Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Sử dụng phân hữu cơ giúp cải thiện đất, bảo vệ môi trường

Việt NamViệt Nam16/04/2025


Phân vô cơ hiện vẫn còn đóng vai trò quan trọng trong trồng trọt. Tuy nhiên, sử dụng phân này trong thời gian dài khiến đất nông nghiệp càng bị bạc màu, thoái hóa nghiêm trọng. Vì vậy, việc thay đổi tập quán từ phân vô cơ bằng phân bón hữu cơ (HC) đang là giải pháp được ngành chuyên môn khuyến khích sử dụng hiện nay nhằm cải thiện, phục hồi đất sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường.

Sử dụng phân vô cơ quá nhiều trong thời gian dài khiến cho đất canh tác càng bị bạc màu, thoái hóa và ảnh hưởng xấu đến cây trồng, môi trường và sức khỏe con người.
Sử dụng phân vô cơ quá nhiều trong thời gian dài khiến cho đất canh tác càng bị bạc màu, thoái hóa và ảnh hưởng xấu đến cây trồng, môi trường và sức khỏe con người.

Phân hữu cơ có nhiều ưu điểm, nhưng sử dụng chưa nhiều


Phân vô cơ gồm các loại chính như: đạm, lân, kali, phân phức hợp, phân hỗn hợp và phân vi lượng, nhưng được nông dân sử dụng phổ biến nhất, số lượng nhiều nhất và thường xuyên nhất trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, đáng kể nhất là phân đạm. Ngoài mặt tích cực như thúc đẩy và tăng năng suất cây trồng, nhưng không có tác dụng lâu dài. 


Theo các chuyên gia, việc sử dụng phân vô cơ không đúng cách, không đúng liều lượng, không đúng thời điểm, không đúng loại và quá lạm dụng trong thời gian dài không những khiến cho đất sản xuất nông nghiệp càng bị bạc màu, thoái hóa nghiêm trọng mà còn gây ảnh hưởng xấu đến đất đai, cây trồng, môi trường và sức khỏe con người. 


Trái lại, phân HC được hình thành từ phân, chất thải gia súc, gia cầm, thân, lá cây, phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp, than bùn hoặc các chất HC từ chất thải sinh hoạt, nhà bếp, từ các nhà máy sản xuất thủy, hải sản,…

Đây là nguồn phân phong phú, giúp cải tạo đất, tăng độ phì nhiêu, tơi xốp cho đất bằng việc cung cấp, bổ sung các chất mùn, chất HC, các loại vi sinh vật cho đất đai và cây trồng. Vì vậy, việc thay đổi tập quán trong sản xuất nông nghiệp, thay đổi sử dụng phân vô cơ bằng phân bón HC đang là giải pháp tốt nhất để phục hồi đất sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường hiện nay.


Tuy nhiên, hiện việc sử dụng phân HC còn chưa nhiều. Theo báo cáo của Cục BVTV hồi tháng 8/2024, tại các tỉnh ĐBSCL, vào năm 2023, lượng phân bón vô cơ sử dụng còn cao, trung bình 480 kg/ha đất gieo trồng, cao hơn 10% so với trung bình cả nước. Trong khi đó, lượng phân bón HC sử dụng còn khiêm tốn. 


Lượng phân bón HC sản xuất công nghiệp, lượng sử dụng trung bình toàn vùng là 72 kg/ha gieo trồng, chỉ bằng 50% so với mức sử dụng bình quân cả nước. Thậm chí lượng phân bón HC không thương mại chỉ bằng 7,3% so với mức trung bình cả nước. Các tỉnh như An Giang và Kiên Giang không có số liệu sử dụng phân bón HC. Trong năm 2022, hầu hết các tỉnh trong vùng đều sử dụng phân bón này không đáng kể, chỉ có Bến Tre và Vĩnh Long có lượng phân bón HC sử dụng cao hơn so với trung bình cả nước từ 58-65%.


Về nguyên nhân, theo các chuyên gia, trong quá trình canh tác HC, người sản xuất chỉ được phép sử dụng phân bón HC, phòng trừ cỏ dại, sâu bệnh bằng thuốc sinh học, nên đầu tư nhiều công lao động và khó thực hiện trên diện rộng, đặc biệt trong điều kiện khí hậu nóng ẩm rất thuận lợi cho nhiều loài sâu bệnh phát triển và gây hại. 


Ngoài ra, ở những vùng thâm canh cao, trước đây đã sử dụng nhiều phân bón vô cơ và hóa chất BVTV, khi chuyển đổi sang sản xuất HC, trong những năm đầu, năng suất giảm rõ rệt và gặp khó khăn trong phòng chống sâu bệnh do áp lực sâu bệnh còn cao, cân bằng sinh thái bị phá vỡ, cần có thời gian để thiết lập lại. Bên cạnh, nhận thức của người sản xuất về nông nghiệp HC còn hạn chế, vì người sản xuất cho rằng tổ chức sản xuất nông nghiệp HC cần phải đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn nghiêm ngặt, đó là một thách thức lớn.


Khuyến khích đẩy mạnh sử dụng phân hữu cơ


Nhằm khuyến khích, hỗ trợ và đẩy mạnh sử dụng phân bón HC trong canh tác góp phần đưa sản xuất nông nghiệp phát triển và bảo vệ môi trường sinh thái theo hướng bền vững, Nhà nước đã ban hành các cơ sở pháp lý để phát triển phân bón HC quy định trong Luật Trồng trọt.

Bộ Nông nghiệp-PTNT đã ban hành chỉ thị về tăng cường phát triển và sử dụng phân bón HC vào năm 2020, kế hoạch hành động thực hiện tăng cường sản xuất và sử dụng phân bón HC, sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả giai đoạn 2022-2025 ban hành vào năm 2022 và Đề án Phát triển sản xuất và sử dụng phân bón HC đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 phê duyệt vào năm 2023. 


Ở tỉnh Vĩnh Long, ngày 13/9/2024, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch triển khai Đề án Phát triển sản xuất và sử dụng phân bón HC đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh. 


Theo Cục BVTV, trong cả nước có 24 doanh nghiệp ký cam kết thực hiện chương trình phát triển phân bón HC, sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả với Cục BVTV trong giai đoạn 2019-2025 với tổng kinh phí lên đến 631 tỷ đồng để xây dựng mô hình sử dụng phân bón HC, sử dụng phân bón tiết kiệm với diện tích trên 45.000ha, tập huấn trên 1.000 lớp với gần 20.000 nông dân về xây dựng mô hình mẫu trên các cây trồng chủ lực như lúa, cây ăn trái, cây công nghiệp. 


Riêng trong năm 2023, đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất có sử dụng phân bón HC, sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả với diện tích hơn 15.000ha tại nhiều tỉnh trong cả nước. Trong đó, lúa 5.742ha, rau màu 3.742ha, cây ăn trái, cây công nghiệp 2.725ha, chè 2.660ha và các cây trồng khác.

Đồng thời, tổ chức tập huấn cho hàng chục ngàn nông dân và gần 2.000 cán bộ chuyên môn thuộc cục và địa phương trong cả nước về sử dụng phân bón HC; sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối, hiệu quả; sử dụng phân bón theo nguyên tắc “5 đúng”. Trong 6 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp đã xây dựng được 40 mô hình sử dụng phân bón HC, sử dụng phân bón tiết kiệm trên lúa, cây ăn trái, rau màu với diện tích 61ha tại các tỉnh, thành phố.

Rơm rạ có thể dùng phủ ẩm gốc cây, liếp rẫy hay làm phân hữu cơ giúp cải thiện đất canh tác và bảo vệ môi trường.
Rơm rạ có thể dùng phủ ẩm gốc cây, liếp rẫy hay làm phân hữu cơ giúp cải thiện đất canh tác và bảo vệ môi trường.


Ở ĐBSCL, năm 2022, đã có một số mô hình do doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón phối hợp với địa phương triển khai trên lúa tại các tỉnh, như Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau (đạm Cà Mau) triển khai 59 mô hình trên lúa tại Đồng Tháp, Long An, Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang với diện tích gần 240ha, đã đạt 1 số kết quả như: giảm lượng phân bón 15%, năng suất tăng 5%, lợi nhuận tăng 19% so với sản xuất đại trà.


Cục BVTV đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường việc tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả; đẩy mạnh sản xuất, sử dụng phân bón HC, đặc biệt là khuyến khích, hỗ trợ nông dân tự sản xuất và sử dụng phân bón HC từ nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước (phụ phẩm trồng trọt, chế biến nông sản, chất thải chăn nuôi, rác thải sinh hoạt,...) vừa cải tạo đất, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng, từ đó giảm sự lệ thuộc phân bón hóa học. 

Bài, ảnh: MINH HÒA
 



Nguồn: https://baovinhlong.vn/tin-moi/202504/su-dung-phan-huu-co-giup-cai-thien-datbao-ve-moi-truong-a1f3e6b/

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Người dân TPHCM háo hức xem trực thăng kéo cờ Tổ quốc
Hè này Đà Nẵng đang chờ đón bạn với những bãi biển đầy nắng
Dàn trực thăng huấn luyện bay kéo cờ Đảng, cờ Tổ quốc trên bầu trời TPHCM
Trào lưu 'em bé yêu nước' lan tỏa khắp mạng xã hội trước thềm đại lễ 30/4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm