Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, muốn phát triển bền vững kinh tế biển, điều kiện tiên quyết là phải xây dựng và vận hành hiệu quả cơ chế điều phối liên ngành, liên vùng và liên quốc gia - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Tránh tình trạng việc gì cũng phải điều phối
Phó Thủ tướng cho rằng, cơ chế điều phối liên ngành cần được xem như một công cụ hỗ trợ ra quyết định, giúp lựa chọn phương án phát triển tối ưu trong bối cảnh có xung đột giữa các ngành, lĩnh vực kinh tế hoặc địa phương khi trên cùng một vùng biển.
Vì vậy, cơ chế điều phối liên ngành cần được hình thành trên cơ sở nhận thức đầy đủ về tính chất đa ngành, đa lĩnh vực và liên vùng trong phát triển kinh tế biển. Hiện nay, chúng ta mới chỉ xây dựng được cơ chế quản lý tổng hợp vùng bờ, chưa mở rộng ra toàn bộ không gian biển, cho thấy đây là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu sâu, có hệ thống và tham khảo kinh nghiệm quốc tế.
Quá trình xây dựng cơ chế điều phối cần làm rõ căn cứ lý luận, khoa học, pháp lý và thực tiễn để xác định chính xác những nội dung cần điều phối liên ngành, liên vùng. Đồng thời, phải tránh trùng lặp hoặc chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển (Ủy ban quốc gia). Tương tự, ở cấp địa phương, cũng cần thiết kế cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành một cách rõ ràng, hiệu quả.
"Quan trọng nhất là cần xác định rõ trọng tâm, đâu là vấn đề liên ngành, liên vùng, liên địa phương, hoặc thậm chí là liên quốc gia, nếu không rất dễ rơi vào tình trạng "việc gì cũng phải điều phối", dẫn tới quá tải, gây trở ngại kỹ thuật, tài chính và ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển", Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh "cơ chế điều phối phải dựa trên nguyên tắc phân cấp, chỉ giữ lại những vấn đề thực sự cần điều phối ở cấp Trung ương, còn lại phải giao về địa phương".
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, sau 7 năm triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Chiến lược), các ngành kinh tế biển chủ đạo như du lịch – dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí, thủy sản, năng lượng tái tạo và một số ngành kinh tế biển mới đã có những bước phát triển tích cực.
Tuy nhiên, quá trình triển khai các nhiệm vụ cụ thể theo Chiến lược vẫn còn chậm so với kế hoạch đề ra. Trong tổng số 169 đề án, dự án, nhiệm vụ được Chính phủ giao cho các bộ, ngành và 28 tỉnh, thành phố có biển, đến nay mới chỉ có 35 nội dung đang được triển khai, tương đương 20,7%. Điều này ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ và mục tiêu chung của Chiến lược biển quốc gia.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra là việc thiếu cơ chế điều phối liên ngành đủ mạnh để giám sát, cập nhật tiến độ, tháo gỡ vướng mắc và tạo sự kết nối giữa các dự án, đề án đang triển khai.
Do khối lượng dự án rất lớn và có sự tham gia của nhiều bộ, ngành nhưng lại thiếu cơ chế điều phối liên ngành, nên việc cập nhật tiến độ, tình hình triển khai việc thực hiện các đề án, dự án còn bất cập, hạn chế.
Các bộ, ngành, địa phương gặp khó khăn, vướng mắc, thiếu chia sẻ, tham khảo số liệu, tài liệu liên quan dẫn tới chậm triển khai các đề án, dự án hoặc trùng lặp nội dung, không kế thừa, khai thác kết quả của các đề án, dự án liên quan dẫn đến gây lãng phí ngân sách nhà nước.
Trong bối cảnh nhiều quy hoạch liên quan đến không gian và tài nguyên biển đã được phê duyệt như Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch tổng thể khai thác vùng bờ… thì yêu cầu về một cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan ngày càng trở nên cấp thiết. Tính đặc thù của không gian biển – nơi diễn ra nhiều hoạt động kinh tế chồng lấn – càng đòi hỏi cần có một cơ chế điều phối đa ngành đủ mạnh để giải quyết các vấn đề liên vùng, liên ngành phát sinh trong quá trình triển khai Chiến lược.
Vì vậy, cơ chế điều phối liên ngành về phát triển bền vững kinh tế biển nhằm cụ thể hóa quy chế hoạt động của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, tăng cường chia sẻ thông tin, hỗ trợ phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh trong triển khai thực tiễn, đồng thời bảo đảm không chồng chéo với pháp luật hiện hành và phù hợp chức năng, nhiệm vụ của từng bộ, ngành, địa phương; tạo nền tảng cho phát triển kinh tế biển một cách bền vững, hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Tại cuộc họp, lãnh đạo, đại diện các Bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Tư pháp, Tài chính, Công Thương cho rằng việc xây dựng cơ chế điều phối liên ngành không chỉ phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam mà còn đáp ứng xu hướng quốc tế khi nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN và trên thế giới đã thiết lập các cơ chế tương tự; cần tận dụng và hoàn thiện cơ chế phối hợp hiện có, tránh phát sinh thủ tục mới, và rà soát hoạt động, kinh phí của Ủy ban quốc gia để nâng cao hiệu quả phát triển bền vững kinh tế biển.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành về cơ chế điều phối liên ngành trong phát triển bền vững kinh tế biển - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, muốn phát triển bền vững kinh tế biển, điều kiện tiên quyết là phải xây dựng và vận hành hiệu quả cơ chế điều phối liên ngành, liên vùng và liên quốc gia. Đây là nền tảng để quản lý, khai thác tổng hợp tài nguyên, giải quyết các xung đột và lựa chọn phương án tối ưu giữa các lĩnh vực phát triển trên biển.
Theo Phó Thủ tướng, chiến lược và quy hoạch là hai công cụ quan trọng trong điều phối liên ngành. Tuy nhiên, để giải bài toán phát triển đa ngành, đa lĩnh vực tại một vùng biển, nơi tiềm ẩn xung đột giữa hàng hải, điện gió, thủy sản, du lịch, dầu khí… thậm chí liên quan đến yếu tố quốc tế, thì cần bổ sung thêm những công cụ điều phối hữu hiệu khác.
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế giải quyết xung đột phát triển, lựa chọn phương án dựa trên các tiêu chí trụ cột là hiệu quả môi trường, kinh tế và khả năng tạo việc làm…; nghiên cứu, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ phân tích – đánh giá nhằm hỗ trợ quá trình lựa chọn phương án phát triển phù hợp ở những khu vực có nhiều tiềm năng, giải quyết tình huống xung đột liên ngành; cơ chế điều phối công tác điều tra, khảo sát tài nguyên môi trường biển phục vụ hoạt động triển khai chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế biển.
Chỉ rõ hai nội dung trọng tâm là xây dựng cơ chế điều phối liên ngành, liên vùng, liên quốc gia; và bảo đảm các điều kiện tài chính, tổ chức bộ máy, dữ liệu phục vụ cho cơ chế đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường khẩn trương rà soát, hoàn thiện quy chế, xác định phạm vi hoạt động của Ủy ban quốc gia. Trong đó, tập trung giải quyết các xung đột mang tính chất liên tỉnh, liên vùng hoặc liên quan tới dự án trọng điểm quốc gia, hoặc các vấn đề ở tầm quốc tế như thực hiện các thỏa thuận quốc tế, nghiên cứu khoa học biển, xử lý các sự cố môi trường mang yếu tố xuyên biên giới hoặc vượt quá năng lực của địa phương…; đề xuất cơ chế tài chính dành cho hoạt động điều tra cơ bản và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia và địa phương về tài nguyên môi trường biển
Phó Thủ tướng lưu ý mối quan hệ chặt chẽ giữa tài nguyên môi trường biển và chiến lược phát triển kinh tế vùng, tỉnh. Nếu một chiến lược phát triển có nguy cơ ảnh hưởng đến không gian hoặc tài nguyên, môi trường biển, Ủy ban quốc gia phải có ý kiến. Ví dụ về rác thải nhựa đại dương là vấn đề toàn cầu, cần sự chỉ đạo xuyên suốt từ đất liền ra biển và phối hợp quốc tế.
Minh Khôi
Nguồn: https://baochinhphu.vn/tang-cuong-cong-cu-cho-co-che-dieu-phoi-lien-nganh-trong-phat-trien-ben-vung-kinh-te-bien-102250528151823903.htm
Bình luận (0)