Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Quy đổi điểm thi THPT 2025: Phương án nào tối ưu cho công bằng tuyển sinh?

(Dân trí) - Quy đổi điểm thi là một bước quan trọng trong bối cảnh những băn khoăn về mức độ công bằng trong xét tuyển vào đại học đang trở thành tâm điểm chú ý của cả thí sinh, phụ huynh và giới chuyên môn.

Báo Dân tríBáo Dân trí21/07/2025

Theo kế hoạch, hôm nay (21/7), Bộ GD&ĐT sẽ công bố bách phân vị (mức tương đồng điểm theo top %) của 5 tổ hợp truyền thống là A00 (toán, lý, hóa), A01 (toán, lý, tiếng Anh), B00 (toán, hóa, sinh), C00 (văn, sử, địa), D01 (toán, văn, Anh).

Cuối tuần qua, một phương án gây chú ý là quy đổi điểm các môn thi dựa trên sự tương đồng về phân phối phổ điểm. Chẳng hạn, nếu điểm trung bình của môn A là 5, môn B là 7, thì độ chênh điểm thô giữa hai môn là 2 điểm; khi đó, điểm 6 môn A được coi là tương đương điểm 8 môn B. Tuy nhiên, việc áp dụng thực tế sẽ phức tạp hơn để đảm bảo công bằng.

Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Dân trí đã có cuộc phỏng vấn với TS Sái Công Hồng, một chuyên gia về kiểm tra đánh giá giáo dục.

Thưa ông, sau khi điểm thi tốt nghiệp THPT 2025 được công bố, một trong những mối quan tâm lớn nhất của thí sinh là việc quy đổi điểm như thế nào để xét tuyển vào các trường đại học đảm bảo công bằng ở mỗi tổ hợp, phương thức xét tuyển.

Ông có ý kiến gì về vấn đề gì này?

- Trong nhiều năm trở lại đây, mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT lại dấy lên những tranh luận quanh chuyện "quy đổi điểm" giữa các môn thi.

Không ít học sinh và phụ huynh băn khoăn: Cùng đạt điểm 7 thì tại sao có môn dễ, có môn khó? Và liệu có công bằng không nếu lấy điểm các môn để đối sánh, đánh giá năng lực học sinh một cách ngang bằng?

Quy đổi điểm thi THPT 2025: Phương án nào tối ưu cho công bằng tuyển sinh? - 1

TS Sái Công Hồng (Ảnh: NVCC).

Theo tôi, câu trả lời xuất phát từ góc độ chuyên môn là: Không thể và không nên quy đổi điểm giữa các môn thi. Không chỉ vì đề thi khác nhau, mà còn bởi bản chất mục tiêu đánh giá và đặc trưng năng lực chuyên biệt của từng môn học vốn đã hoàn toàn khác biệt.

Ông có thể phân tích tại sao lại không thể và không nên quy đổi như vậy?

- Như tôi đã phân tích trong bài viết “Băn khoăn quy đổi điểm giữa các môn thi THPT: Góc nhìn từ chuyên gia” đăng trên Dân trí vào 19/7 thì 6 lý do chính không nên quy đổi điểm giữa các môn thi.

Thứ nhất, một kỳ thi với nhiều mục đích, không thể quy chuẩn điểm số.

Thứ hai, môn bắt buộc, nhưng không bắt buộc giống nhau về mục đích, mỗi môn đo lường một loại năng lực riêng biệt.

Thứ ba, đề thi khác nhau về cấu trúc và độ khó.

Thứ tư, phổ điểm chênh lệch giữa các môn.

Thứ năm, thiếu công cụ chuẩn hóa liên môn.

Cuối cùng, hệ quả nếu quy đổi sai lệch.

Một điểm số chỉ có giá trị thực sự khi được đặt trong ngữ cảnh đúng: đặc trưng môn thi, cấu trúc đề thi, phổ điểm toàn quốc và mục tiêu sử dụng kết quả. Không thể lấy điểm 7 môn toán ra đối chiếu với điểm 7 môn văn, càng không thể quy đổi điểm văn sang hóa, hay từ tiếng Anh sang lịch sử.

Xem chi tiết: Băn khoăn quy đổi điểm giữa các môn thi THPT: Góc nhìn từ chuyên gia

Vậy theo ông, trong bối cảnh phải quy đổi theo quy định của thông tư tuyển sinh, làm sao để có thể đảm bảo được công bằng về điểm số khi xét tuyển giữa các tổ hợp?

- Khi nhiều tổ hợp được sử dụng để xét tuyển vào cùng một ngành, việc quy đổi điểm giữa các tổ hợp là yêu cầu phát sinh. Tuy nhiên, do các môn thi có tính chất và độ khó khác nhau, việc quy đổi điểm không thể thực hiện một cách chính xác tuyệt đối.

Trong bối cảnh bắt buộc phải quy đổi, phương án "ít sai lệch nhất" là sử dụng dữ liệu đăng ký xét tuyển thực tế theo ngành.

Đây là phương án đỡ sai lệch nhất vì: Cùng mục tiêu đầu vào (cùng ngành, cùng trường); cùng thời điểm xét tuyển, cùng mức chỉ tiêu; cho phép so sánh mức độ cạnh tranh thực tế giữa các tổ hợp trong một "sân chơi" chung.

Quy đổi điểm thi THPT 2025: Phương án nào tối ưu cho công bằng tuyển sinh? - 2

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2025 tại Hà Nội (Ảnh: Hải Long).

Cách làm cụ thể sẽ như thế nào, thưa ông?

- Cách làm là cần chuẩn hóa điểm theo thứ hạng trong danh sách đăng ký xét tuyển.

Các bước quy đổi:

1. Sắp xếp toàn bộ thí sinh đăng ký ngành đó theo điểm, bất kể tổ hợp.

2. Gắn mỗi thí sinh vào một phân vị (% xếp hạng).

3. Tìm điểm ở tổ hợp khác ứng với cùng phân vị để quy đổi tương đương.

Ưu điểm của phương án này là phản ánh đúng mức độ cạnh tranh giữa các tổ hợp trong cùng ngành, không cần giả định về độ khó từng môn, dữ liệu có thể được khai thác từ hệ thống lọc ảo hoặc thống kê điểm chuẩn.

Tuy nhiên, phương án này cũng có những hạn chế như: Cần có dữ liệu đầy đủ danh sách đăng ký nguyện vọng từng tổ hợp; không áp dụng được với ngành mới mở hoặc ít thí sinh đăng ký.

Tóm lại, nếu bắt buộc phải quy đổi điểm giữa các tổ hợp trong cùng một ngành, thì phương án tốt nhất là: Chuẩn hóa điểm theo thứ hạng xét tuyển thực tế trong ngành (dựa vào dữ liệu đăng ký từng tổ hợp).

Xin cảm ơn TS Sái Công Hồng!

Mọi ý kiến đóng góp từ chuyên gia và bạn đọc xin gửi về email: [email protected]

Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/quy-doi-diem-thi-thpt-2025-phuong-an-nao-toi-uu-cho-cong-bang-tuyen-sinh-20250721083201252.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình
PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm