PGS.TS Đoàn Văn Điện phát biểu trong lễ kỷ niệm thành lập Trường đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh. Ảnh do gia đình cung cấp |
Nghĩa cử của một người thầy
Đầu 2025, về Xuân Lộc (TX Sông Cầu), tôi bất ngờ khi biết xã này có quỹ học bổng lên đến 1 tỉ đồng. Theo ông Đoàn Ngọc Thành, nguyên Phó hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Việt Thanh (TP Hồ Chí Minh), đây là quỹ học bổng do chú ruột của ông là PGS.TS Đoàn Văn Điện tài trợ vào tháng 1/2025, như là “chút tình với quê hương” Xuân Lộc.
Trước đó, tháng 11/2024, thầy Điện cũng đã dành 2 tỉ đồng tặng Trường đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh lập quỹ học bổng hỗ trợ sinh viên nghèo và giảng viên giỏi của trường này.
PGS.TS Đoàn Văn Điện chia sẻ, số tiền 3 tỉ đồng dành cho hai quỹ học bổng là công sức, dành dụm của ông sau nhiều năm miệt mài làm việc, dạy học. Đây là tâm nguyện ông đã ấp ủ từ lâu. Nhiều năm qua, thầy đều đặn dành tặng những suất học bổng cho sinh viên hiếu học tại Trường đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh. Ở tuổi cửu thập, ông mong muốn đóng góp nhiều hơn và có ý nguyện sẽ đóng góp thêm tài sản của mình cho trường sau khi qua đời.
Ông nói giản dị: “Bốn mươi năm giảng dạy tại trường Nông Lâm, tôi cảm thấy học trò và thầy cô giáo là những người giúp tôi nên người, nên tôi muốn tri ân họ. Ngoài việc hỗ trợ sinh viên hiếu học, nếu quỹ có 1-2 suất học bổng dành tặng các giảng viên dạy giỏi, nghiên cứu tốt, được sinh viên yêu thương, cũng sẽ khuyến khích các thầy cô giáo yêu nghề tiếp tục cống hiến”.
Toàn bộ số tiền của hai quỹ học bổng này đang được gửi ngân hàng, sẽ sử dụng phần lãi để chọn trao học bổng cho các học sinh, sinh viên hiếu học và giảng viên giỏi.
Học bổng Đoàn Văn Tường
Theo ý nguyện của PGS.TS Đoàn Văn Điện, quỹ học bổng tại xã Xuân Lộc sẽ được mang tên người anh cả của thầy là liệt sĩ Đoàn Văn Tường. Thầy Điện kỳ vọng sẽ có thêm nhiều nhân tài xuất thân từ quê hương Xuân Lộc, quê hương Phú Yên yêu dấu của ông.
Theo PGS.TS Đoàn Văn Điện, người anh cả của thầy - ông Đoàn Văn Tường - sinh năm 1921 tại thôn Chánh Lộc, xã Xuân Lộc. Gia đình có truyền thống hiếu học nên từ nhỏ ông Tường rất chăm học và nổi tiếng là người học giỏi. Khi đang học trung học, ông đã có bài đăng trên tạp chí Toán học mà chủ biên là GS Hoàng Xuân Hãn, và có lần ông đạt “Người có lời giải hay nhất Đông Dương” khi tham gia giải những bài toán khó trên tạp chí này.
Địa phương hết sức trân trọng nghĩa cử của PGS.TS Đoàn Văn Điện. Chính quyền xã đã có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với gia đình thầy để quỹ “Học bổng Đoàn Văn Tường” hoạt động minh bạch, hiệu quả, nhân lên tinh thần hiếu học của thế hệ trẻ quê nhà.
Ông Nguyễn Thành Sơn, Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc (TX Sông Cầu)
Ông Đoàn Văn Tường tham gia kháng chiến rất sớm và là thành viên Ban lãnh đạo Ty Công an Khánh Hòa thời chống Pháp. Sau hiệp định sơ bộ Pháp - Việt (6/3/1946), trong một lần dự họp bí mật cùng cơ sở ra về, có lẽ bị chỉ điểm, ông Tường bị giặc Pháp bắt tại cầu Hà Ra (Nha Trang) với đầy đủ chứng cứ gồm cả tài liệu và súng lục trên chiếc xe jeep ông đang đi. Giam giữ nhưng không khai thác được gì trước sự can trường của ông, giặc đã thủ tiêu ông bên bìa một đám đất trồng sắn ở Diên Khánh (tỉnh Khánh Hòa). Lúc đó ông mới 25 tuổi. Ngày 15/5/1978, ông Đoàn Văn Tường được Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký quyết định công nhận liệt sĩ và truy thăng cấp bậc thiếu tá ngành Công an.
PGS.TS Đoàn Văn Điện sinh năm 1936 tại Phú Yên. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, học Trường đại học Sư phạm Hà Nội, ngành Toán - Lý. Năm 1957, ông dạy môn Vật lý tại Trường đại học Nông Lâm Hà Nội. Năm 1958, ông là giảng viên môn Máy nông nghiệp thuộc Khoa Cơ khí nông nghiệp, Trường đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội. Sau Hiệp định Paris năm 1972, ông tham gia đoàn của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào Nam theo yêu cầu của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, với nhiệm vụ khảo sát và lập kế hoạch phát triển nông nghiệp tự túc khu vực B2 (thuộc Trung ương Cục miền Nam). Ông tham gia thành lập Trường trung học Nông nghiệp B2 (sau khi nước nhà thống nhất là Trường trung học Long Định) và làm hiệu trưởng. Tháng 8/1975, ông được điều động về Trường đại học Nông nghiệp IV TP Hồ Chí Minh để xây dựng Khoa Cơ khí nông nghiệp. Năm 1989, ông được bầu làm Hiệu trưởng Trường đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh. Hết nhiệm kỳ, năm 1994, ông trở về khoa làm giảng viên và nghỉ hưu năm 1997. Cũng trong năm 1997, ông được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường đại học Dân lập Lạc Hồng (Đồng Nai), đồng thời làm Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Việt Thanh (TP Hồ Chí Minh).
PGS.TS Đoàn Văn Điện tâm sự: “Dạy học là một công việc cao cả và giàu tính nhân văn. Người làm thầy dạy học chỉ có thể thành người thầy thực sự, đầy đủ bản lĩnh khi mang đủ hai yếu tố “tâm”, “lực” và biết dạy cho học sinh đứng vững trên đôi chân của mình”.
Nguồn: https://baophuyen.vn/van-nghe/202504/tam-long-nguoi-thay-xuan-loc-0853e57/
Bình luận (0)