Bể nước nóng khô cạn, dưới đáy bể phủ đầy rong rêu - Ảnh: Tr.T
Tài nguyên quý giá giữa đại ngàn Trường Sơn
Nằm ngay cạnh Quốc lộ 9, tuyến giao thông trọng yếu trên hành lang kinh tế Đông - Tây, cách TP. Đông Hà (cũ) khoảng 50km về phía Tây, suối nước nóng Klu sở hữu vị trí chiến lược trong liên kết du lịch miền núi phía Tây Quảng Trị. Không chỉ có lợi thế về giao thông, nơi đây còn được thiên nhiên ưu ái ban tặng dòng nước khoáng nóng phun trào quanh năm, với nhiệt độ từ 35 - 45°C, chứa nhiều khoáng chất tốt cho sức khỏe, có khả năng hỗ trợ điều trị các bệnh về xương khớp, da liễu và phục hồi thể lực.
Không gian xung quanh suối là rừng già, núi cao, xen kẽ các bản làng của đồng bào Vân Kiều - nơi còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Chính sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên khoáng đạt và bản sắc dân tộc bản địa đã từng biến Klu thành điểm dừng chân lý tưởng cho du khách yêu thích trải nghiệm du lịch sinh thái, cộng đồng.
Năm 2014, dự án Hỗ trợ phát triển chính thức do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ đã đầu tư 7 hạng mục hạ tầng quan trọng tại suối nước nóng Klu, như: Trung tâm thông tin, ngắm cảnh; nhà nghỉ cộng đồng; đường mòn đi bộ, biển báo; nhà vệ sinh; sân lễ hội cộng đồng; hệ thống điện chiếu sáng, cấp thoát nước, thu gom rác; suối nước nóng Klu. Những hạng mục này từng được xem là nền tảng quan trọng để hình thành khu du lịch cộng đồng mang bản sắc địa phương, tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Tháng 8/2018, khu du lịch cộng đồng suối nước nóng Klu được đưa vào hoạt động. Giai đoạn 2018-2020, khu du lịch cộng đồng suối nước nóng Klu đón gần 40.000 lượt khách trong và ngoài nước, mang lại doanh thu hơn 2,2 tỉ đồng từ các dịch vụ do người dân địa phương vận hành. Đây là những con số cho thấy sức hút không nhỏ của Klu khi được đầu tư đúng hướng.
Ông Lê Hoài Phong, Chủ tịch xã Đakrông cho biết: “Sau khi xã Đakrông tiếp quản khu du lịch suối nước nóng Klu, UBND xã đã giao Phòng Văn hóa tiếp nhận, quản lý, lập đề án để vận hành, khai thác hiệu quả khu du lịch này”. |
Từ kỳ vọng đến hoang vắng
Từ tháng 7/2020, khu du lịch cộng đồng suối nước nóng Klu bắt đầu rơi vào trạng thái “ngủ đông” kéo dài. Đầu tiên là do ảnh hưởng của Covid-19, khiến toàn bộ hoạt động du lịch phải tạm dừng. Tiếp đó, trận lũ lịch sử cuối năm 2020 đã tàn phá nghiêm trọng hệ thống hạ tầng du lịch tại Klu. Nhiều hạng mục bị cuốn trôi, vùi lấp hoặc hư hỏng nặng... Từ đó đến nay, suối nước nóng Klu rơi vào cảnh hoang vắng.
Theo lãnh đạo Phòng Văn hóa xã Đakrông, ngoài 2 nguyên nhân trên thì vẫn còn tồn tại một số nguyên nhân chủ quan dẫn đến lượng khách đến khu du lịch cộng đồng suối nước nóng Klu ngày càng giảm. Đơn cử như: Môi trường chưa bảo đảm, vẫn còn tình trạng người địa phương mang đồ xuống suối giặt; đội ngũ phục vụ, nhóm ẩm thực hoạt động vẫn còn thụ động, chưa niềm nở đón khách; các bể nước nóng quá nhỏ, bể tắm trơn trượt và nhiều viên đá sắc nhọn...
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện khu vực này vẫn chưa được vệ sinh, cải tạo. 4 bể nước nóng khô cạn, dưới đáy bể phủ đầy rong rêu, bốc mùi hôi. Xung quanh khu vực sân chính và nhà thông tin có rất nhiều rác thải. Tại đây, không có nhân viên túc trực, thiếu hệ thống bảo trì.
Anh Nguyễn Trọng Hoàng, một du khách đến từ Hà Nội, chia sẻ: “Tôi từng nghe nói nhiều về vẻ đẹp nguyên sơ của suối nước nóng Klu, nên rất háo hức. Tuy nhiên khi đến đây để trải nghiệm, tận mắt chứng kiến khung cảnh vắng lặng, mất vệ sinh, tôi thực sự thất vọng. Tiềm năng như vậy mà chưa được chăm chút, đầu tư thì rất uổng phí”.
Chòi ngắm cảnh được xây dựng khang trang nhưng vắng khách - Ảnh: Tr.T
Cần một chiến lược dài hạn
Nhằm khắc phục hậu quả thiên tai, cuối năm 2023, huyện Đakrông (cũ) đã triển khai dự án sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng suối nước nóng Klu với tổng mức đầu tư gần 7 tỉ đồng (hoàn tất vào tháng 1/2025). Tuy nhiên, do nhiều khó khăn về vốn, nhân lực và cơ chế quản lý, đến nay khu du lịch vẫn chưa chính thức hoạt động trở lại, gây lãng phí lớn cả về tài nguyên lẫn cơ hội phát triển.
Ông Lê Hoài Phong, Chủ tịch UBND xã Đakrông thừa nhận: “Việc tái thiết du lịch tại suối nước nóng Klu không đơn giản. Lòng suối hẹp, hai bên dốc cao, thường xuyên xảy ra lũ quét vào mùa mưa, gây nguy cơ thiệt hại cao nếu không có giải pháp bảo vệ đồng bộ. Địa phương đang xây dựng đề án mời gọi doanh nghiệp đầu tư kết hợp với cộng đồng dân cư để khai thác, vừa đảm bảo an toàn, vừa phát triển bền vững”.
Không thể phủ nhận suối nước nóng Klu là một trong những điểm ấn tượng của du lịch sinh thái miền Tây Quảng Trị. Tuy nhiên, để biến tiềm năng thành hiện thực, cần có sự chung tay từ chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng. Đặc biệt, cần một chiến lược bài bản trong việc khôi phục, quản lý, khai thác và quảng bá điểm đến này. Nếu có được sự quyết tâm và tầm nhìn chiến lược, nơi đây hoàn toàn có thể “hồi sinh”, trở thành điểm nhấn sinh thái - văn hóa độc đáo trên bản đồ du lịch Quảng Trị.
Trần Tuyền
Nguồn: https://baoquangtri.vn/suoi-nuoc-nong-klu-vang-lang-du-khach-196196.htm
Bình luận (0)