Tinh thần tự học: Nét đẹp Việt ra thế giới
Trong 379 ngày công tác tại Cộng hòa Trung Phi, nữ sĩ quan Vũ Nhật Hương (Trợ lý phòng Hợp tác Quốc tế, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam) luôn nỗ lực học tập và rèn luyện theo lời Bác. Ban đầu, chị được phân công nhiệm vụ sĩ quan truyền thông. Thế nhưng khi được điều động tham gia đội rà phá bom mìn cùng lực lượng Indonesia, chị vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ, không chút do dự.
"Trong đội hình chỉ có một mình tôi là nữ, khi được hỏi rằng có sẵn sàng nhận nhiệm vụ này không, lúc đầu tôi cảm thấy hoang mang. Tôi nghĩ mình là nữ và đi cùng một đội quân nước ngoài thì liệu có làm tốt nhiệm vụ được không?... Công việc ban đầu của tôi chỉ là sĩ quan truyền thông phụ trách chụp ảnh và đưa tin. Nhưng trong tích tắc, tôi nghĩ khi đến đây thì phải nhận nhiệm vụ và đã là một sĩ quan của Quân đội Nhân dân Việt Nam thì không được nản chí, chùn bước trước bất kỳ nhiệm vụ nào. Và tôi đã đồng ý", chị Nhật Hương kể về những nhiệm vụ đầy rẫy khó khăn, thử thách.

Sau khi trở về, hình ảnh chị chụp được chọn là hình ảnh tiêu biểu của tuần, của Quý được đăng trên tạp chí của lực lượng quân sự và nhận được lời khen ngợi từ lãnh đạo và được động viên hãy thử sức viết báo. Dù có bối rối, hoang mang, nhưng sĩ quan Nhật Hương đã nhận lời. Những ngày sau đó, chị tìm tòi, học hỏi từ những người bạn xung quanh để hoàn thành tốt bài viết của mình…
Tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, chứng kiến một vị khách quốc tế rưng rưng nước mắt trước những bức ảnh về hậu quả chất độc da cam, chị Nhật Hương lặng người. Hình ảnh ấy theo chị mãi không nguôi. Nữ sĩ quan tự nhủ: “Được sinh ra trong hòa bình là điều thiêng liêng. Chúng tôi luôn tâm niệm: Hòa bình là sứ mệnh, là nhân ái, là trái tim. Vì màu cờ sắc áo, vì hai tiếng Việt Nam, chúng tôi không ngừng học hỏi, nỗ lực hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.”

Bắt đầu sang Pháp du học, vốn tiếng Pháp bằng không, nhưng với khát vọng lớn lao, PGS. TS. Trần Lê Hưng (Giảng viên Đại học Gustave Eiffel, Cộng hòa Pháp, đại diện xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ) đã tự học, tự rèn luyện mỗi ngày. “Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, còn con sẽ đi tìm con đường cho chính mình”, anh từng chia sẻ với mẹ. Lời dạy, tư tưởng, phong cách của Bác đã trở thành kim chỉ nam cho hành trình vượt mọi rào cản ngôn ngữ, văn hóa, để đưa trí tuệ Việt vươn xa.
“Khi đến Pháp, tôi có vinh dự được gặp những học giả quốc tế đã dành nhiều năm nghiên cứu về Bác Hồ, xuất bản sách viết bằng tiếng Pháp. Những điều ấy khiến tôi càng tự hào về hai tiếng ‘Việt Nam’ mỗi khi xuất hiện trên trường quốc tế.
Năm ngoái, tôi có vinh dự được tham dự chương trình thực hiện 55 năm di chúc của Người, hiện tại nhớ lại tôi vẫn không kiềm chế nổi niềm xúc động. Là thế hệ thanh niên được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, chúng tôi ý thức được trách nhiệm của bản thân mình. Chúng tôi mang khát vọng đưa đất nước Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu, bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc thông qua khoa học và công nghệ”, PGS.TS Trần Lê Hưng chia sẻ.
Tự học không chỉ là nỗ lực cá nhân, mà còn là trách nhiệm, là cách người trẻ hôm nay lan tỏa hình ảnh đất nước từ chiến trường châu Phi tới giảng đường châu Âu bằng ý chí, tri thức và trái tim Việt Nam.
Dám thử thách, “không sợ sai”
Ngay từ những ngày đầu đặt chân vào con đường nghệ thuật, ca sĩ Phương Mỹ Chi (Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2024, Công dân trẻ tiêu biểu thành phố Hồ Chí Minh) đã chọn gắn bó với âm nhạc truyền thống dân tộc, thay vì chạy theo xu hướng thị trường. Cũng bởi lựa chọn khác biệt ấy, hành trình theo đuổi đam mê âm nhạc của cô không tránh khỏi những lần chông chênh, nhất là khi thử sức với các chất liệu âm nhạc dân gian đòi hỏi chiều sâu và sự thấu cảm.
“Khi thực hiện album ‘Vũ trụ cò bay’ tôi buộc mình phải học rất nhiều, vì album này là lấy ý tưởng từ văn học Việt Nam. Ban đầu tôi khá căng thẳng sợ sẽ sai sót. Nhưng rồi, tôi biết đến câu chuyện của Bác, rằng đến khi Bác được đăng những bài báo của Pháp, Bác cũng khiêm tốn nói rằng rất mong được tòa soạn tiếp tục sửa lỗi chính tả để có thể học hỏi thêm. Đó là tinh thần để mỗi người trẻ như tôi có thể cảm thấy rằng sai sót không phải là điều gì đó quá đáng sợ. Từ những sai sót đó chúng ta sẽ học hỏi được thêm nhiều điều và phát triển hơn", ca sĩ Phương Mỹ Chi bày tỏ.

Hiện tại, nữ ca sĩ gen Z cảm thấy hạnh phúc khi những “đứa con tinh thần” của mình được khán giả, đặc biệt là thế hệ trẻ, yêu mến và lan tỏa mạnh mẽ: “Tôi thấm thía lời dạy của Bác rằng văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, và người nghệ sĩ là chiến sĩ. Tôi mong rằng không những năm nay mà nhiều năm sau nữa, đây vẫn là một mặt trận để tôi có thể cống hiến trên con đường âm nhạc. Không chỉ là để khán giả Việt Nam thêm yêu bản sắc, văn hóa, âm nhạc của dân tộc mà còn lan tỏa đến khán giả quốc tế”, ca sĩ Phương Mỹ Chi nói.
“Dám thử thách, không sợ sai”, đó không chỉ là tinh thần nghệ thuật mà nữ ca sĩ Phương Mỹ Chi đang theo đuổi, mà còn là thông điệp tích cực cô gửi đến thế hệ trẻ. Ở tuổi đời còn rất trẻ, nữ ca sĩ đã chọn cho mình con đường nhiều thử thách, nhưng cũng đầy giá trị, kiên định với bản sắc và không ngừng học hỏi để vươn xa. Với Phương Mỹ Chi, mỗi bước đi, mỗi nỗ lực đều là cách để gìn giữ và làm mới âm nhạc truyền thống, lan tỏa tinh thần yêu nước và khát vọng cống hiến qua từng giai điệu.
Vượt lên chính mình
Khi vừa sinh ra, hai tay bị co rút, không thể duỗi thẳng, khiến chàng sinh viên Sư phạm tiếng Anh Chương Đình Phúc (Gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu tham gia chương trình “Tỏa sáng Nghị lực Việt” trẻ năm 2024) luôn tự ti, mặc cảm sâu trong lòng. Những năm tháng thơ ấu còn chồng chất thêm nỗi buồn khi lên 10 tuổi, cha mẹ chia tay, Đình Phúc càng sống khép kín, lặng lẽ, tự xây cho mình một vỏ bọc để giấu đi những tổn thương.
Cứ ngỡ cuộc đời chỉ toàn những gam màu tối, nhưng trong một lần tìm đọc những cuốn sách trong thư viện, Đình Phúc đã đọc được những dòng chữ của Hồ Chủ tịch để lại: Học để làm người... học để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân… Trở về nhà, anh không ngừng suy ngẫm và bắt đầu tò mò, muốn tìm hiểu sâu hơn về Bác Hồ qua những trang sách, báo… Cũng chính những giây phút đó, ánh sáng đầu tiên trong cuộc đời anh bắt đầu le lói, Đình Phúc nhận ra những giá trị riêng ở bản thân và quyết tâm học tập, “không khuất phục” trước nghịch cảnh.

Lời Bác dạy trở thành ngọn đuốc soi đường, giúp Đình Phúc nhìn thấy giá trị của chính mình, anh quyết định theo đuổi ngành Sư phạm tiếng Anh, mong muốn trở thành một người thầy đứng trên bục giảng để truyền thụ tri thức cho các em nhỏ.
“Tôi thấm nhuần tư tưởng ‘không ngại khó, ngại khổ’ và ‘tự học suốt đời’ của Hồ Chí Minh. Tôi nghĩ hai điều này luôn song hành, không thể tách rời. Dù tôi có khác biệt về ngoại hình, nhưng nếu tôi không ngừng học tập, rèn luyện kỹ năng, tôi tin mình có thể trở thành một giáo viên, một phiên bản tốt hơn của chính mình trong tương lai.
Hiện tại, tôi cảm thấy biết ơn và may mắn khi là một trong những đại biểu được vinh danh tại Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2025. Tôi tin rằng giải thưởng này không chỉ đại diện cho sự nỗ lực của cá nhân tôi với vai trò là đại biểu đến từ tỉnh Đắk Lắk, mà còn sự giúp đỡ, đồng hành của tất cả những thanh niên tình nguyện, thanh niên xung kích đã, đang và sẽ tiếp tục cống hiến cho tỉnh nhà”, Đình Phúc chia sẻ với đầy sự biết ơn.

Chàng trai gen Z cũng hào hứng chia sẻ với phóng viên về dự án tình nguyện Hè yêu thương “Nắng” và chương trình “Tiếp sức mùa thi” anh giữ vai trò truyền thông, nỗ lực lan tỏa trên các trang mạng xã hội, tại các trường học… Dù tay thao tác máy tính còn nhiều khó khăn, nhưng không nản lòng, Đình Phúc kiên nhẫn, tỉ mỉ, lên ý tưởng, thiết kế những poster, logo, khẩu hiệu, thông điệp tuyên truyền…
Với vai trò là Uỷ viên Ban chấp hành Đoàn khoa Ngoại ngữ Trường Đại học Tây Nguyên, chàng thanh niên trẻ cũng luôn nỗ lực lan tỏa nguồn năng lượng tích cực; luôn đồng hành, thúc đẩy việc tự học và học tập suốt đời trong mỗi đoàn viên. Còn với vai trò là một sinh viên Sư phạm, bên cạnh nâng cao những kỹ năng chuyên môn, tự học, tự tìm tòi, nghiên cứu để nâng cao tri thức... anh Đình Phúc không ngừng vận dụng công nghệ số, AI trong học tập, xây dựng phương pháp giảng dạy; đặc biệt suy nghĩ tích cực, ‘không đầu hàng’ trước thử thách của cuộc đời.

“Đã có lúc, tôi cảm thấy chông chênh, mất định hướng, không biết phải làm thế nào.... Nhưng mỗi lần như vậy, tôi lại nhớ đến lý do tại sao mình bắt đầu, nghĩ đến những bài học, câu chuyện về Bác Hồ đáng kính, tôi như được tiếp thêm động lực; rồi thầm nghĩ: Một chút nữa, sắp thành công rồi…”, Đình Phúc trải lòng.
Giữa hàng trăm gương mặt thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác, Đình Phúc vẫn kiên cường bước tiếp như chính cách anh từng lặng lẽ đi qua những năm tháng khó khăn nhất. Chàng thanh niên trẻ hiểu rằng, ánh sáng của nghị lực không nằm ở ngoại hình, mà ở trái tim kiên trì, đôi mắt luôn nhìn về phía trước và tinh thần không ngừng học hỏi để cống hiến.
Biết ơn những người đã ‘ngã xuống’
Sau bốn năm hoạt động, nhóm thiện nguyện Skyline dưới sự dẫn dắt của trưởng nhóm Phùng Quang Trung đã phục dựng miễn phí hơn 6.000 bức ảnh lịch sử, trao tặng cho các gia đình liệt sĩ, các bảo tàng và khu di tích lịch sử. Với họ, mỗi bức ảnh chứa đựng bao tâm huyết, sự tỉ mỉ và cả những trăn trở. Đằng sau đó là những câu chuyện chưa từng kể, nỗi nhớ chưa nguôi và giọt nước mắt của những người đã dành cả cuộc đời đi tìm hình bóng người thân.

Là một người thanh niên được sống trong hòa bình, trưởng nhóm Skyline Phùng Quang Trung luôn biết ơn những thế hệ đi trước và không ngừng học hỏi, rèn luyện mình theo những điều Bác Hồ: Học tập suốt đời và luôn ghi lòng tạc dạ công ơn những người “đã ngã xuống” vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
“Tôi từng xem một phóng sự, trong đó Bác Hồ căn dặn: Chúng ta phải đặc biệt quan tâm đến các gia đình cách mạng, thân nhân liệt sĩ và thường xuyên chăm lo cho họ thông qua các hoạt động đền ơn đáp nghĩa... Nhân dịp kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhóm Skyline chúng tôi phối hợp với Tỉnh đoàn Quảng Ninh để trao tặng 135 bức ảnh Anh hùng liệt sĩ và những phần quà tri ân các thân nhân gia đình liệt sĩ tại Quảng Ninh vào ngày 18/5...

Khi được vinh danh là một trong những thanh niên tiên tiến Làm theo lời Bác năm 2025, với tôi đó là một niềm vinh dự, tự hào to lớn, công việc tôi đang làm được mọi người ghi nhận, đặc biệt hơn giải thưởng này mang theo tư tưởng của Bác, tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Về mặt tinh thần, đây là giải thưởng mang lại ý nghĩa to lớn nhất trong cuộc đời của tôi đến thời điểm hiện tại. Mặc dù, lịch làm việc dày đặc nhưng tôi trân trọng, cố gắng thu xếp để có thể vào TP Hồ Chí Minh, hưởng ứng đại hội và các hoạt động tri ân, tưởng nhớ đến Bác… Tôi rất cảm ơn Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí minh đã quan tâm đến thế hệ thanh niên chúng tôi và tổ chức những chương trình, giải thưởng khích lệ, động viên cho những hành trình của cá nhân, tập thể đang cống hiến cho cộng đồng”, anh Phùng Quang Trung tự hào chia sẻ.
Những bức ảnh lịch sử, nhóm thiện nguyện Skyline phục dựng không chỉ là những kỷ vật quý giá lưu giữ hình ảnh của quá khứ, mà còn là sợi dây kết nối những thế hệ hôm nay với những người đã “ngã xuống” vì Tổ quốc. Công việc thầm lặng nhưng đầy ý nghĩa của anh Phùng Quang Trung cùng các thành viên nhóm chính là cách lớp thanh niên ngày nay tri ân, và giữ gìn những giá trị thiêng liêng đó…
“Tâm, trí, lực” luôn song hành
Được mệnh danh là “Chàng trai Vàng” Olympic Hóa học, Nguyễn Hữu Tiến Hưng (sinh viên Đại học Y Hà Nội, chủ nhân của chiếc Huy chương Vàng kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế năm 2024) luôn nỗ lực học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, noi gương Bác Hồ đáng kính.
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên, cậu sinh viên ngành Y không giấu nổi niềm hạnh phúc khi đang thực hiện ước mơ thời đi học: “Năm lớp 6 và lớp 7, tôi nỗ lực học tốt tiếng Anh để cuối cấp tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Từ lớp 8, tôi ước mơ được làm bác sĩ nên chuyển hướng học môn sinh học thật tốt. Đến năm lớp 9, nhờ sự động viên của chị gái, tôi bắt đầu theo đội tuyển Hóa”, Tiến Hưng kể lại.


Tiến Hưng chia sẻ, từ tư tưởng, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tôi luyện, giúp chàng thanh niên trẻ trở nên tốt hơn mỗi ngày: “Tôi học hỏi được từ Bác tinh thần yêu nước, nguyện hy sinh mình vì dân tộc; sự chăm chỉ, cần cù; sự ham học hỏi; tinh thần rèn luyện sức khỏe. Sinh thời, Bác đã làm rất nhiều nghề, không ngừng trau dồi vốn ngoại ngữ, đặc biệt là nghiên cứu con đường giải phóng dân tộc.
Là một sinh viên, tôi dựa trên nền tảng kiến thức tích lũy từ những năm cấp 2 và cấp 3, luôn nỗ lực nâng cao vốn ngoại ngữ, để tiếp cận với những tài liệu, phương pháp y khoa mới, tiến bộ trên thế giới. Bên cạnh đó, tôi cũng được truyền cảm hứng từ tinh thần hăng hái tập thể dục của Bác. Sau những giờ học căng thẳng, các bài tập thể dục, môn thể thao giúp tôi cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần”.

Hạnh phúc được sống và học tập trong thời bình, dưới bầu trời độc lập, tự do là cảm xúc chung của nhiều đại biểu thanh niên tham dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2025. Chị Nguyễn Kim Hậu (Kiện tướng Quốc gia môn Vovinam năm 2024, học viên cao học tại Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, trong bất kỳ thời đại nào, tri thức luôn giữ vai trò then chốt, quyết định sự vươn lên của mỗi cá nhân, sự thịnh vượng của một xã hội và sức mạnh của cả một dân tộc.
Hành trang trong những chuyến thi đấu của cô gái trẻ luôn có những cuốn sách, cuốn vở…. Tranh thủ thời gian rảnh, Kim Hậu cố gắng học mỗi ngày một chút, để nắm bắt kiến thức trên lớp. Bên cạnh đó, để duy trì động lực, học tập có hiệu quả, cô lập nhóm học tập để cùng chia sẻ tài liệu, bài tập, nhất là vào các kỳ thi.

“Với tôi, tri thức không chỉ đơn thuần là hành trang, mà còn là sức mạnh nội tại, là nền tảng vững chắc để tôi kiến tạo tương lai cho chính mình. Tôi tin rằng, mỗi một cá nhân có tri thức, có khát vọng cống hiến sẽ góp phần tô điểm cho bức tranh Việt Nam thêm tươi đẹp, để dân tộc ta tự tin sánh vai với các cường quốc năm châu trên trường quốc tế…
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, ‘cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư’ luôn là kim chỉ nam để tôi rèn luyện đạo đức. Tôi ý thức được vai trò và trách nhiệm của một người công dân trẻ, tích cực chủ động tham gia các hoạt động tình nguyện, công tác xã hội, lan tỏa những giá trị nhân văn, góp phần xây dựng một môi trường sống văn minh, tốt đẹp, đúng như lời Bác mong muốn về một xã hội: ‘Người với người sống để yêu nhau’”, chị Kim Hậu chia sẻ.

Bên cạnh đó, hành trình trở thành Sinh viên 5 tốt tiêu biểu cấp Trung ương, hay Bằng khen Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2025 của cô gái trẻ cũng luôn gắn liền với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… Theo Kim Hậu, thể chất cũng là một yếu tố quan trọng, là nền tảng để cô gái trẻ thực hiện hóa ước mơ, hoài bão và lý tưởng sống của mình. Bác Hồ từng nói “Dân cường thì nước thịnh”, là một kiện tướng Quốc gia môn Vovinam Kim Hậu càng ý thức sâu sắc hơn việc rèn luyện ý chí, sự kiên trì, tinh thần vượt khó, noi theo tấm gương rèn luyện sức khỏe của Bác.
Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp để mỗi thanh niên Việt Nam nhìn nhận lại bản thân, học tập và làm theo tấm gương vĩ đại của Người một cách thiết thực và hiệu quả hơn nữa. Mỗi thanh niên tin rằng, bằng những hành động nhỏ bé nhưng ý nghĩa, mỗi người trẻ sẽ góp phần xây dựng một Việt Nam ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Cầm tấm bằng khen ghi nhận cho những nỗ lực và đóng góp của bản thân, mỗi thanh niên đều không giấu được niềm vinh dự, tự hào. Song, mỗi người luôn ý thức sâu sắc trách nhiệm của bản thân phải không ngừng học hỏi; rèn tâm, sáng trí, lực cường theo lời Bác dạy, đặc biệt phát huy hơn nữa vai trò tiên phong, đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh.
Những câu chuyện bình dị nhưng đầy cảm hứng của thế hệ thanh niên hôm nay chính là minh chứng sống động cho sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh. Khi thanh niên dám dấn thân, sống có lý tưởng, không ngừng học hỏi và biết cống hiến, đất nước sẽ ngày càng vươn xa. Đó cũng là lời đáp chân thành, sâu sắc nhất thế hệ thanh niên hôm nay gửi đến Bác kính yêu, Người luôn đặt trọn niềm tin vào thế hệ trẻ.
Nguồn: https://baolaocai.vn/thanh-nien-viet-nam-ren-tam-trong-luyen-tri-sang-xay-luc-cuong-noi-guong-bac-ho-post401976.html
Bình luận (0)