Trong 6 tháng đầu năm 2025, cả nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng đã tập trung thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy. Song song với đó, cả hệ thống chính trị vẫn phải thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, đến nay Đắk Lắk đã cơ bản đảm bảo tiến độ thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu; tình hình kinh tế - xã hội được duy trì ổn định; hầu hết các ngành, lĩnh vực đều đạt mức tăng trưởng khá. Cơ cấu kinh tế được duy trì và chuyển dịch theo đúng định hướng.
Tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Đắk Lắk trong 6 tháng đầu năm 2025 tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. (Trong ảnh: Sản xuất hạt mắc ca xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương). Ảnh: K.Lê |
Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 7,14%. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 28.643 tỷ đồng (tăng 9,34% so với cùng kỳ năm 2024, bằng 38,9% kế hoạch (KH) năm 2025). Tổng doanh thu du lịch ước đạt 6.965 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 8.718 tỷ đồng (tăng 32%, bằng 53,2% KH). Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 1,5 tỷ USD (tăng 37,16%, bằng 66,4% KH). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 92.874 tỷ đồng (tăng 16,19%, bằng 51% KH).
Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 1.476 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 53,6% so với cùng kỳ năm trước, bằng 40% KH năm). Tính đến 30/6/2025, toàn tỉnh có khoảng 18.761 doanh nghiệp đang hoạt động. Thu hút đầu tư có chuyển biến tích cực, có 19 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, với tổng vốn hơn 9.689 tỷ đồng.
Song song với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, xã hội được tỉnh quan tâm chỉ đạo kịp thời. Công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, nhất là các đối tượng chính sách và người yếu thế được thực hiện đầy đủ. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Đặc biệt, từ khi mô hình chính quyền địa phương hai cấp đi vào vận hành, các xã/phường trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng hoàn thiện bộ máy và đi vào hoạt động ổn định. Ông Nguyễn Công Thành, Chủ tịch UBND phường Tuy Hòa cho hay, ngay sau khi sáp nhập đơn vị hành chính, địa phương khẩn trương triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy và đầu tư, bố trí trang thiết bị, cơ sở làm việc…
Đến nay, các đơn vị trực thuộc phường đã đi vào hoạt động ổn định. Để đảm bảo kịp thời giải quyết thủ tục hồ sơ khi các tổ chức, cá nhân có nhu cầu, UBND phường đã cử lực lượng ứng trực, hướng dẫn nộp hồ sơ đúng nơi quy định. Tính đến ngày 10/7, có gần 350 hồ sơ gửi đến Trung tâm Phục vụ hành chính công của phường, trong đó khoảng 30% hồ sơ đã được giải quyết.
Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 1.476 doanh nghiệp thành lập mới. (Trong ảnh: Công nhân làm việc tại Công ty TNHH May mặc Lực Thiêm Đắk Lắk). Ảnh: K. Lê |
Tuy đạt được những kết quả tích cực nhưng cũng phải thẳng thắn đánh giá, trước khi hợp nhất, hai tỉnh Đắk Lắk (cũ) và Phú Yên (cũ) có tốc độ tăng trưởng kinh tế còn chậm. Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu đạt thấp so với kế hoạch. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tuy có cải thiện nhưng nhìn chung vẫn chưa đạt yêu cầu. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cải cách hành chính có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của địa phương.
"Trước những cơ hội và thách thức đan xen, trong thời gian tới cả hệ thống chính trị cần hành động quyết tâm, quyết liệt, với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm cao nhất. Trong đó, các sở, ngành cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mặt chuyên môn ở chính quyền cấp xã; đổi mới mạnh mẽ phương pháp chỉ đạo điều hành; tăng cường kỷ cương hành chính; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu…” - |
Chưa kể, dự báo tình hình thế giới và trong nước từ nay đến cuối năm, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi cũng sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức lớn. Đối với tỉnh Đắk Lắk, sau hợp nhất có quy mô dân số đông, địa bàn quản lý rộng, có vị trí chiến lược về an ninh - quốc phòng. Trong khi quy mô kinh tế của hai địa phương trước hợp nhất còn nhỏ, nhiều vấn đề tồn tại chưa được giải quyết... sẽ là thách thức rất lớn trong chỉ đạo, điều hành trong thời gian tới. Đặc biệt, để hoàn thành được mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 8% trở lên theo KH đề ra, tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng cuối năm phải đạt từ 8,64%. Do đó, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm là hết sức nặng nề.
Chính vì vậy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tạ Anh Tuấn đã đề nghị các sở, ngành, địa phương phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại hạn chế; tăng tốc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành đạt và vượt các mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Trong đó, cần khẩn trương ổn định tổ chức của các cơ quan, đơn vị, địa phương sau khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy; hoàn thiện ngay chức năng, nhiệm vụ, quy chế làm việc; làm tốt công tác tư tưởng, nêu cao tinh thần trách nhiệm; tăng cường hơn nữa sự đoàn kết trong đơn vị; thống nhất ý chí và hành động, tận lực vì công việc chung; phân công nhiệm vụ rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm; xử lý nghiêm minh các trường hợp gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp tăng thu ngân sách nhà nước, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia. Khẩn trương rà soát, ban hành kịp thời hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để thực hiện thống nhất, đồng bộ trong toàn tỉnh sau hợp nhất.
Cá ngừ đại dương là đối tượng chính khai thác xa bờ của ngư dân ven biển tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: A. Ngọc |
Đối với vụ Hè Thu 2025, hiện nay các địa phương ở phía Đông tỉnh Đắk Lắk đang bước vào mùa khô, tình hình nắng hạn cũng ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, vụ Hè Thu 2025, các địa phương phía Đông của tỉnh đã hoàn thành gieo sạ hơn 24.000 ha lúa, hiện cây lúa đang bước vào giai đoạn phát triển và đẻ nhánh. Trước tình hình nắng nóng như hiện nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường, các sở, ngành liên quan cùng các địa phương triển khai những giải pháp phòng, chống hạn, xâm nhập mặn nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi.
Ông Nguyễn Minh Huệ, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam cho biết, đa số diện tích trồng lúa ở các địa phương phía Đông tỉnh Đắk Lắk sử dụng nguồn nước tưới từ hệ thống thủy nông Đồng Cam. Hiện công ty đang vận hành điều tiết nước tưới cho hơn 15.000 ha lúa và hàng chục héc-ta cây trồng khác. Công ty đã tăng cường các giải pháp điều tiết, đến nay đáp ứng 100% nhu cầu nước tưới cho cây lúa. Theo dự báo thời gian tới, tình hình nắng nóng tiếp tục kéo dài, Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam sẽ huy động tối đa hệ thống bơm bổ sung và tận dụng các nguồn nước nhằm đảm bảo không để xảy ra tình trạng khô hạn đối với cây lúa…
Khả Lê - Anh Ngọc
Nguồn: https://baodaklak.vn/tin-noi-bat/202507/quyet-liet-hon-nua-trong-thuc-hien-cac-chi-tieu-kinh-te-xa-hoi-5b612f2/
Bình luận (0)