Cuộc đời rẽ hướng từ sau tai nạn, chị Thúy từng bước tìm lại niềm vui nhờ nồi bánh rực than trước nhà. Với chị, mỗi mẻ bánh dân gian ra lò đều là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ của người mẹ, người cô vượt gió rẽ giông!
Chương trình Thần Tài gõ cửa số 791 là chuyến vi hành của Thần Tài (DV Đình Toàn) và Vợ Thổ Địa Lâm Đồng (DV Việt Trang) đến xã Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng để lắng nghe câu chuyện đời của chị Phí Thị Thúy (SN 1989).
Từng là cử nhân ngành Tài chính ngân hàng- Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, ra trường với bao ấp ủ trong tương lai, thế nhưng, tai nạn ập đến bất ngờ đã khiến cuộc đời chị Thúy rẽ hướng.
Chị Thúy tâm sự: “Sau khi ra trường tôi làm kế toán cho công ty cà phê tư nhân ở gần nhà. Sau đó thì năm 2017, tôi bị tai nạn. Ngày hôm đó tôi đi qua nhà em gái chơi, có trèo lên cây, vô tình trúng cành cây bị sâu ăn và rớt từ trên cao xuống. Tôi bị gãy đốt sống, D12, hai chân hoàn toàn mất cảm giác, 80% không đi lại được. Trước khi tôi bị tai nạn tầm 10 ngày thì bên nhà người yêu có lên nói chuyện và xin phép cho hai bên được qua lại ; sau đó thì không may tôi bị tai nạn”.
Hành trình đi khắp nơi chạy chữa cũng bắt đầu từ đó. Ba mất sớm, chị Thúy chỉ còn biết nương tựa vào người mẹ già yếu sức. Hai mẹ con chị ra vào không biết bao nhiêu bệnh viện ở khắp các tỉnh,thành từ Đà Lạt, Sơn La rồi Hà Nội với hy vọng giúp chị Thúy có thể tìm lại cảm giác đôi chân và tự chủ trong sinh hoạt cá nhân. Thế nhưng, xương cụt biến chứng dẫn đến hoại tử, chị phải trở về quê dưỡng lại vết thương. Không lâu sau chị phát hiện mình mang thai, đó cũng là lúc người phụ nữ trẻ tuổi phải đứng trước quyết định rẽ tiếp một ngã khác trên đường đời lắm chông gai của mình .
Chị kể: “Lúc đi khám lại thì tôi vô tình phát hiện mình có thai. Nên là tôi chọn từ bỏ không ghép tế bào gốc và giữ lại con! Để đi tới quyết định đó thì lúc đó cảm giác hơi buồn khi mình không thể tiếp tục chữa trị. Nhưng con đến với tôi trong thời điểm đó giống như một phép màu vì mình nghĩ rằng, có thể mình sẽ không bao giờ có con được nữa. Biết đâu đó khi trong bước ngoặt này con lại đến với mình bằng một niềm vui trong cuộc sống. Thời gian đầu bên bác sĩ Đông y có châm cứu cho tôi, nhưng đến tháng thứ 5 thì bác không châm cứu nữa vì sợ ảnh hưởng tới con nên suốt thời gian đó tôi nghỉ dưỡng.Sau khi tôi sinh con được 2 tháng thì châm cứu lại nhưng không có tiến triển. Mấy bà cháu- mẹ con quyết định về lại trong này. Suốt thời gian chữa trị, chi phí hết 150 triệu đồng, đều phải vay mượn hết”.
Chấp nhận cuộc đời về sau gắn liền với chiếc xe lăn, chị Thúy phải tập làm quen với những điều nhỏ nhặt nhất, như các lên xuống giường, cách giữ cho thân mình khỏi ngã trên xe lăn, cách tự dùng bỉm tã hay cách tự tắm gội khi ngồi trên xe lăn… Chưa giây phút nào người phụ nữ này thôi cố gắng, bởi lẽ bên cạnh chị giờ đây còn có đứa con gái bé bỏng mà chị dành hết tình thương với cái tên Phí Thảo Chi! Nhưng tiếc rằng khi con chào đời không lâu thì mối duyên giữa chị và ba bé cũng chẳng thể nối dài.
Chị tâm sự: “Khi tôi và chồng tôi không còn chung đường với nhau nữa thì con là niềm an ủi và là nguồn động lực duy nhất để tôi quyết định sống tiếp. Thời gian đầu tiên mới về thì tôi vẫn ở cùng với mẹ. Sau khi bé được 3 tuổi thì tôi quyết định đi thuê nhà ở để mình kinh doanh buôn bán kiếm thu nhập. Với lại, từ thời điểm đó thì các cháu cũng theo ở cùng tôi nên tôi muốn ở chỗ tiện đường cho các cháu đi học. Hiện tại tôi ở cùng với 4 cháu, còn có anh trai thứ 3 trong gia đình, năm 2021 bố mẹ cháu ly thân. Anh trai tôi đi làm xa nên là có mấy cô cháu ở cùng với nhau cũng vui”.
Vậy là hơi ấm bếp lửa tuổi thơ đã giúp chị Thúy tìm thấy niềm vui và động lực sống suốt 4 năm nay.
Chị nói: “Nghề bánh dân gian này tôi học từ gia đình. Do hồi trước gia đình đông con, mỗi lần vào dịp lễ Tết thì cả nhà đều sum vầy bên nhau và gói các loại bánh này. Trước tiên làm bánh này là để mưu sinh thôi, nhưng tôi cũng mong muốn là bây giờ công nghệ hiện đại quá nhiều và các loại bánh dân gian thủ công không còn được lưu truyền nhiều nữa, nên mong muốn nghề của mình có thể truyền lại cho con cháu về sau. Tới nay tôi đang làm các loại bánh chưng, bánh tét, bánh gai, bánh tro, bánh tẻ và các loại bánh từ nếp”.
Kể về các công đoạn làm bánh, đôi mắt chị Thúy ánh lên lấp lánh: “Các loại bánh hiện tại tôi đang làm đa phần là nguyên liệu đều phải mua hết. Có những cái tự làm, ví dụ như là cái lạt gói bánh phải đặt người ta đi chặt ống lồ ô rồi sau đó phải tự chẻ, phơi rồi mang luộc để cho lạt nó dẻo. Riêng lá dong để gói bánh tro thì mình phải mang đi luộc chơi hết màu xanh của lá và riêng lá đó thì mình không được phép dính dầu mỡ vào. Nếu mà dính dầu mỡ thì bánh tro sẽ không chín. Hiện tại tôi đang gói vào ngày mùng một, rằm hoặc khách đặt thì mình sẽ gói. Do không có tủ mát bảo quản nên tôi cũng không có gói trước bánh. Nồi lớn thì tôi nhờ các cháu bưng lên bếp, còn các công đoạn còn lại tôi tự làm được hết!”.Cố gắng là vậy thế nhưng thu nhập từ việc làm bánh nào đâu đủ giúp chị trang trải cuộc sống. Bởi mẻ bánh chỉ đầy nồi vào những ngày rằm, mùng một. Còn lại phải trông chờ vào những lúc khách vãng lai đặt hàng. Vậy là khi ngớt việc, chị lại tranh thủ nhận thêm thêu tranh chữ thập những mong có thể mua thêm được cho con cháu cây bút, quyển vở.
Chị trăn trở: “Đến thời điểm này đều trăn trở lớn nhất của mình về con và các cháu là về mặt tình cảm là hạnh phúc gia đình không được đầy đủ còn về vật chất thì thiếu thốn đủ thứ. Mình rất bất lực khi mình không đủ sức, không đủ kinh tế nên hỏi các cháu đầy đủ như thế. Sức khỏe của tôi hiện tại thì cái chân lúc nào cũng tê nhức, đau ở bên trong xương. 24 giờ thì không có giây phút nào là mình không đau cả, nhưng chưa bao giờ mình than thở. Và thuốc thì tôi cũng không mua nữa, vì còn phải lo cho con, lo cho cháu nên mình không dám nghĩ đến điều đó. Nhiều khi tôi cũng lo sợ đến một ngày nào đó mình không đủ sức khỏe để làm nghề bánh hoặc làm những nghề khác để mưu sinh. Nhiều đêm cũng trăn trở, suy nghĩ, tủi thân, khóc cả đêm nhưng đến sáng hôm sau vẫn phải thức dậy, vẫn phải làm việc tiếp để lo cuộc sống hằng ngày. Vẫn cảm thấy là cảm ơn cuộc sống là mình đã qua được một đêm và ngày mới đến để mình có thể tiếp tục lo cho con và các cháu!”.
Vậy là bếp than hồng thơm mùi nếp, mùi lá dong vẫn rực cháy đều đặn giữa cao nguyên se sắt.
Thương cho nghị lực vượt khó của người mẹ đơn thân, sân khấu tại phủ Thần Tài lại một lần nữa sáng đèn. Kính mời quý khán giả đón xem chương trình Thần Tài gõ cửa kỳ 791, phát sóng lúc 19h10, Chủ Nhật ngày 20/7/2025, trên kênh THVL1.
Chương trình do Báo và phát thanh, truyền hình Vĩnh Long thực hiện.
Nguồn: https://baovinhlong.com.vn/van-hoa-giai-tri/202507/than-tai-go-cua-ky-791-mui-nep-thom-ben-bep-than-hong-d62207b/
Bình luận (0)