Chương trình tập huấn, nhằm triển khai cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết số 57 ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 01-KH/BCĐ ngày 17/4/2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh gợi mở: Ở lĩnh vực văn hóa, AI có thể hỗ trợ số hóa di sản, bảo tồn và phục dựng các giá trị văn hóa truyền thống. Chúng ta có thể số hóa tài liệu cổ, tạo ra các bảo tàng ảo, hoặc phục dựng hình ảnh, âm thanh của các lễ hội truyền thống. Điều này giúp truyền tải giá trị văn hóa đến cộng đồng một cách sống động, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Ở lĩnh vực thể thao, AI có thể được ứng dụng để phân tích hiệu suất vận động viên, xây dựng giáo án tập luyện cá nhân hóa, giám sát quá trình hồi phục chấn thương và dự báo kết quả thi đấu. Điều này sẽ giúp nâng cao thành tích thể thao, chuyên nghiệp hóa công tác huấn luyện, đồng thời hỗ trợ việc tổ chức các sự kiện thể thao một cách khoa học, hiệu quả.
![]() |
Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại chương trình. |
Ở lĩnh vực du lịch, AI giúp nâng cao trải nghiệm cho du khách thông qua các ứng dụng trợ lý ảo, đề xuất hành trình thông minh, phân tích dữ liệu du lịch để xây dựng chiến lược quảng bá hiệu quả. Việc ứng dụng chatbot trong tư vấn du lịch, dịch tự động ngôn ngữ, hay công nghệ thực tế ảo – thực tế tăng cường (VR/AR) trong giới thiệu danh lam thắng cảnh sẽ tạo nên sức hấp dẫn mới cho ngành du lịch Quảng Ninh.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, Bên cạnh đó, AI sẽ giúp du khách nâng cao toàn bộ trải nghiệm du lịch bằng cách cá nhân hóa các đề xuất và lịch trình. Thông qua việc phân tích những yếu tố như ngày đi, ngân sách và sở thích cá nhân, các hệ thống sử dụng AI có thể đưa ra kế hoạch du lịch phù hợp cho từng du khách và có tích hợp liền mạch với các nền tảng đặt chỗ. Nhờ vậy mà quá trình từ lập kế hoạch đến đặt chỗ sẽ trở nên dễ dàng, nhanh chóng và tiết kiệm chi phí hơn. Ngoài ra, các chatbot và trợ lý ảo do AI điều khiển cũng cung cấp hỗ trợ theo thời gian thực, giúp du khách nghiên cứu, đặt chỗ và tùy chỉnh suốt chuyến đi…
![]() |
Bà Jenny Nguyễn, Trưởng Cộng đồng Công nghệ AI Techfest - Bộ KHCN; Tổng giám đốc AZ Group; Tác giả sách ứng dụng AI đầu tiên của Việt Nam - Giảng viên lớp Tập huấn. |
Theo Ban Tổ chức, 90% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong khu vực công toàn tỉnh có hiểu biết về chuyển đổi số, kiến thức và kỹ năng số, sử dụng được các nền tảng, dịch vụ số phục vụ công việc; được học và ứng dụng nền tảng AI hỗ trợ công việc của bản thân. 90% cán bộ, công chức, viên chức tham gia và hoàn thành khóa học cơ bản về chuyển đổi số tại địa chỉ http://binhdanhocvuso.gov.vn. 100% các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thành lập nhóm cán bộ, công chức, viên chức nòng cốt để lan tỏa phong trào trong cơ quan, đơn vị mình.
Tại buổi tập huấn, các đại biểu đã cùng lắng nghe chuyên gia giới thiệu và hướng dẫn cụ thể cách sử dụng các phần mềm AI; đề xuất hướng áp dụng công nghệ AI vào thực tiễn để đạt hiệu quả tối ưu nhất;... Bên cạnh đó, chuyên gia cũng đã chia sẻ các bài học kinh nghiệm và tác động của AI khi ứng dụng xây dựng chính phủ số, doanh nghiệp số trong nước và tại nhiều quốc gia phát triển.
Bà Phạm Thanh Nga - Phó Trưởng phòng Kinh doanh tiếp thị khách sạn Sài Gòn Hạ Long chia sẻ, khách sạn đã áp dụng AI trong việc mô tả, phân tích và phân công công việc. AI cũng được sử dụng để lên lịch họp, lên lịch công tác trong tuần, trong tháng. Đồng thời, AI hỗ trợ trong việc chuẩn hóa một số nội quy định của khách sạn. Ngoài ra, sau khi tham gia khóa học về AI do Sở tổ chức, đã học thêm được nhiều điều và mong muốn biết sâu hơn về các công cụ AI, điểm mạnh, điểm hạn chế của chúng để kết hợp và khai thác tốt hơn.
![]() |
Quang cảnh buổi tập huấn |
Ông Ngô Quang Quyến thuộc đoàn nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh cho biết, công nghệ AI đã được ứng dụng vào một số công việc tại đơn vị như: làm việc về văn bản hành chính, hỗ trợ công việc học tập. Đặc biệt, AI được sử dụng để dựng hình ảnh, dựng video nhằm quảng bá những hình ảnh đẹp về Quảng Ninh. Ông Quyến nhấn mạnh, việc đưa cảnh đẹp vào để dựng video bằng công nghệ AI hiện nay mang lại kết quả "tương đối là ổn". Tuy nhiên, cần lưu ý rằng khi sử dụng những ứng dụng công nghệ này, không được lạm dụng nó quá. Thay vào đó, việc sử dụng phần mềm nên dựa trên nền tảng là cảnh đẹp thực tế của Quảng Ninh. Công nghệ AI được dùng như một công cụ hỗ trợ để làm video/hình ảnh, chứ không phải dựa hoàn toàn vào AI để tạo ra những hình ảnh ảo. Qua buổi học về công nghệ này, ông Ngô Quang Quyến cảm thấy bản thân đã được mở rộng hơn về vấn đề công nghệ của AI. Kết quả thu thập được từ buổi học này là tương đối tốt.
Thông qua buổi tập huấn, các đại biểu nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị sẽ có thêm kỹ năng, kiến thức ứng dụng AI và phát triển các nền tảng số phục vụ quản lý, điều hành, thực hiện các công việc, nhiệm vụ chuyên môn, quảng bá văn hóa.
Nguồn: https://baophapluat.vn/tap-huan-ung-dung-ai-trong-nganh-du-lich-tai-quang-ninh-post548625.html
Bình luận (0)