Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Sân khấu cải lương TP.HCM - nhìn lại nửa thế kỷ để tiến về phía trước

Sáng 8.7, tại Đường sách TP.HCM, tập sách 'Sân khấu cải lương TP.HCM 1975 - 2025' ra mắt như một công trình ý nghĩa kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên08/07/2025

Đây là công trình tâm huyết của Hội Sân khấu TP.HCM, quy tụ 81 bài viết của 50 tác giả là các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, đạo diễn, nhà phê bình, nhà báo đã gắn bó với cải lương trong nhiều năm.

Tập sách được chia thành 4 phần: Sân khấu cải lương TP.HCM nhìn lại một chặng đường, Nghệ thuật dàn dựng và biểu diễn, Thành phần sáng tạo trong sân khấu cải lương, Nghệ sĩ và bài học quý trong diễn xuất.

Lật giở từng trang sách, độc giả không chỉ thấy lại lịch sử phát triển của cải lương, hình ảnh của những vở diễn kinh điển, những tên tuổi tài danh đã làm nên một thời vàng son mà còn cảm nhận được cả những trăn trở, những nỗ lực không ngừng nghỉ của các thế hệ nghệ sĩ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật truyền thống.

Sân khấu cải lương TP.HCM - nhìn lại nửa thế kỷ để tiến về phía trước- Ảnh 1.

Các nghệ sĩ gạo cội trong buổi ra mắt tập sách (từ trái sang): TS Mai Mỹ Duyên, NSUT Ca Lê Hồng, PGS-TS Huỳnh Quốc Thắng, NSND Trần Minh Ngọc, NSND Trần Ngọc Giàu

ẢNH: A.V

Buổi ra mắt sách đã quy tụ những tên tuổi gạo cội của giới sân khấu như NSND Trần Minh Ngọc, NSND Trần Ngọc Giàu, NSƯT Ca Lê Hồng, PGS-TS Huỳnh Quốc Thắng, TS Mai Mỹ Duyên, NSƯT Lê Thiện, NSND Trọng Phúc, nghệ sĩ Thanh Hằng... cùng hàng trăm khán giả, người mộ điệu cải lương đến dự. Không khí của sự kiện đầy ắp những cảm xúc và tâm huyết dành cho bộ môn nghệ thuật dân tộc.

Theo NSƯT Ca Lê Hồng, cuốn sách ra đời như một sự tri ân cần thiết trong bối cảnh những dấu mốc và những nghệ sĩ lớn tuổi dễ bị thời gian bỏ quên. Bà nhấn mạnh sự đặc biệt của cải lương, một loại hình nghệ thuật dung hòa độc đáo giữa cái tĩnh của kịch nói và cái động của hát bội, tạo nên một bản sắc riêng.

Đặc biệt, những chia sẻ của NSND Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM đã chạm đến những vấn đề cốt lõi. Ông đặt ra câu hỏi: "Nếu sân khấu Việt Nam không có nghệ thuật cải lương thì chúng ta có loại hình nào để phản ánh con người đương thời, tóc ngắn, áo đầm, mang giày Tây?". Từ đó, ông diễn giải rằng chính sự thông minh của các bậc Nho học, Tây học yêu sân khấu thuở trước đã khai sinh ra một loại hình vừa có khả năng phản ánh con người thời đại, vừa mang đậm bản sắc dân tộc. Theo ông, việc nghiên cứu sự kết hợp giữa kỹ thuật biểu diễn, trang trí, âm nhạc của phương Tây và sân khấu truyền thống là tiền đề quan trọng nhất. Đó là cách để tìm về cội rễ, để hiểu rõ "cái cũ là gì" trước khi bước vào hành trình đổi mới và sáng tạo cho tương lai.

Lời phát biểu tâm huyết ấy cũng chính là thông điệp mà tập sách muốn gửi gắm. Đó không chỉ là một công trình biên khảo thuần túy, mà còn là một nền tảng, một "cuốn cẩm nang" quý báu, là cầu nối để thế hệ hôm nay và mai sau thấu hiểu, kế thừa và tiếp tục hành trình phát triển nghệ thuật dân tộc.

Nguồn: https://thanhnien.vn/san-khau-cai-luong-tphcm-nhin-lai-nua-the-ky-de-tien-ve-phia-truoc-185250708180006108.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm