Triển khai công tác PCTT&TKCN mùa mưa bão năm 2024, tỉnh đã triển khai lắp đặt 10 trạm đo mưa tự động do Quỹ cộng đồng phòng, chống thiên tai tài trợ; ứng dụng, khai thác website Hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam, Vrain, các ứng dụng mạng xã hội… trong thực hiện công tác PCTT&TKCN.
Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh hiệp đồng với 21 đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn và lực lượng tăng cường của Quân khu 2, Công an tỉnh chủ động lực lượng, phương tiện, thực hiện nghiêm chế độ trực ban sẵn sàng các phương án hỗ trợ ứng phó với thiên tai.
Vật tư tại chỗ do tỉnh quản lý hiện có 16 kho; trong đó có 3 kho tại Hạt Quản lý đê, kho Quân sự tỉnh, kho Công an tỉnh, 4 kho tại các Công ty TNHH MTV Thủy lợi, 9 kho tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra còn có nguồn vật tư tại chỗ do các xã, phường, thị trấn tự mua sắm theo chỉ tiêu được giao hằng năm. Lực lượng xung kích PCTT&TKCN tại các xã được bố trí từ 70 – 100 người/xã, phường, thị trấn, sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai nguy cấp ngay từ giờ đầu.
Bên cạnh đó, Sở Công thương đề nghị các siêu thị, trung tâm thương mại có phương án tích trữ hàng hóa thiết yếu, Sở Y tế dự trữ đủ vật tư y tế sử dụng sẵn sàng đáp ứng các tình huống khẩn cấp…
Để nâng cao kỹ năng xử lý tình huống cho lực lượng thường trực thực hiện công tác PCTT&TKCN năm 2024, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã tổ chức tập huấn ứng phó sự cố thiên tai cho hơn 1.600 lượt người; Công an tỉnh tổ chức tập huấn phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn cho hơn 1.200 lượt người, thực tập 428 phương án chữa cháy, 377 phương án cứu hộ cứu nạn tại các địa phương.
Lực lượng vũ trang huyện Yên Lạc diễn tập ứng phó bão, lụt và tìm kiếm cứu nạn. Ảnh: Thế Hùng
Về hệ thống thủy lợi, toàn tỉnh hiện có 452 hồ đập, 447 trạm bơm, hơn 6.000 km kênh tưới các loại và hệ thống đê điều. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã chủ động đề xuất phương án duy tu, bão dưỡng các công trình thủy lợi; phòng, chống sạt lở bờ sông tại những khu vực có nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình đê điều, khu tập trung dân cư và cơ sở hạ tầng quan trọng.
Đồng thời, chủ động rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình thủy lợi, xác định trọng điểm đê điều xung yếu và xây dựng phương án hộ đê. Tính riêng trong năm 2024, tỉnh đã đầu tư nâng cấp hơn 4km đê từ cấp III trở lên, hoàn thành xây dựng và nâng cấp nhiều công trình thủy lợi, hồ chứa nước trọng yếu. Tuy nhiên, năm 2024, toàn tỉnh chịu ảnh hưởng bởi 3 đợt thiên tai lớn làm 6 người chết, 3 người bị thương, tổng giá trị thiệt hại do thiên tai khoảng 858 tỷ đồng.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, mùa mưa bão năm 2025, bão có thể hình thành ở nhiều khu vực khác nhau, có khả năng xuất hiện rải rác trong suốt mùa mưa bão thay vì tập trung vào một vài tháng nhất định, cơn bão đầu tiên có thể xuất hiện cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6.
Để chủ động PCTT&TKCN mùa mưa bão năm 2025 hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra, UBND tỉnh chỉ đạo khẩn trương rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, bám sát tình hình thời tiết để xây dựng phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị liên quan.
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường là cơ quan đầu mối xây dựng kế hoạch PCTT&TKCN năm 2025 của tỉnh, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, thủy lợi, phối hợp với các sở, ngành, địa phương chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực phục vụ công tác PCTT&TKCN.
Sở Xây dựng phối hợp với các địa phương kiểm tra, đảm bảo an toàn các công trình xây dựng; lực lượng vũ trang sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ các địa phương ứng phó khi có thiên tai xảy ra…
Hoàng Sơn
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/128073/San-sang-phuong-an-phong-chong-thien-tai-va-tim-kiem-cuu-nan-mua-mua-bao
Bình luận (0)