Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thái Nguyên: Kết nối để bay xa

Việc hợp nhất hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn mở ra nhiều cơ hội cho du lịch địa phương phát triển. Hai vùng đất Thái Nguyên và Bắc Kạn được “tạo duyên” bằng nguồn tài nguyên du lịch phong phú, từ đó hình thành nên những sản phẩm đặc thù, mang dấu ấn khác biệt. Đó là "cớ" để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp làm du lịch giữa 2 vùng đất mở rộng hợp tác, gia tăng kết nối, tạo động lực để ngành Du lịch tỉnh Thái Nguyên mới cất cánh bay xa, khẳng định được vị thế trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịchBộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch04/07/2025

Thái Nguyên: Kết nối để bay xa - Ảnh 1.

Du khách nước ngoài thích thú khi trải nghiệm tại các vùng chè Thái Nguyên.

Mở rộng không gian phát triển

Thái Nguyên và Bắc Kạn là hai vùng đất có nhiều điểm tương đồng về địa lý, văn hóa, lịch sử và cảnh quan thiên nhiên. Nếu như Thái Nguyên được mệnh danh là “xứ Trà, đất Thép”, nổi bật với những vùng chè xanh bạt ngàn, di tích lịch sử cách mạng và hệ sinh thái du lịch thì Bắc Kạn được biết đến bởi viên ngọc xanh (hồ Ba Bể) giữa núi rừng Việt Bắc.

Giữa hai vùng Thái Nguyên và Bắc Kạn từ “ngàn xưa” đã được kết nối liền dải thông qua các tuyến đường. Sau này là Quốc lộ 3 và Quốc lộ 3B cùng nhiều tuyến đường khác được mở mang, thông thương tạo cho việc di chuyển giữa 2 vùng không còn trở ngại về khoảng cách địa lý. Từ Thái Nguyên, du khách có thể dễ dàng khởi hành đến Bắc Kạn và ngược lại.

Trước đây, những tour, tuyến du lịch đã được kết nối, song còn nhiều hạn chế bởi giữa hai vùng đất có một rào cản danh giới địa lý hành chính. Nay danh giới ấy được xóa nhòa bằng sự hợp nhất hai vùng đất. Ngành Du lịch như được “cởi trói”, mở rộng không gian phát triển, từng bước hình thành, tạo ra mạng lưới kết nối linh hoạt trong phát triển du lịch.

Trong những ngày khởi đầu của một Thái Nguyên mới, các thành viên Hiệp hội Du lịch đã phấn chấn bàn tới việc “trình làng” một số sản phẩm du lịch mang tính liên kết vùng như: Khám phá ATK và trải nghiệm hồ Ba Bể; hành trình về nguồn và thưởng trà Tân Cương; hành trình kết nối tour homestay giữa Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải ở vùng đất Thịnh Đức, điểm đến được Tổ chức Du lịch thế giới vinh danh là một trong những “Làng du lịch tốt nhất thế giới”, với bản Pác Ngòi ở vùng đất Nam Mẫu, nơi có những ngôi nhà sàn truyền thống dựa lưng vào dải núi đá hùng vĩ soi bóng xuống mặt nước hồ Ba Bể.

Đặc biệt khi kết nối du lịch, vùng Thái Nguyên tự hào với huyền thoại hồ Núi Cốc, với 89 hòn đảo nổi lênh soi bóng xuống gương hồ với những hòn đảo mộng mơ như: Đảo Hoa Family bốn mùa rực rỡ sắc hoa; đảo Chùa hướng lòng người về nẻo thiền lý; đảo Cò nơi dành cho những cánh chim trời trú ngụ.

Còn vùng Bắc Kạn nổi tiếng với hồ Ba Bể. Là 1 trong 20 hồ nước ngọt đẹp nhất thế giới, Ba Bể là một tuyệt tác được thiên nhiên ban tặng, với những Động Puông, động Hua Mạ, Ao Tiên và dòng sông Lèng đẹp như tranh thủy mặc.

Thái Nguyên: Kết nối để bay xa - Ảnh 2.

Những cây cầu chênh vênh về bản làng ở vùng đất Bắc Kạn lại là nguồn cảm hứng với nhiều du khách.

Cả hai vùng đất đều sở hữu những “mỏ vàng” quý giá trong phát triển du lịch. Hiện Thái Nguyên có hơn 1.000 di tích lịch sử, văn hóa được kiểm đếm, hơn 550 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê. Còn Bắc Kạn có 120 di tích lịch sử, văn hóa; hơn 20 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nguồn tài nguyên vô giá đó đang được các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch có hướng khai thác hiệu quả hơn.

Về cơ sở hạ tầng du lịch, tỉnh Thái Nguyên mới có 9 khách sạn 3 sao, 7 khách sạn 2 sao, 3 khách sạn 1 sao, 73 khách sạn đạt tiêu chuẩn, 649 nhà nghỉ, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê đạt tiêu chuẩn. Cùng với đó là đội ngũ người lao động được đào tạo, huấn luyện bài bản đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách.

Cả hai vùng đều có số du khách và doanh thu từ du lịch tăng qua hằng năm. Thái Nguyên năm 2021 đón 802.000 lượt khách, năm 2024 đón gần 3,5 triệu lượt khách. Dự kiến năm 2025 đón 6,2 triệu lượt khách. Còn Bắc Kạn năm 2021 đón 109.000 khách, năm 2024 đón gần 950.000 lượt khách. Dự kiến năm 2025 đón 1,3 triệu lượt khách...

Hướng đến thương hiệu mạnh

Việc kết nối phát triển du lịch giữa hai vùng đất Thái Nguyên và Bắc Kạn sẽ nhanh chóng hình thành những sản phẩm du lịch chung, mang đậm bản sắc vùng miền và tính liên kết cao. Cùng với đó, những lợi thế riêng có của từng địa phương sẽ được chia sẻ, bổ trợ lẫn nhau, tạo nên sức mạnh tổng hợp, nâng tầm giá trị điểm đến.

Điều này không chỉ gia tăng trải nghiệm và tiện ích cho du khách, mà còn mở ra cơ hội lớn để ngành du lịch bứt phá, xây dựng thương hiệu mạnh, từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch quốc gia.

Một vùng “sơn thủy hữu tình” được kết nối lại với kỳ vọng sẽ tạo nên "bức tranh" du lịch đầy sắc màu. Không chỉ khơi dậy cảm hứng trong đầu tư phát triển du lịch đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, mà còn khẳng định Thái Nguyên xứng đáng là địa phương dẫn dắt kinh tế du lịch của các tỉnh trong khu vực Việt Bắc.

Các hoạt động kết nối du lịch giữa hai vùng Thái Nguyên - Bắc Kạn trong những năm gần đây dù chưa có chiều sâu, song cũng mang lại một số hiệu quả nhất định. Ví như các chương trình hội nghị, hội thảo xúc tiến du lịch chung được tổ chức; các tour liên tỉnh kết nối trải nghiệm ATK - Hồ Ba Bể - Văn hóa trà - Du lịch cộng đồng đã được xây dựng đưa vào khai thác.

Các chương trình famtrip, khảo sát và quảng bá được tổ chức quy mô có sự tham gia của các doanh nghiệp lữ hành lớn đã tạo sức lan tỏa rộng rãi trong xã hội.

Thái Nguyên: Kết nối để bay xa - Ảnh 3.

Thái Nguyên đang trở thành một điểm đến hút khách.

Mô hình phát triển chuỗi dịch vụ khép kín từ tham quan, lưu trú, ăn uống, mua sắm đến trải nghiệm bản sắc văn hóa đang được triển khai đồng bộ. Thái Nguyên và Bắc Kạn vừa là trung tâm trung chuyển, tiếp đón khách lại đồng thời là điểm đến trải nghiệm, khám phá.

Trong xu thế hội nhập hiện nay, tư duy phát triển du lịch không thể theo lối đơn tuyến, độc lập mà cần mở rộng không gian, hình thành liên kết vùng, tạo ra chuỗi sản phẩm có chiều sâu và khác biệt. Chính vì thế, việc hợp nhất 2 tỉnh đã giúp ngành Du lịch khắc phục được những hạn chế không đáng có do giới hạn về địa lý; hạn chế về sản phấm mà mở ra hướng đi mới phù hợp với xu thế phát triển xã hội.

Vùng Thái Nguyên với thế mạnh về văn hóa trà, di tích lịch sử, hệ thống dịch vụ chuyên nghiệp, giao thông thuận tiện. Còn vùng Bắc Kạn với vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, giàu bản sắc dân tộc, không gian trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên phóng khoáng.

Hai vùng đất được ghép lại thành một đã tạo nên sự hài hòa như các nét vẽ trong cùng một bức tranh. Tất cả đều sinh động, hoàn chỉnh, hấp dẫn, đa dạng và sâu sắc mang một sức sống mới mạnh mẽ hơn.

Sự hợp tác toàn diện này không chỉ nhằm khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch, mà còn hướng tới mục tiêu lớn hơn: Tạo dựng một thương hiệu du lịch chung, đủ sức hấp dẫn, đủ bản sắc để thu hút, níu chân du khách trong nước và quốc tế.

Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/thai-nguyen-ket-noi-de-bay-xa-20250704095336571.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm