Hiện nay, trên nhiều hội nhóm mạng xã hội dành cho mẹ bỉm sữa ở Hà Tĩnh, sữa xách tay được rao bán và giao dịch rầm rộ. Người bán không ngừng tung ra những cam kết như: “sữa chuẩn Mỹ - Nhật”, “xách tay chính hãng”, “giá gốc, không qua trung gian”… nhằm thu hút người tiêu dùng. Những lời quảng cáo này dễ dàng đánh trúng tâm lý chuộng hàng ngoại của một bộ phận phụ huynh.

Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường sữa xách tay cũng đi kèm nhiều bất cập. Không ít phụ huynh thường đặt hàng thông qua bạn bè, người quen bán online, không có địa chỉ kinh doanh cụ thể, không xuất hóa đơn hay chứng từ hàng hóa rõ ràng mà tất cả chỉ dựa trên niềm tin.
“Tôi đặt mua sữa Meiji qua một người bán hàng trên Facebook, giới thiệu là hàng xách tay từ Nhật Bản nên rất yên tâm về chất lượng. Nghe nói loại sữa này đang được nhiều mẹ tin dùng, lại khẳng định là “hàng nội địa Nhật chính hãng”, tôi không mảy may nghi ngờ. Thế nhưng khi nhận hàng thì vỏ hộp bị móp méo, thử quét mã QR trên hộp thì không hiện ra bất kỳ thông tin truy xuất nguồn gốc nào, khiến tôi lại hoang mang về chất lượng”, chị N.T.H. - trú tại phường Thành Sen chia sẻ.
Không chỉ riêng chị H., nhiều phụ huynh khác cũng từng rơi vào tình cảnh đặt niềm tin khi mua rồi thấp thỏm lo lắng khi cho con sử dụng. “Tôi mua sữa xách tay từ một mối quen trên Facebook, nghe giới thiệu là hàng nội địa Nhật nên cũng yên tâm cho con dùng. Nhưng chỉ sau vài ngày, cháu bị dị ứng nhẹ và phải đưa đi khám. Lúc đó tôi mới bắt đầu nghi ngờ về nguồn gốc sữa và cũng ý thức được rằng ngoài việc quan tâm đến nhãn hiệu thì còn phải xem cơ thể con trẻ có phù hợp với thành phần sữa hay không” - chị H.T.L. (trú xã Thiên Cầm) chia sẻ.

Hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể nào về khái niệm “hàng xách tay”. Dù vậy, có thể hiểu rằng, hàng xách tay là hàng hóa do cá nhân mua trực tiếp từ nước ngoài và mang về Việt Nam theo dạng hành lý cá nhân, chủ yếu qua đường hàng không. Nguồn hàng này thường đến từ du khách, tiếp viên hàng không hoặc người thân sinh sống ở nước ngoài. Tuy nhiên, do không qua các kênh phân phối chính ngạch nên hàng xách tay, trong đó có sữa cho trẻ nhỏ không chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng về chất lượng, điều kiện bảo quản hay tính pháp lý của sản phẩm.
Một trong những đặc điểm dễ nhận thấy của sữa xách tay là không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Mặc dù trên bao bì vẫn thể hiện các thông tin như: thành phần dinh dưỡng, hướng dẫn sử dụng, cảnh báo an toàn… nhưng đều bằng ngôn ngữ nước ngoài, gây khó khăn cho người tiêu dùng trong việc tiếp cận và hiểu rõ sản phẩm. Ngoài ra, các thông tin quan trọng như: đơn vị nhập khẩu, phân phối, hay chứng nhận chất lượng tại Việt Nam đều không có. Một số sản phẩm còn có dấu hiệu bất thường như mã vạch khó quét. Chính sự thiếu minh bạch và không được kiểm soát về điều kiện bảo quản, vận chuyển khiến sữa xách tay trở thành mặt hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt đối với trẻ nhỏ.

Nguy hiểm hơn, nhiều loại sữa xách tay có thể được gom từ các nguồn trôi nổi, hàng cận date (gần hết hạn sử dụng), hàng lỗi mác từ các kho thanh lý ở nước ngoài. Ngoài đặt niềm tin vào người bán thì người mua gần như không có thông tin gì về nguồn gốc phân phối sản phẩm. Hơn nữa, khi vận chuyển về Việt Nam, có những sản phẩm không đảm bảo điều kiện bảo quản, mất nhiều ngày mới về đến tay người tiêu dùng nên chất lượng sữa dễ bị ảnh hưởng mà người dùng không hề hay biết.
Điều đáng nói là khi xảy ra sự cố, người tiêu dùng gần như không có cơ sở để khiếu nại hay được bảo vệ quyền lợi vì sản phẩm không có hóa đơn chứng từ, không có đơn vị nhập khẩu đứng tên chịu trách nhiệm, cũng không thuộc phạm vi quản lý của cơ quan chức năng trong nước. Không ít người mua rơi vào tình cảnh “tiền mất tật mang”, nhưng đành im lặng vì ngại rắc rối, hoặc nghĩ rằng “chắc do con không hợp sữa”.

“Thấy bạn bè ai cũng mua sữa xách tay nên tôi cũng đặt theo vì nghĩ hàng từ nước ngoài chắc là tốt hơn. Lúc đó không nghĩ nhiều, chỉ tin theo lời quảng cáo. Bây giờ nghe nói nhiều về hàng giả, hàng lậu, tôi bắt đầu thấy lo. Lỡ mua phải sữa kém chất lượng thì cũng không biết tìm ai để hỏi, mà càng không dám để con dùng tiếp, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe”, chị P.N.L. - trú phường Trần Phú chia sẻ.
Trong bối cảnh thị trường hàng xách tay vẫn còn nhiều kẽ hở và thiếu sự kiểm soát chặt chẽ, người tiêu dùng cần chủ động nâng cao cảnh giác và thay đổi thói quen mua sắm. Đừng vì tâm lý sính ngoại mà đánh đổi sự an toàn và phát triển lâu dài của con trẻ. Thay vào đó, hãy lựa chọn mua sữa tại các cơ sở uy tín, có giấy phép kinh doanh rõ ràng, sản phẩm có nguồn gốc minh bạch, nhãn phụ bằng tiếng Việt đầy đủ và quan trọng là có hóa đơn đi kèm để khi cần thiết có thể truy xuất, phản ánh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách hợp pháp.
Nguồn: https://baohatinh.vn/sua-ngoai-xach-tay-lieu-co-an-toan-post291820.html
Bình luận (0)