Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tăng chiều cao, sức bền cho trẻ em - Kỳ 2: Làm gì để thanh niên cao hơn, khỏe hơn?

Theo các chuyên gia, chiều cao của trẻ phụ thuộc vào 4 yếu tố: gene di truyền, chế độ dinh dưỡng, tập luyện và đi ngủ sớm trước 10h. Vậy cha mẹ cần làm gì? Ngành y tế có những đề án gì để nâng tầm vóc của người dân TP.HCM?

Báo Tuổi TrẻBáo Tuổi Trẻ27/05/2025

chiều cao - Ảnh 1.

Trẻ vận động nhiều và tham gia các môn thể thao giúp tăng trưởng chiều cao - Ảnh: DUYÊN PHAN

BS Nguyễn Ngọc Thùy Dương, phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC), cho biết theo kết quả điều tra do HCDC thực hiện năm học 2019 - 2020 ở học sinh tiểu học, THCS và THPT, chiều cao trung bình nam và nữ theo từng lớp, tuổi đều tăng so với 10 năm trước đó.

10 năm tăng được 1 - 1,8 cm

Chiều cao trung bình ở nam 17 tuổi là 169,2cm, tăng 1cm so với năm 2009 (168,2 cm); nữ 17 tuổi là 157cm, tăng được 1,8cm so với năm 2009 (155,2cm). Kết quả này cao hơn so với số liệu từ Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2018 - 2020 (chiều cao trung bình ở nam 18 tuổi là 168,1cm và nữ là 156,2cm).

Ngày 19-4-2024, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch 2113 về thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng tại TP.HCM từ nay đến năm 2030, trong đó có chỉ tiêu đến năm 2030 chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi theo giới tăng 2 - 2,5cm đối với nam và 1,52cm đối với nữ so với năm 2020.

Một số giải pháp trọng tâm góp phần cải thiện tầm vóc như tư vấn, khám sức khỏe, can thiệp dinh dưỡng phù hợp, tiêm văc xin phòng ngừa bệnh truyền nhiễm cho phụ nữ trước và trong khi mang thai. Tầm soát, chẩn đoán, can thiệp trong giai đoạn bào thai, điều trị một số bệnh tật trước sinh; sàng lọc sơ sinh phát hiện, can thiệp, điều trị sớm các rối loạn chuyển hóa bẩm sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

TP cũng tập trung triển khai các can thiệp dinh dưỡng cho trẻ qua việc hướng dẫn phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú và nuôi con nhỏ về chế độ dinh dưỡng hợp lý, an toàn thực phẩm, nuôi con bằng sữa mẹ, kiến thức giúp hình thành thói quen tốt phòng chống bệnh học đường, cách lựa chọn thực phẩm lành mạnh, an toàn...

Tổ chức bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý và định kỳ theo dõi tăng trưởng và phát triển của trẻ em để đánh giá sự tăng trưởng thể chất và can thiệp dinh dưỡng phù hợp; bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ em, phụ nữ có thai và nhóm nguy cơ theo phác đồ Bộ Y tế.

BS Dương nhận định với chiều cao trung bình của thanh niên hiện nay, để TP.HCM đạt được mục tiêu thanh niên cao như các nước trong khu vực vào 2045 cần có chiến lược lâu dài và toàn diện, đòi hỏi không chỉ nỗ lực của ngành y tế mà còn cần sự đầu tư và phối hợp liên ngành, từ đó hỗ trợ cho trẻ và gia đình hình thành thói quen tốt về dinh dưỡng, tăng cường hoạt động thể lực ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường.

Cần 1 giờ hoạt động thể chất/ngày

Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, trẻ 3-5 tuổi được khuyến khích vận động suốt cả ngày. Lứa 6 - 17 tuổi cần 1 giờ hoạt động thể chất cường độ từ vừa phải đến mạnh/ngày. Nếu trẻ có bất kỳ hạn chế nào về thể chất hoặc vấn đề sức khỏe tiềm ẩn như hen suyễn, khớp cần tham khảo ý kiến chuyên gia y tế khi muốn trẻ tham gia các hoạt động mới.

BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, nguyên giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, cho biết hoạt động thể lực không chỉ là tập thể dục mà còn là vui chơi, làm việc nhà, vận động, đi lại.

Thực tế hiện nay là nhiều trẻ học đến cấp 2 nhưng cha mẹ vẫn không để trẻ làm việc nhà. Hầu hết trẻ được đưa đi học bằng xe máy, ô tô, ít trẻ được đi bộ hoặc đi xe đạp đi học mà đi bộ, đi xe đạp lại e ngại nguy hiểm.

Việc học thêm cũng khiến thời gian học sinh ngồi một chỗ nhiều, thời gian vận động bị giảm, chưa kể các hoạt động như coi phim, chơi game. Môi trường hoạt động thể thao còn hạn chế: thiếu sân trường, công viên, khu luyện tập cho trẻ, lớp học với sĩ số đông trẻ ít hoạt động nhóm. Cần thay đổi điều này như gia đình cùng chơi, cùng tập với trẻ.

BS Võ Duy Linh, khoa chỉnh hình nhi Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, chia sẻ một số cách để khuyến khích trẻ tập thể dục, vận động:

- Cả gia đình cùng cố gắng hoạt động thể chất, làm gương cho con, truyền cảm hứng cho con thay vì chỉ yêu cầu con.

- Làm cho thời gian tập thể dục trở nên thú vị, đa dạng để trẻ mong chờ được tập thể dục. Có thể thêm các hoạt động vui nhộn như đi dạo trong thiên nhiên, trò chơi ngoài trời, bơi lội hoặc hoạt động nhóm với bạn bè và gia đình.

- Lập lịch trình ổn định cho con gồm thời gian tập thể dục, vệ sinh, ngủ, nghỉ ngơi, học tập và giải trí. Điều này giúp con hình thành thói quen và coi tập thể dục là một phần thiết yếu trong đời sống.

THÙY DƯƠNG

Nguồn: https://tuoitre.vn/tang-chieu-cao-suc-ben-cho-tre-em-ky-2-lam-gi-de-thanh-nien-cao-hon-khoe-hon-20250527001117583.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm