Rủi ro từ chính sách thương mại
Ngân hàng Thế giới (WB) đã xác định 5 rủi ro chính làm tăng trưởng kinh tế chậm lại trên diện rộng. Cụ thể là các rào cản thương mại và bất ổn chính sách gia tăng; tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn còn yếu; nguy cơ bất ổn và thắt chặt tài chính; giá hàng hóa giảm; biến đổi khí hậu, căng thẳng và xung đột địa chính trị gia tăng.
Triển vọng thương mại toàn cầu năm 2025 khá ảm đạm sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu (ảnh minh họa). Ảnh: Mỹ Thanh
Tại thời điểm tháng 6-2025, các tổ chức quốc tế gồm Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Liên Hiệp Quốc (UN), Ngân hàng Thế giới (WB) đều điều chỉnh giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 0,2 đến 0,5 điểm phần trăm so với các dự báo đưa ra hồi đầu năm 2025 trừ Fitch Ratings (FR). Cụ thể, OCED dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt 2,9%, IMF dự báo tăng 2,8%, UN 2,4%, WB 2,3% và thấp nhất là FR ở mức 2,2%.
Với các nền kinh tế Đông Nam Á, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng 4,7% trong năm 2025, giảm nhẹ so với mức 4,8% của năm 2024 nhưng vẫn mạnh mẽ nhờ nhu cầu trong nước và lượng khách du lịch tăng. Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), WB và ADB dự báo tăng trưởng của khu vực ASEAN và Đông Á - Thái Bình Dương trong năm 2025 thấp hơn so với năm 2024 và đạt 4,7%. Điều này phản ánh triển vọng thương mại toàn cầu năm 2025 khá ảm đạm do các căng thẳng thương mại và bất ổn chính sách gia tăng.
Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thương mại hàng hóa toàn cầu tăng mạnh vào đầu năm 2025 do nhập khẩu mua hàng trước khi dự kiến áp mức thuế cao hơn từ Hoa Kỳ. Song, đơn đặt hàng xuất khẩu yếu đi cho thấy đà tăng này có thể không được duy trì. Trong tháng 6-2025, thước đo thương mại hàng hóa tăng lên mức 103,5 (tháng 3-2025 là 102,8 điểm), tuy nhiên chỉ số thành phần về đơn đặt hàng xuất khẩu mới chỉ đạt 97,9, dự báo tăng trưởng thương mại yếu hơn vào cuối năm 2025 khi các doanh nghiệp nhập khẩu ít hơn và giảm lượng hàng tồn kho đã tích lũy.
Hầu hết các nền kinh tế lớn đều chịu tác động từ thay đổi chính sách thương mại và nhất là việc tuyên bố áp thuế của Hoa Kỳ. Các tổ chức quốc tế đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ năm 2025 từ 0,3 đến 0,9 điểm phần trăm so với các dự báo trước đó, với mức tăng từ 1,4% đến 1,8%, thấp hơn so với năm 2024.
Với khu vực đồng Euro, tác động của căng thẳng thương mại gia tăng, bất ổn chính sách sẽ tác động tiêu cực đến đầu tư và thương mại của các quốc gia này trong năm 2025. Mức dự báo được đưa ra tăng trưởng khu vực đồng Euro đạt từ 0,7% đến 1% trong năm 2025. Còn Nhật Bản, tăng trưởng dự báo ở mức dưới 1%; Trung Quốc tăng trưởng dưới mức 5%, với các dự báo lần lượt tăng là 4,6%, 5,5%, 4,2% và 4%.
Với Việt Nam, các tổ chức quốc tế đều nhận định tăng trưởng của Việt Nam năm 2025 thấp hơn năm 2024. Trong đó, ADB, AMRO và OECD dự báo tăng trưởng năm 2025 của Việt Nam đạt trên 6%, lần lượt là 6,6%, 6,5,% và 6,2%. WB và IMF dự báo tăng trưởng 2025 của Việt Nam lần lượt đạt 5,8% và 5,4%. Trong đó, AMRO cũng lưu ý rằng, Việt Nam dù dẫn đầu tăng trưởng khu vực Đông Nam Á, nhưng triển vọng tăng trưởng của khu vực ASEAN+3 phụ thuộc nhiều vào các chính sách thương mại của Hoa Kỳ.
OECD thì nhận định, các rào cản thương mại cao hơn và bất ổn về chính sách là những rủi ro lớn đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam, có khả năng làm suy yếu tăng trưởng của Việt Nam. WB cảnh báo triển vọng tăng trưởng toàn cầu yếu hơn và niềm tin yếu hơn trong các lĩnh vực đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng. IMF lạc quan cho rằng một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, có thể tìm thấy cơ hội để định hình lại mạng lưới thương mại và vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Tận dụng tối đa các cơ hội
Theo các tổ chức quốc tế, nguyên nhân chính khiến triển vọng thương mại toàn cầu xấu đi là sự gia tăng các rào cản thương mại, đặc biệt là thuế quan, cùng với bất ổn chính sách lan rộng và gia tăng. IMF nhận định các biện pháp thuế quan mới của Hoa Kỳ và các biện pháp đối phó của các đối tác thương mại đã khiến thuế quan toàn cầu đạt mức cao nhất trong một thế kỷ. Căng thẳng thương mại và bất ổn chính sách đang có tác động tiêu cực sâu sắc đến đầu tư, niềm tin kinh doanh và niềm tin tiêu dùng. Nhiều công ty đang áp dụng cách tiếp cận “chờ đợi và xem xét”, trì hoãn hoặc cắt giảm chi đầu tư. Căng thẳng địa chính trị và thuế quan tăng đang định hình lại các mô hình đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu.
Mặc dù nhiều trở ngại nhưng một số lĩnh vực cho thấy khả năng phục hồi tương đối. WB nhận định tăng trưởng thương mại dịch vụ toàn cầu tương đối ổn định với hoạt động du lịch đang tiến gần đến mức trước đại dịch. ADB nhận định “các nhà xuất khẩu công nghệ khu vực vẫn là điểm sáng, hưởng lợi từ nhu cầu điện tử toàn cầu mạnh mẽ", thị trường bán dẫn dự kiến đạt tăng trưởng 11,2% năm 2025,…
Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo rằng, các thị trường có thể phản ứng chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ bằng cách gia tăng các hàng rào kỹ thuật để bảo hộ các ngành công nghiệp trong nước. Với những biến động này, giá hàng hóa trung bình dự kiến giảm khoảng 10% trong năm 2025 và sẽ giảm thêm 6% trong năm 2026.
Công ty CP May Meko (TP Cần Thơ) luôn chú trọng đổi mới, ứng dụng công nghệ. Ảnh: GIA BẢO
Với Việt Nam, là nền kinh tế phụ thuộc thương mại nên rất dễ bị ảnh hưởng bởi các diễn biến bên ngoài, trực tiếp là sự suy yếu xuất khẩu và dòng vốn FDI. Tuy nhiên, điểm sáng trong 6 tháng đầu năm là cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 7,63 tỉ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 12,15 tỉ USD). Với kim ngạch xuất khẩu đạt 219,83 tỉ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó khu vực FDI chiếm 73,%%. Về thị trường, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu đạt 70,91 tỉ USD; Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 84,7 tỉ USD.
Theo ông Trần Chí Gia, Tổng Giám đốc Công ty CP May Meko (TP Cần Thơ), trong 3 năm qua, biến động thương mại đã tác động đến giá gia công sản phẩm của công ty. Tuy nhiên, công ty đã nỗ lực cải tiến công nghệ, đầu tư máy móc hiện đại để gia tăng năng suất lao động, dù giá gia công giảm, nhưng công ty vẫn đạt lợi nhuận. Hiện công ty xuất xuất hơn 90% sang Nhật Bản, với thị trường Hoa Kỳ chỉ 1% nên chính sách thuế cũng chưa ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp. Công ty chỉ đang khó tuyển dụng lao động cho các đơn hàng xuất khẩu cuối năm, hiện công ty có khoảng 1.100 lao động.
Mặc dù niềm tin kinh doanh, đầu tư suy giảm, nhưng Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư FDI. Cụ thể, trong 6 tháng năm 2025, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt 21,52 tỉ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, vốn FDI có sự dịch chuyển vào các dự án sản xuất mới trong lĩnh vực công nghệ cao, bán dẫn, AI...
Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 11,72 tỉ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 6 tháng trong 5 năm qua. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đánh giá cao nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam thời gian qua và nhiều nhà đầu tư có kế hoạch duy trì hoặc mở rộng đầu tư thời gian tới.
Bài, ảnh: GIA BẢO
Nguồn: https://baocantho.com.vn/tan-dung-du-dia-de-tang-truong-trong-boi-canh-kho-khan-a188390.html
Bình luận (0)