu chí chính để xét tuyển thì nên dựa vào điểm thi, bởi đó là phương thức ít bị can thiệp chủ quan nhất. Ở một số quốc gia, điểm học bạ là cơ sở đáng tin cậy khi hệ thống kiểm định chất lượng được triển khai rộng rãi, văn hóa chất lượng học đường được hình thành. Nhưng tại Việt Nam, điểm học bạ vẫn chịu ảnh hưởng từ yếu tố chủ quan, chưa phản ánh trung thực năng lực học sinh như điểm thi tốt nghiệp THPT.

TS Lê Viết Khuyến.
Dưới góc độ kỹ thuật đánh giá, TS Sái Công Hồng, chuyên gia kiểm tra, đánh giá giáo dục cho rằng việc quy đổi điểm giữa các tổ hợp cần hết sức thận trọng, dựa trên dữ liệu đầy đủ và cách tiếp cận khoa học. Ông nhấn mạnh, cách tiếp cận bằng phân vị xếp hạng (percentile rank) có thể phản ánh đúng năng lực tương đối của thí sinh, nhưng cần hệ thống dữ liệu lớn và minh bạch.
Theo TS Hồng, nếu buộc phải quy đổi điểm giữa các tổ hợp để xét tuyển cùng một ngành, phương án khả thi là chuẩn hóa theo thứ hạng thực tế của thí sinh trong từng tổ hợp. Thay vì so sánh điểm tuyệt đối, các trường có thể căn cứ vào phân vị xếp hạng - cách làm phản ánh đúng mức độ cạnh tranh và năng lực tương đối của từng thí sinh trong mỗi tổ hợp thi.
Tuy nhiên, ông cũng thận trọng lưu ý rằng cách tiếp cận này chỉ hiệu quả khi có dữ liệu đầy đủ và số lượng thí sinh đủ lớn. Với những ngành mới mở hoặc ít người đăng ký, việc chuẩn hóa sẽ gặp khó khăn, thậm chí phản tác dụng nếu thiếu minh bạch. “Nếu phải quy đổi thì phải làm cẩn trọng, có căn cứ khoa học và minh bạch với thí sinh,” ông nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, có một số nguyên tắc cần đảm bảo trong xét tuyển: Thứ nhất, các trường đại học cần sử dụng phương pháp quy đổi điểm thống nhất, minh bạch và có cơ sở khoa học. Có thể dựa vào bảng quy đổi của Bộ hoặc sử dụng các chỉ số như độ lệch chuẩn, phân vị xếp hạng để so sánh năng lực tương đối giữa các tổ hợp.
Thứ hai, cần phát triển các công cụ trực tuyến giúp thí sinh tra cứu điểm tương đương giữa các tổ hợp, từ đó đưa ra quyết định phù hợp với năng lực thực tế, thay vì "chạy theo tổ hợp điểm cao".
Thứ ba, về lâu dài, nên giảm bớt tình trạng sử dụng tổ hợp xét tuyển tràn lan, chỉ giữ lại những tổ hợp thật sự liên quan đến ngành đào tạo. Song song, có thể bổ sung bài kiểm tra năng lực đầu vào hoặc các tiêu chí phụ để đảm bảo chất lượng tuyển sinh, sát với đặc thù ngành nghề.
Việc Bộ GD&ĐT công bố bảng tương đương điểm giữa các tổ hợp xét tuyển với chênh lệch có thể lên tới hơn 1 điểm đang đặt ra một bài toán nan giải trong tuyển sinh. Điều này không chỉ tạo ra thiệt thòi cho những thí sinh học tổ hợp khó, mà sự thiếu công bằng trong cách quy đổi còn khiến học sinh lựa chọn tổ hợp vì tính “an toàn điểm” hơn là theo đuổi đam mê và năng lực thực sự.
Vì vậy, để hướng đến một hệ thống tuyển sinh công bằng, chuẩn hóa và phản ánh đúng năng lực học sinh, việc hoàn thiện cơ chế quy đổi điểm là điều vô cùng cần thiết.
Nguồn: https://vtcnews.vn/quy-doi-diem-giua-to-hop-xet-tuyen-cong-bang-hay-bat-cap-ar956034.html
Bình luận (0)