Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tạo sinh kế giảm nghèo bền vững

- Thực hiện Chương trình (MTQG) giảm nghèo bền vững, huyện Sơn Dương đã hỗ trợ cây giống, vật nuôi và kỹ thuật nuôi trồng, tạo nhiều mô hình sinh kế giúp bà con ổn định cuộc sống.

Báo Tuyên QuangBáo Tuyên Quang28/05/2025

Trao “cần câu” 

Gia đình anh Trần Văn Thực, thôn Nhà Xe, xã Đông Lợi (Sơn Dương) vốn là hộ nghèo, thu nhập chủ yếu dựa vào công việc đồng áng. Năm 2024, anh Thực được hỗ trợ mô hình sinh kế chăn nuôi dê từ “Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo” của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Đến nay, từ 10 con dê hỗ trợ ban đầu, đàn dê của gia đình anh đã phát triển lên 20 con, trong đó có 14 con dê sinh sản.

Được hỗ trợ phân bón, người dân xã Trung Yên đầu tư phát triển cây chè, cho thu nhập ổn định.

Anh Thực chia sẻ: “Khi được nhận mô hình sinh kế chăn nuôi dê, gia đình tôi rất phấn khởi bởi dê là loài động vật dễ chăm, chủ yếu ăn các loại lá cây trong vườn nhà. Vì vậy, việc chăm sóc cũng không tốn kém nhiều, bù lại, nhờ các lứa dê sinh sản, gia đình tôi có việc làm hằng ngày, thêm thu nhập để nuôi các con ăn học. Cuối năm 2024, tôi đã thoát nghèo. Vợ chồng tôi sẽ tiếp tục cố gắng trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế”.

Trong những năm qua, xã Đông Lợi là một trong những địa phương triển khai có hiệu quả “Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo”. Đồng chí Phạm Thị Diễm Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Lợi cho biết, năm 2024, địa phương hỗ trợ các mô hình sinh kế dê cho 27 hộ, mỗi hộ 10 con, mô hình nuôi bò cho 12 hộ, mỗi hộ 2 con. Đối ứng chuồng trại, bám sát chủ trương của các cấp, xã Đông Lợi đã tiến hành khảo sát, nắm bắt tâm tư của người dân để xây dựng kế hoạch trao mô hình sinh kế phù hợp. Đến nay, các mô hình kinh tế chăn nuôi trên địa bàn xã đều phát huy hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhờ đó, toàn xã hiện còn 143 hộ nghèo, chiếm 11% và 46 hộ cận nghèo, chiếm 3,5%.

Đa dạng hóa sinh kế

Nhằm mục tiêu tạo sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là những hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn, huyện Sơn Dương đã triển khai hỗ trợ người dân thông qua các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo và Tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

Người dân thôn Nhà Xe, xã Đông Lợi (Sơn Dương) được hỗ trợ dê sinh sản.

Trong đó, dự án phát triển sản xuất chăn nuôi dê, trâu, bò sinh sản liên kết theo chuỗi giá trị trên địa bàn huyện Sơn Dương mới đây được triển khai thực hiện tại địa bàn các xã: Đại Phú, Phú Lương, Tân Thanh,  Văn Phú, Đông Lợi, Trung Yên… với số lượng hỗ trợ 10 con dê/hộ, 1 - 2 con bò/hộ, 1 - 2 con trâu/hộ. Hàng trăm hộ dân đã được thụ hưởng, dự án thành công sẽ là nền tảng để phát triển kinh tế, giúp người dân có cuộc sống no ấm hơn.

“Được Nhà nước hỗ trợ 2 con trâu sinh sản để chăn nuôi phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, gia đình tôi rất phấn khởi. Tôi sẽ chăm sóc trâu khỏe mạnh, sinh sản tốt, coi đây là nguồn thu chủ lực để từng bước nâng cao đời sống” - anh Trần Văn Ngọc, thôn Cầu Trâm, xã Phú Lương chia sẻ.

Xác định đa dạng hóa sinh kế chính là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất trong thực hiện Chương trình  giảm nghèo bền vững, từ năm 2024 đến nay, huyện đã triển khai 20 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất: phương án chăn nuôi gà, chăn nuôi trâu, bò, dê sinh sản; hỗ trợ phân bón chè và sản xuất mía... với tổng kinh phí trên 8 tỷ đồng.

Mô hình chăn nuôi trâu sinh sản giúp người dân xã Tân Thanh nâng cao thu nhập.

Đến nay, đã có trên 300 hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo của huyện được hỗ trợ từ dự án. Với các hộ chính sách tham gia mô hình chăn nuôi, người dân được hỗ trợ con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và các vật tư chăn nuôi khác. Bên cạnh đó, huyện cũng tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức của người dân, “cầm tay chỉ việc” giúp bà con áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, góp phần đạt năng suất cao hơn.

Đồng chí  Hoàng Văn Niên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Sơn Dương đánh giá, quá trình triển khai thực hiện các chương trình MTQG  gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với quyết tâm cao của các cấp chính quyền nhằm thu hẹp khoảng cách về đời sống kinh tế - xã hội và các vùng kinh tế phát triển, huyện đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đồng bộ, tạo điều kiện để nhân dân ở các xã khó khăn có thêm động lực phấn đấu vươn lên. Hàng nghìn hộ dân đã thoát nghèo nhờ những chính sách thiết thực từ Chương trình này.

Từ việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân đến cách trao “cần câu”, thực hiện hiệu quả dự án đa dạng hóa sinh kế đã giúp tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện  Sơn Dương giảm đáng kể trong những năm qua. Đây cũng là động lực để những hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện vượt qua khó khăn, vươn lên thay đổi cuộc sống, cùng địa phương hướng tới giảm nghèo bền vững.

Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/tao-sinh-ke-giam-ngheo-ben-vung-212635.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm