Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tạo sức hấp dẫn cho bảo tàng

Không chỉ là không gian tĩnh lặng với hàng loạt hiện vật được bảo quản cẩn thận, nhiều bảo tàng, nhà trưng bày trên địa bàn thành phố đang chuyển mình hướng đến các hoạt động giáo dục và trải nghiệm sống động. Các chương trình thiết kế không chỉ cho trẻ em mà còn cho cả người lớn nhằm khuyến khích sự hiểu biết và tôn trọng đối với di sản.

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng24/05/2025

Các em nhỏ tham gia trải nghiệm hoạt động ký họa chân dung tại Bảo tàng  Mỹ thuật Đà Nẵng. Ảnh: ĐOÀN HẠO LƯƠNG
Các em nhỏ tham gia trải nghiệm hoạt động ký họa chân dung tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Ảnh: ĐOÀN HẠO LƯƠNG

Không gian văn hóa sáng tạo, thân thiện

Từ không gian trưng bày truyền thống, những năm gần đây, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng chuyển sang tổ chức nhiều hoạt động giáo dục và trải nghiệm đa dạng. Điều này vừa giúp bảo tàng thu hút khách tham quan vừa góp phần nâng cao nhận thức và kiến thức của công chúng về lịch sử, văn hóa dân tộc; đồng thời mở ra cơ hội mới cho giáo dục và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Bảo tàng giờ đây không chỉ là nơi để “nhìn” mà còn để “trải nghiệm” và “tương tác”. Ở đó, mỗi cá nhân có thể tìm thấy một phần của mình trong dòng chảy của lịch sử và văn hóa.

Bà Nguyễn Thị Trinh, Phó Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Đà Nẵng cho biết, thông điệp của ngày Quốc tế Bảo tàng năm nay “Tương lai của các bảo tàng trong cộng đồng thay đổi nhanh chóng”. Đây là lời nhấn mạnh sâu sắc về vai trò ngày càng rộng mở, năng động và gắn bó của bảo tàng với cộng đồng. Bảo tàng không chỉ là nơi gìn giữ ký ức, mà còn là không gian văn hóa sáng tạo, thân thiện, kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. “Với mong muốn đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng triển khai một chuỗi hoạt động phong phú, sáng tạo và dễ tiếp cận.

Đặc biệt, chương trình “Ngày hội sắc màu” gồm các hoạt động nghệ thuật như: ký họa chân dung, viết thư pháp, vẽ tranh trên cát, vẽ tranh màu bột, màu sáp dầu, khắc và in tranh đồ họa mang đến một sân chơi nghệ thuật vui tươi, bổ ích dành cho các em thiếu nhi, học sinh, sinh viên, du khách với sự tham gia hỗ trợ của 2 họa sĩ trẻ tài năng Hà Châu và Phạm Anh cùng nghệ nhân thư pháp Đặng Oanh Gin và các họa sĩ của bảo tàng”, bà Nguyễn Thị Trinh chia sẻ.

Có mặt từ sớm, họa sĩ Phạm Anh cho biết, anh vẽ tranh ký họa chân dung đường phố từ thời sinh viên nhưng đây là lần đầu tiên tham gia hoạt động trải nghiệm tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Hoạt động này giúp các bé cảm nhận rõ hơn về nghệ thuật đường phố và công việc của người họa sĩ, qua đó truyền cảm hứng đam mê hội họa.

Nhờ làm tốt công tác truyền thông và tổ chức đúng dịp cuối tuần nên Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng thu hút nhiều học sinh các cấp đến tham gia. Chị Lê Thị Lài, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu hồ hởi cho biết, hôm nay chúng tôi đưa các bé đến trải nghiệm các hoạt động tại bảo tàng, các bé tham gia vẽ tranh trên cát rất nhiệt tình. Đây là hoạt động ý nghĩa không chỉ giúp bé trở nên dạn dĩ mà còn có cơ hội làm quen với các môn nghệ thuật.

Nguyễn Kim Ngân, học sinh lớp 7, Trường THCS Phan Đình Phùng bộc bạch: “Ngoài việc học tập trên trường, khi đến đây tham gia viết thư pháp, em cảm thấy thư giãn, đầu óc trở nên nhẹ nhàng, vui vẻ và quên đi những mệt nhọc”. Em Nguyễn Hải An, học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi cũng chia sẻ: “Con rất thích vẽ tranh trên cát và cảm thấy rất vui khi được cùng các bạn trang lứa tham gia hoạt động này tại bảo tàng”.

Song song đó, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng ra mắt không gian trưng bày số mang tên “DNFam Online Gallery”. Đây là bước đi trong chiến lược chuyển đổi số, giúp nâng cao trải nghiệm tham quan, ứng dụng công nghệ vào công tác bảo tồn và lan tỏa giá trị di sản mỹ thuật rộng rãi hơn đến cộng đồng. Bảo tàng cũng tổ chức triển lãm chuyên đề “Các tác phẩm đồ họa của Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng”, giới thiệu hơn 40 tác phẩm tiêu biểu của các họa sĩ trong nước và quốc tế và được triển lãm dưới hai hình thức trực tiếp và trực tuyến để công chúng trong và ngoài nước có thể tiếp cận loại hình tranh đồ họa - thể loại nghệ thuật độc đáo, giàu tính biểu cảm và sáng tạo.

Thiết kế sản phẩm phù hợp nhu cầu công chúng

Với lợi thế lưu giữ kho tàng di sản quý giá về lịch sử tự nhiên, lịch sử xã hội của thành phố, Bảo tàng Đà Nẵng thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm giáo dục liên quan đến văn hóa, lịch sử địa phương. Đặc biệt với chủ đề “Tương lai của Bảo tàng trong các cộng đồng đang thay đổi nhanh chóng” của ngày Quốc tế bảo tàng năm nay, từ ngày 13 đến 15-5, Bảo tàng Đà Nẵng khởi động chương trình Giờ học ngoại khóa với chủ đề “Nghề truyền thống của thành phố” tại khu trưng bày thiếu nhi thu hút hàng trăm học sinh Trường THCS Nguyễn Thị Định và Tiểu học Hoàng Văn Thụ tham gia.

Trong chương trình này, học sinh được tham quan, tìm hiểu về các nghề truyền thống của thành phố, đặc biệt là tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị như: pha nước mắm Nam Ô, làm gỏi cuốn sử dụng kèm với nước mắm Nam Ô… Thông qua đó, khơi dậy tình yêu lịch sử, ý thức bảo tồn và phát huy di sản truyền thống trong thế hệ trẻ, góp phần giáo dục con người, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và mang lại thay đổi tích cực trong cộng đồng.

Trong khi đó, tại nhà Trưng bày Hoàng Sa, chuỗi hoạt động “Biển bạc của ta do dân ta làm chủ” diễn ra từ ngày 15 đến 25-5 thu hút nhiều người dân, du khách, đặc biệt là học sinh, sinh viên đến tham quan, trải nghiệm. Điểm nhấn nổi bật của chuỗi hoạt động là triển lãm ảnh chuyên đề, trưng bày những khoảnh khắc ấn tượng ghi lại quá trình đấu tranh kiên cường bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, khách tham quan còn có cơ hội tham quan, tìm hiểu các tư liệu lịch sử và pháp lý, những minh chứng khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa được giới thiệu tại không gian trưng bày.

Để tạo dựng một không gian văn hóa sôi nổi, tăng cường sự kết nối cộng đồng và khơi gợi tinh thần yêu biển đảo, trong khuôn khổ chương trình còn diễn ra nhiều hoạt động tương tác hấp dẫn như trò chơi “Ai sẽ là người chiến thắng?”, “Một ngày làm thuyết minh viên nhí”, “Cùng em khám phá đại dương”, “Giải mã ô chữ”, “Mảnh ghép quê hương”, qua đó giúp các em nâng cao vốn hiểu biết về chủ đề biển đảo và bồi đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước.

Sinh viên Hoàng Sỹ Nhật, Khoa Xây dựng Cầu đường, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) chia sẻ, mỗi hình ảnh, mỗi trang tư liệu như một lời nhắc nhở mạnh mẽ về máu xương của cha ông đã đổ xuống để gìn giữ từng tấc đất, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Những hoạt động trải nghiệm tại đây giúp em hiểu sâu sắc hơn về lịch sử chủ quyền biển đảo. Bà Huỳnh Thị Kim Lập, phụ trách Phòng Nghiệp vụ, nhà Trưng bày Hoàng Sa, khẳng định: “Với hình thức tổ chức sinh động, kết hợp hài hòa giữa giáo dục truyền thống và trải nghiệm thực tế, chương trình “Biển bạc của ta do dân ta làm chủ” đã tạo nên một không gian học tập và khám phá lý thú, thu hút sự tham gia đông đảo của học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên và người dân địa phương”.

Để các bảo tàng trở thành điểm đến thu hút gắn liền với hoạt động giáo dục, trải nghiệm, điều quan trọng là hiểu rõ nhu cầu cốt lõi của người đến thưởng thức, từ đó thiết kế những sản phẩm phù hợp, cung cấp lượng thông tin thích hợp và chọn cách kể chuyện cuốn hút. Đây là vấn đề mà các bảo tàng trên địa bàn thành phố cần quan tâm hơn trong thời gian tới để phát huy trọn vẹn vai trò của mình trong việc tổ chức hoạt động trải nghiệm, giáo dục toàn diện.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

Nguồn: https://baodanang.vn/channel/5414/202505/tao-suc-hap-dan-cho-bao-tang-4006894/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người
Bãi biển 'vô cực' đẹp như tranh vẽ ở miền Trung, nổi rần rần trên mạng xã hội
 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm