Các đồng chí trong Tiểu ban Thông tấn Báo chí về thăm bà Ba Hành và bà Phạm Thị Hóa (thứ 2 và thứ 3 từ phải sang), đã nuôi giấu, che chở lúc cơ quan đóng tại xã Tân Lợi Thạnh từ năm 1967 - 1969. Ảnh tư liệu
Tình dân nghĩa nặng
Trong những dòng viết của nhà báo Huỳnh Năm Thông - nguyên Tổng biên tập Báo Chiến Thắng (Báo Đồng Khởi sau này), ông đã ví những năm tháng kháng chiến là giai đoạn người làm báo được sống trong “bể nhân dân mênh mông” và “mối tình đại dương”, tức là được sự che chở của nhân dân để báo chí cách mạng hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà Đảng giao phó. Đây Là điều quý báu mà không một người làm báo nào có thể quên.
Ông viết: “Điều không thể quên là những gia đình trong “bể nhân dân mênh mông” của “mối tình đại dương” đã một thời che giấu, đùm bọc, nuôi dưỡng những người làm Báo Chiến Thắng, kể ra không thể nào hết mà không kể được lòng dạ lại xốn xang ray rứt. Vì không nơi nào tòa soạn không đặt chân đến. Từ vùng sâu, vùng ven, trong rừng dừa, ngoài đồng trống, trên giồng trọc hay bìa rừng… đâu đâu cũng đều để lại dấu ấn của sự thiêng liêng - thiêng liêng vì đó là tấm lòng thành - một thứ tình yêu thương bộc trực, đằm thắm chan hòa của nhân dân đối với báo - hay nói đúng hơn đối với Đảng, đối với sự nghiệp cách mạng. Không thể không thốt ra thành lời những điều ân nghĩa thiêng liêng ấy đã từng khắc sâu trong lòng những người vinh hạnh được làm Báo Chiến Thắng thời chống Mỹ”.
Tòa soạn Báo Chiến Thắng đã đi qua vô số những gia đình trong cuộc hành trình dài hơn hai thập kỷ. Nhà báo Huỳnh Năm Thông kể lại: “Khi giải phóng vùng yếu ở Chợ Lách sau Xuân Mậu Thân, chúng tôi còn men lên đóng quân tại Vĩnh Thành (Cái Mơn) vùng Công giáo, tòa soạn được đưa tới ở trong một gia đình giàu có. Chúng tôi được đưa lên ở phần nhà trên “kín cổng cao tường”. Việc cơm nước chủ nhà giành phần lấy cớ có con gái lo liệu. Chúng tôi lúc nào cũng được chiêu đãi như tân khách, trên đĩa to đùng thường trực: bòn bon, măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, không khi nào dứt. Chúng tôi rất ngại ngùng nhưng ông chủ nhà luôn cởi mở”.
Hay một gia đình khác ở Long Mỹ mà tòa soạn đã từng trú lại chỉ có ông Tư chủ nhà. Vợ ông mất khi đứa con gái còn nằm nôi. “Khi chúng tôi rút đi, em cũng tình nguyện theo bộ đội và đã hy sinh. Sau này, có dịp đến thăm, ông Tư đã già đi nhiều vì hiu quạnh. Chúng tôi ngại ông có thể trách Báo Chiến Thắng đã “dụ” con ông ra trận để từ giờ ông sống đơn côi. Nhưng ông không giận mà còn nài nỉ chúng tôi có rảnh về thăm và từ tiếng lòng ông nói: Báo đã chỉ ra con đường xứng đáng để hy sinh.
Có lần tòa soạn đến ở một nhà khá giả ở Bình Khánh, Mỏ Cày. Chủ nhà là người nổi tiếng rất mực kỹ lưỡng. Hàng ngày, ông dùng cây nhọn chĩa từng lá rụng gom lại và đốt đi. Ông dành 3 gian nhà trên thờ ông bà cho chúng tôi làm việc với bàn ghế bằng trắc, cẩm lai bóng lộn, một bộ ghế trường kỷ cẩn xà cừ nằm duỗi chân lúc viết không ra văn thì khoan khoái biết chừng nào. Bà nhà thì buổi trưa nào cũng vậy, đem lên cho chúng tôi đĩa khoai lang, khoai mì, khi thì trái cây. Ông bà đều có con cháu đã trưởng thành và ra ở riêng gần đó, không ai chịu ở chung vì ngại tánh ông khó quá. Nhưng đối với cách mạng, ông sẵn sàng dẹp bỏ khó khăn, dành cho chúng tôi mọi thứ ưu đãi”, ông Năm Thông viết.
Chân dung đồng bào
Đâu đâu dân cũng là “rừng người, rừng tình” gắn bó với cách mạng như “lưới trời” bao bọc lấy người làm báo và để lại mãi mãi trong ký ức những ơn sâu, nghĩa nặng không thể nhòa. Và cũng qua ngòi bút người làm báo đã ghi lại chân dung đẹp đẽ của những đồng bào vùng kháng chiến. Đó là người mẹ An Khánh gầy gò ở lại trong bom đạn để vét gạo nấu cơm nuôi chiến sĩ khỏi cơn đói lòng ở công sự mà nhà báo Thanh Nhân từng kể lại trong phóng sự “Mẹ già trên hỏa tuyến”: Mẹ thoắt đi thoắt lại như con thoi trên hỏa tuyến. Đêm đến, mẹ tự nguyện cầm đuối chấp nhận sự hy sinh để mở đường đưa các con bộ đội thoát khỏi vòng vây của giặt vượt lộ 6 về vùng giải phóng an toàn.
Đó là ba và má Nhì ở cầu Đình, Bình Khánh đã dành hết tình thương cho cách mạng, dành hết tình thương cho cán bộ tuyên huấn và Báo Chiến Thắng. Nhà báo Thanh Nhân viết: “Sau này, tôi mới biết má Nhì lúc nào cũng phải mang nợ vì nuôi các con nhưng không bao giờ để lộ cho các con biết. Con nào về tới nhà dù sớm hay nửa đêm, má đều thương yêu chăm sóc chẳng khác nào con đẻ. Con nào cần rước gia đình, dù trong mưa bom bão đạn má đều lặn lội tìm rước bằng được. Ba Nhì tuy tuổi già sức yếu nhưng đã đóng cả trăm nắp hầm bí mật cho anh em Tuyên huấn tỉnh”.
Lần giở từng trang lịch sử báo chí tỉnh, trong hầu hết tất cả các phần, cả các bài hồi ký hay chân dung các nhà báo kháng chiến, không khi nào thiếu đi hình ảnh của nhân dân. Báo chí trong lòng dân, báo chí cùng nhân dân đánh giặc, nhờ nhân dân mà tồn tại. Nhà báo Huỳnh Năm Thông đã khẳng định: “Có giấy mực nào ghi hết những tấm lòng, có sức nhớ vĩ đại nào có thể lưu giữ bao nhiêu tâm tình, bao nhiêu kỷ niệm của một thời kháng chiến để biến những tình cảm hẹp hòi. Riêng tư của chúng tôi hòa vào đại cuộc, hòa vào sự nghiệp của cách mạng để về sau này dù làm được việc gì, dù lớn dù nhỏ chúng tôi đều cho rằng chỉ là hạt cát trong cái mênh mông thọ ơn của nhân dân mà thành đạt, mà trưởng thành”.
Thanh Đồng (lược trích)
Nguồn: https://baodongkhoi.vn/song-trong-moi-tinh-dai-duong--16042025-a145241.html
Bình luận (0)