Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Sen Thuỷ (Lệ Thuỷ): Nhiều diện tích rừng "biến mất" do đâu!?

Việt NamViệt Nam29/03/2025


(QBĐT) - Hàng trăm ha đất rừng và rừng trồng các loại thuộc nhiều dự án thực hiện trên địa bàn xã Sen Thủy “biến mất” sau khi được giao về cho chính quyền địa phương quản lý. Việc này xuất phát từ việc sau khi tiếp nhận, chính quyền địa phương thiếu trách nhiệm quản lý trong việc giao cho thôn quản lý và tổ chức giao cho người dân. Vậy thực hư vấn đề mà người dân phản ánh này như thế nào?

 

Từ nội dung phản ánh của người dân về vấn đề nói trên, lãnh đạo UBND xã Sen Thủy cho biết, xã cũng đã nhận được phản ánh của người dân về vấn đề này và đã tiến hành kiểm tra, rà soát làm rõ đồng thời để trả lời cho người dân.

 

Cụ thể, về nội dung đất dự án rừng 327 được tỉnh giao về cho xã Sen Thủy năm 2008 có diện tích 434,6ha nay bị các hộ dân chiếm hết, không còn diện tích nào. Và hiện tại không được chia cho toàn dân theo Nghị quyết số 03/NQ-HĐND, ngày 16/1/2008 của HĐND xã, lãnh đạo UBND xã Sen Thủy cho biết: Năm 2007, UBND xã được bàn giao rừng trồng từ các dự án đầu tư cho ban quản lý, trồng rừng ngoài ranh giới quyền sử dụng đất (SDĐ) của Lâm trường Nam (nay là Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Đồng Hới ven biển Nam Quảng Bình) với diện tích 434,6ha (trong đó, rừng trồng trước năm 1997 có 226,7ha; rừng trồng các dự án APS, 773, 327 có 90,6ha; rừng trồng dự án ARCD có 117,3ha).

Nhiều diện tích rừng thông và đất rừng thuộc các dự án trên địa bàn xã Sen Thủy bị người dân chuyển đổi sang trồng cây keo từ hàng chục năm qua.
Nhiều diện tích rừng thông và đất rừng thuộc các dự án trên địa bàn xã Sen Thủy bị người dân chuyển đổi sang trồng cây keo từ hàng chục năm qua.

Theo hồ sơ sau khi nhận số diện tích đất trên, từ năm 2008-2010, UBND xã đã tổ chức giao về cho các thôn và các thôn đã chia cho người dân trồng cây. Số diện tích đất này nằm xen lẫn trong khu dân cư và kéo dài từ thôn Sen Đông đến thôn Sen Bình; hồ sơ bàn giao không rõ ràng, không có bản đồ giao đất nên hiện rất khó khăn trong việc rà soát và xác định diện tích từng loại dự án.

 

Về nội dung rừng giao theo Tờ trình số 11/TTr-UBND, ngày 10/4/2008 của UBND xã Sen Thủy với diện tích 252ha, nhưng thực tế 180ha đã bị dân chiếm toàn bộ. Theo lãnh đạo UBND xã Sen Thủy, hồ sơ ngày 10/4/2008, UBND xã Sen Thủy có Tờ trình số 11/TTr-UBND về việc xin điều chỉnh ranh giới SDĐ giữa UBND xã Sen Thủy và BQLRPH ven biển Nam Quảng Bình. Ngày 28/9/2009, BQLRPH ven biển Nam Quảng Bình và UBND xã Sen Thủy đã làm việc và thống nhất tạm giao rừng và đất rừng sản xuất về cho địa phương quản lý, sử dụng với diện tích 252ha (trong đó, phía nam Bàu Dum 227ha; phía đông Bàu Sen 25ha). Tiếp đó, ngày 8/10/2009, hai bên tiến hành bàn giao thực địa diện tích đất và rừng tạm giao cho UBND xã Sen Thủy. Sau đó, xã tiến hành tạm giao về cho các thôn có liên quan để quản lý, bảo vệ và các thôn đã tổ chức chia cho dân để trồng cây.

 

“Sau khi tiến hành kiểm tra làm rõ các nội dung người dân phản ánh nói trên, hiện UBND xã Sen Thủy đang tiếp tục xử lý các công việc theo quy định của pháp luật”, Chủ tịch UBND xã Sen Thủy Lê Văn Bắc cho biết.

Năm 2017, UBND xã phối hợp với BQLRPH ven biển Nam Quảng Bình, Trung tâm kỹ thuật địa chính tỉnh và các thôn có liên quan kiểm tra đo đạc tổng thể diện tích đất rừng tạm giao. Qua xác định diện tích thực tế là 182,8ha. Hiện nay, qua rà soát, đo đạc thực tế do Trung tâm kỹ thuật Tài nguyên-Môi trường lập, toàn bộ diện tích 252ha trước đây BQLRPH ven biển Nam Quảng Bình tạm bàn giao cho UBND xã Sen Thủy thực tế hiện chỉ còn 180,85ha và đất này hiện thuộc phạm vi đã cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ cho BQLRPH ven biển Nam Quảng Bình.

 

Số diện tích đất tạm giao này hiện lại đang được giao cho BQLRPH ven biển Nam Quảng Bình quản lý, còn tài sản trên đất là cây trồng của người dân. Trước vấn đề này, hiện UBND xã Sen Thủy đang xây dựng phương án xin chủ trương UBND huyện cho phép người dân tận thu cây trồng trên đất và sau đó giao lại đất cho BQLRPH ven biển Nam Quảng Bình quản lý theo thẩm quyền.

 

Đối với nội dung rừng thông thuộc dự án 2870 (rừng PAM) theo báo cáo số 08/BC-UBND, ngày 15/7/2011 của UBND xã Sen Thủy với tổng diện tích 982ha nhưng hiện chỉ còn lại 16,5ha, lãnh đạo UBND xã Sen Thủy cho biết: Đối với diện tích rừng 2870 trước đây sau khi hợp tác xã giải thể, UBND xã đã giao về cho các thôn quản lý và giao cho hộ gia đình cá nhân sử dụng. Năm 2021, thực hiện công tác quản lý nhà nước và rà soát lại diện tích đất rừng, diện tích rừng thông 2870 chỉ còn lại 16,5ha.

 

Nguyên nhân việc giảm diện tích rừng thông này do người dân khai thác không đúng quy trình, một số diện tích hết chu kỳ khai thác, hết nhựa, do cháy rừng hoặc thời tiết mưa bão nên bị gãy đỗ và người dân chuyển đổi sang trồng keo tràm. Ngoài ra, một số hộ dân tự ý khai thác, UBND xã đã phối hợp với Kiểm lâm địa bàn xử lý theo quy định.

 

Về diện tích rừng dự án Việt Đức theo báo cáo số 65/BC-UBND, ngày 12/7/2018 của UBND xã Sen Thủy có tổng diện tích 943,35ha hiện chỉ còn 248ha do dân chiếm 695,35ha. Vấn đề này, UBND xã Sen Thủy cho hay: Rừng trồng theo dự án Việt Đức theo báo cáo số 65/BC-UBND, ngày 12/7/2018 có diện tích 943,35ha, cấp cho 571 hộ. Năm 2021, thực hiện công tác rà soát lại diện tích rừng thông các dự án, diện tích rừng thông dự án Việt Đức còn lại 248,34ha.

 

Nguyên nhân của việc diện tích rừng thông bị giảm do người dân khai thác không đúng quy trình, do cháy rừng và thời tiết mưa bão bị gãy đổ nên người dân khai thác tận thu cây thông và chuyển đổi sang trồng keo tràm. Ngoài ra, cũng có một số hộ người dân tự ý khai thác, UBND xã đã phối hợp với Kiểm lâm địa bàn xử lý theo quy định.

Bùi Thành



Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/phap-luat/202503/sen-thuy-le-thuy-nhieu-dien-tich-rung-bien-mat-do-dau-2225258/

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng
Hình ảnh Việt Nam "Bling Bling" sau 50 năm thống nhất đất nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm