Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thanh niên TTXVN giao lưu với đoàn làm phim "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối"

Trong những ngày tháng cả nước đang hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bộ phim là cơ hội để mỗi thanh niên thêm trân trọng lịch sử hào hùng của dân tộc.

VietnamPlusVietnamPlus21/04/2025

Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam - Thống nhất đất nước, chiều nay, 21/4, Liên Chi đoàn Thông tấn xã Việt Nam đã tổ chức Chương trình giao lưu với Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tô Văn Đực (người được mệnh danh là “Anh hùng mìn gạt” vì những sáng kiến chế tạo mìn tiêu diệt xe tăng địch năm xưa ở Vùng đất thép Củ Chi), cùng với đại diện đoàn làm phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” - ngay sau khi vừa xem xong bộ phim điện ảnh lịch sử chiến tranh đặc biệt này.

Nhắc nhớ về lịch sử và trách nhiệm với ngòi bút

Sau 3 tuần khởi chiếu “Địa đạo: Mặt trời ​trong bóng tối” - phim chiến tranh cách mạng đầu tiên của Việt Nam được sản xuất hoàn toàn bằng nguồn vốn xã hội hóa, không sử dụng ngân sách nhà nước, đã gây ấn tượng mạnh mẽ với công chúng, đặc biệt là với thế hệ trẻ, bởi hiện thực chiến tranh chân thực và tính nhân văn sâu sắc.

Chia sẻ ngay sau khi vừa xem xong bộ phim, Phó Bí thư chuyên trách Đoàn thanh niên Thông tấn xã Việt Nam Cao Chử Diệu Linh, cho hay “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” là một tác phẩm tái hiện sinh động, chân thực và đầy xúc động về cuộc chiến đấu kiên cường của quân và dân ta tại địa đạo Củ Chi.

Và để câu chuyện về quá khứ không chỉ nằm lại trong những con số hay dòng tư liệu, mà tiếp tục được kể bằng cảm xúc qua những ký ức sống động và góc nhìn của chính những người trong cuộc, Liên Chi đoàn Thông tấn xã Việt Nam (bao gồm các Chi đoàn Trung tâm Thông tin tư liệu & Đồ họa và Ban Thư ký biên tập & Quan hệ đối ngoại, Báo Điện tử VietnamPlus, Ban Biên tập tin Thế giới, Văn phòng Thông tấn xã Việt Nam, Trung tâm Hợp tác quốc tế Thông tấn, Trung tâm Kỹ thuật Thông tấn) đã liên hệ và có buổi giao lưu đặc biệt với Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tô Văn Đực cùng với đoàn làm phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối.”

vnp-bo-phim-dia-dao.png
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tô Văn Đực chia sẻ tại chương trình giao lưu. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

“Trong những ngày tháng cả nước đang hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bộ phim không chỉ là một tác phẩm điện ảnh, mà còn là cơ hội để mỗi thanh niên, đặc biệt là những người làm báo Thông tấn chúng tôi thêm trân trọng quá khứ hào hùng của các thế hệ cha anh,” Linh nhấn mạnh.

Hơn 260 cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên TTXVN đã hy sinh trên mặt trận thông tin. Đó không chỉ là con số lịch sử, đó còn là một phần lịch sử đã được khắc sâu vào truyền thống dấn thân và phụng sự Tổ quốc của những người làm báo Thông tấn.

“Hôm nay, những câu chuyện trong phim Địa đạo và từ các vị khách mời không chỉ giúp chúng tôi hình dung về một thời khói lửa, mà còn là lời nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay rằng được sống trong hòa bình là món quà thiêng liêng, mà trách nhiệm giữ gìn, phát huy truyền thống ấy đang đặt vào chính chúng tôi - những người đang cầm bút trong thời bình,” Linh chia sẻ thêm.

Góp phần lan tỏa lịch sử cách mạng hào hùng

Chia sẻ trong chương trình giao lưu, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tô Văn Đực, cho biết bộ phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” dù mới chỉ khắc họa được một phần “lát cắt” câu chuyện thực tế hào hùng cũng như một phần hình ảnh của lịch sử, song đã thể hiện được tinh thần chiến đấu chống Mỹ của người dân Củ Chi.

“Sau khi xem lại bộ phim về cuộc chiến đấu của mình và đồng đội, tôi rất xúc động, bởi những ký của một thời đạn bom vẫn luôn thường trực trong tâm trí tôi,” ông Đực nói.

vnp-dao-dien-phim-dia-dao.png
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên - “cha đẻ” của phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Nói về hoạt cảnh nhân vật Tư Đạp (nguyên mẫu từ chính ông Đực) được khắc họa là một chiến sĩ công binh mưu trí, chuyên gỡ bom, chế tạo vũ khí hỗ trợ đội du kích trong bộ phim, do diễn viên Quang Tuấn thủ vai, ông Đực cho biết phần này diễn viên thể hiện rất đạt. Thế nhưng, theo ông, đó cũng mới chỉ phản ánh được một phần công việc của ông ở ngoài đời thực năm xưa.

Là “cha đẻ” của “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối,” Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho biết để đưa được “vùng đất lửa” - “địa đạo thép” Củ Chi tới với công chúng, ông đã dành tới 11 năm ròng rã để thực hiện bộ phim điện ảnh lịch sử chiến tranh này, từ khi nung nấu ý tưởng năm 2014 đến khi phim ra mắt khán giả đầu tháng Tư vừa qua.

Phim hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam - Thống nhất đất nước, cũng là “cơ hội” để công chúng trong nước và thế giới hiểu hơn về lịch sử chiến tranh cách mạng, chiến tranh du kích của người dân vùng đất thép Củ Chi.

“Phải nói đây là bộ phim chiến tranh rất khó thực hiện, chưa từng làm ở Củ Chi. Lý do là câu chuyện này diễn ra dưới lòng đất, mọi thứ dưới địa đạo tối mịt, không có ánh sáng, nên rất khó thực hiện các cảnh quay. Trong điện ảnh nếu không có ánh sáng thì coi như không có phim. Cái khó thứ hai là không gian của các lối vào địa đạo rất hẹp, nên đoàn làm phim với gần 300 con người với rất nhiều bộ phận khác nhau, không thể đi vào địa đạo cùng lúc được. Đây thực sự là những điều rất thách thức. Vì vậy, mọi phân đoạn, cảnh quay đều phải chia nhỏ để tạo dựng làm sao chân thực nhất, nên tốn rất nhiều thời gian,” Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nhớ lại.

Một điều đặc biệt khác là, để làm nên bộ phim chiến tranh - thể loại xưa nay thường do Nhà nước đầu tư, doanh nhân Nguyễn Thành Nam, một trong những nhà sáng lập FPT, đã “rót vốn” hơn 50 tỷ đồng cho dự án “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối.”

vnp-dia-dao-cu-chi.png
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ với các đoàn viên thanh niên về quá trình làm phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối.” (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Chia sẻ về lý do bản thân đã chi số tiền lớn cho dự án phim này, cựu CEO FPT, cho biết những năm 2000, qua nhiều chuyến đi ra nước ngoài như Mỹ, rất nhiều người dường như không biết tới Việt Nam, nên ông luôn ấp ủ phải làm gì đó để quảng bá được hình ảnh đặc biệt là lịch sử cách mạng hào hùng của đất nước.

Thứ hai là bản thân câu chuyện về vùng đất thép Củ Chi “đã rất đặc biệt và truyền cảm hứng mạnh mẽ.” Vì vậy, khi nghe Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ về ý tưởng, cựu CEO FPT đã quyết định “rót vốn” để chia sẻ lại câu chuyện lịch sử hào hùng về chiến tranh cách mạng, chiến tranh du kích của Việt Nam, đặc biệt là tính nhân văn mà người dân Việt Nam, người dân Củ Chi ngay cả trong thời đạn bom.

Với ý nghĩa đó, những người làm nên phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” đã gửi đi thông điệp, cũng là lời nhắn nhủ với thế hệ trẻ rằng muốn thành công trong tương lai thì cần phải học từ quá khứ, bởi đây là điều mà nhiều người trẻ đang dần lãng quên, thậm chí là để “thất truyền” - đánh mất giá trị của lịch sử.

Vì vậy, thông qua bộ phim được phản ánh chân thực, những người làm nên bộ phim điện ảnh lịch sử chiến tranh đặc biệt về vùng đất thép Củ Chi, hy vọng các bạn trẻ sẽ lan tỏa ý nghĩa của bộ phim, cũng như giá trị chân thực của lịch sử cách mạng tới sâu rộng hơn với công chúng, để mỗi người sẽ trở thành đại sứ của lịch sử./.

(Vietnam+)

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/thanh-nien-ttxvn-giao-luu-voi-doan-lam-phim-dia-dao-mat-troi-trong-bong-toi-post1034145.vnp


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm