Bản sắc văn hóa Đắk Nông - từ ẩn mình đến vươn xa
Trước 30/4/1975, những nét văn hóa đa đạng, đặc sắc của các dân tộc trên cao nguyên M’Nông tồn tại, ẩn mình trong cộng đồng bé nhỏ, lưu truyền theo lối truyền miệng. Sự xuất hiện chỉ thoáng qua như một “sự lạ” trong trang sách của những tên thực dân núp danh nhà thám hiểm, hay mấy dòng minh họa hình ảnh trong một vài quyển dư địa chí nào đó, thậm chí còn mai một, mất dấu.
50 năm sau ngày đất nước thống nhất, từ một địa danh chưa hề có tên trên bản đồ văn hóa, Đắk Nông đã có một diện mạo mới, rực rỡ, tỏa sáng, ghi dấu ấn không chỉ trong nước mà còn trên bản đồ văn hóa thế giới.
Kho tàng sử thi Ót N’rông, niềm tự hào của dân tộc M’nông được sưu tầm, dịch thuật, xuất bản thành 12 tập sách, mỗi tập trên dưới 1.000 trang; được số hóa, lưu trữ âm thanh gốc; có mặt trong hệ thống thư viện và trường học.
Nghệ thuật trình diễn dân gian Nau M’Pring (dân ca) của người M’nông đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thanh âm chiêng M’nông, sử thi Ót N’rông đã vang lên trong nhiều sự kiện văn hóa quốc gia, quốc tế.
Sự kiện các nghệ nhân M’nông trình diễn sử thi, chiêng tại Expo 2020 Dubai (UAE), một sự kiện văn hóa – kinh tế lớn bậc nhất thế giới với hơn 120 quốc gia tham dự, là một điển hình. Dấu mốc ấy là niềm tự hào, “câu chuyện kể mãi”, không chỉ của người M’nông mà còn của cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.
Không chỉ tìm kiếm, bảo tồn, di sản văn hóa của các dân tộc trên địa bàn đã hiện hữu trong đời sống văn hóa nghệ thuật đương đại. Những nét riêng trong văn hóa cồng chiêng dân tộc M’nông, Mạ, Ê đê đã định hình vị trí trong không gian văn hóa Tây Nguyên, góp phần đưa không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trở thành kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại - một trong bảy di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam biểu tượng cho bản sắc dân tộc.
Đàn đá Đắk Ka, Đắk Sơn (bảo vật quốc gia) tồn tại trong bảo tàng và đã trở thành những thanh âm trong cuộc sống của cộng đồng tạo thành “Xứ sở của những âm điệu – Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông”.
Bản sắc văn hóa bản địa hiện hữu trong các công trình nghệ thuật đương đại như: tượng đài Anh hùng N'Trang Lơng và các dân tộc Tây Nguyên; hệ sinh thái văn hóa của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông...
Những giá trị độc đáo, riêng có của văn hóa vùng Nam Tây Nguyên đã đã trở thành chất liệu sáng tác trong nghệ thuật sân khấu biểu diễn, mỹ thuật, ứng dụng trong công nghiệp may mặc, thiết kế thời trang; trở thành chất liệu sáng tạo phong phú cho nhiều nghệ sĩ; nuôi dưỡng, khơi nguồn sáng tạo và thành hình, định danh tên tuổi tầm quốc gia, quốc tế cho không ít văn nghệ sĩ như nhà nghiên cứu văn học, văn hóa dân gian Điểu Kâu, Y Thịnh; NSƯT Võ Cường, NSƯT Mỹ Thanh; nhà văn Bá Canh, Đào Thu Hà; NSNA Ngọc Tâm, Ngô Minh Phương; KTS Nguyễn Quốc Học...
Đường lối đúng – dựng nền xây thành tựu lớn
Những thành tựu mà văn hóa, nghệ thuật Đắk Nông đạt được, không phải ngẫu nhiên mà có, không tự dưng mà thành bởi sự tích lũy thời gian. Đó là thành quả từ các chính sách phát triển văn hóa của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đắk Lắk (cũ), Đắk Nông trong suốt 50 năm qua; là minh chứng sâu sắc nhất cho sự đúng đắn trong đường lối văn hóa, văn học - nghệ thuật của Đảng.
Giai đoạn 1975 - 1986, nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đắk Lắk (cũ) là “truy quét bọn phản động, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ cấp bách, xây dựng và phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, sản xuất lương thực là nhiệm vụ số một, nhưng không vì thế mà lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật thiếu sự quan tâm.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ VII (1977) xác định 1 trong 4 nhiệm vụ lớn là “Xây dựng, cải tạo kinh tế, văn hóa và từng bước cải thiện đời sống nhân dân”. Định hướng trọng tâm là xây dựng nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, khôi phục và phát triển các hoạt động văn hóa, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân. Định hướng này đã tạo nền tảng khôi phục lại những giá trị văn hóa truyền thống, đặt nền móng cho sự phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật ở Đắk Nông trong giai đoạn tiếp theo.
Những quyết sách phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật theo đường lối đổi mới, rõ nét hơn, sát thực tế hơn từ sau ngày Đắk Nông được tái lập (1/1/2004). Ngay trong văn kiện Đại hội IX, Đại hội đầu tiên sau ngày tái lập tỉnh (2005 - 2010), Đảng bộ tỉnh đã định hướng hướng đi “chú trọng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của từng dân tộc trên cơ sở tôn trọng tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán, lễ hội truyền thống lành mạnh, tốt đẹp, xây dựng nền văn hóa đa dạng, phong phú”.
Quan điểm xuyên suốt của Đảng bộ tỉnh Đắk Nông qua các kỳ Đại hội X, XI, XII đối với văn hóa, văn học nghệ thuật là: xác định rõ xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị; văn hóa là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững; thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, gắn với phát triển du lịch, đặc biệt là các di sản văn hóa phi vật thể, di sản địa chất.
Trong điều kiện nguồn lực kinh tế còn rất hạn chế, định hướng của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh qua các thời kỳ đã ban hành các chính sách, kế hoạch phát triển văn hóa có trọng tâm, trọng điểm, nhiệm vụ, giải pháp sát thực, xác định được điểm đột phá cần được ưu tiên đầu tư và phải tập trung thực hiện thành công.
Đó là xác định trọng tâm của nhiệm vụ nâng cao nhận thức, quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa không chỉ cho cán bộ, đảng viên mà phải đến cộng đồng, đến chính những chủ nhân của văn hóa truyền thống, trở thành nhận thức tự thân tác động đến hành động. Nhờ đó, các hoạt động bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống, giá trị di sản đã trở thành hoạt động của chính cộng đồng, thành niềm tự hào và ý thức lưu truyền của chính lớp trẻ, chính quyền chỉ giữ vai trò hỗ trợ, thúc đẩy.
Các chính sách đầu tư cho phát triển văn hóa của HĐND, UBND qua các thời kỳ đều lấy nhiệm vụ trọng tâm là bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng trên địa bàn, như: lễ hội, cồng chiêng, nhạc cụ dân gian, văn hóa thổ cẩm...; định hướng tập trung nguồn lực đầu tư có chọn lọc vào các giá trị đặc trưng, gắn với hệ sinh thái bản địa, để các giá trị văn hóa được đầu tư trở thành nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế, trước hết là kinh tế của người dân.
Kết quả lớn nhất đem lại từ các chính sách đã ban hành, không chỉ là giữ được các giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số, mà ở chỗ các giá trị văn hóa truyền thống được quảng bá và trở thành sinh kế cho chính cộng đồng.
Thành tựu đạt được của văn học, nghệ thuật Đắk Nông hôm nay là minh chứng sống động khẳng định tính đúng đắn trong đường lối văn hóa của Đảng, và chủ trương, chính sách của Đảng bộ, chính quyền tỉnh qua các thời kỳ.
Xây dựng những giá trị văn hóa mới, tạo động lực phát triển Đắk Nông
Những điểm sáng văn hóa Đắk Nông trong 50 năm qua đã góp phần cùng văn học nghệ thuật của đất nước "bền bỉ hun đúc, nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách con người Việt Nam; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời là sợi dây bền chặt cố kết lòng người, hàn gắn những vết thương chiến tranh, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc" như nhận định của Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa.
Phát huy những kết quả đạt được, giữ vững đường lối văn hóa của Đảng, vận dụng sáng tạo, phù hợp, quan tâm đầu tư đúng hướng, phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng, những yếu tố ấy sẽ tiếp tục đưa những giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật ở Đắk Nông lên tầm cao mới, thành nguồn lực nội sinh, góp phần xây dựng những giá trị văn hóa mới, tạo thành động lực phát triển Đắk Nông, phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam.
Nguồn: https://baodaknong.vn/thanh-tuu-van-hoc-nghe-thuat-dak-nong-sau-50-nam-thong-nhat-dat-nuoc-251125.html
Bình luận (0)