Đồng thời, xem xét việc bổ sung ngân sách chi thường xuyên (nguồn viện trợ không hoàn lại nước ngoài) năm 2025; việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024; kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2024.
Phát biểu tại tổ 16, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Đôn Tuấn Phong (đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang) đồng tình với báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế - Tài chính. Mục tiêu 8% của năm 2025 đạt được hay không, ngoài yếu tố ngoại vi (liên quan đến xuất – nhập khẩu), thì yếu tố nội lực của chúng ta rất quan trọng. Nền kinh tế của Việt Nam rất mở (giá trị kim ngạch xuất – nhập khẩu gấp gần 2 lần so GDP), đồng nghĩa với việc rất dễ bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế thế giới.
Do đó, nước ta cần có những biện pháp hết sức quyết liệt, trong thời gian ngắn đạt mục tiêu đề ra. Bên cạnh 3 khâu đột phá chiến lược (thể chế, nhân lực, hạ tầng) được quan tâm khá lớn thời gian qua, đại biểu đề xuất thêm khâu đột phá thứ 4 về khoa học – công nghệ; khơi thông nguồn lực trong dân thông qua kinh tế tư nhân.
Trước đó, tại phiên thảo luận tổ ngày 22/5, đại biểu Đôn Tuấn Phong đề nghị cần có chính sách chống lãng phí, bỏ hoang hóa đất nông nghiệp; đầu tư vượt trội hơn cho lĩnh vực giáo dục, với mức hỗ trợ học phí đảm bảo sự công bằng; chính sách dành cho giáo viên và người làm trong ngành giáo dục để họ yên tâm công tác, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trình Lam Sinh cũng quan tâm đến 2 dự thảo nghị quyết của Quốc hội về giáo dục (phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi; miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân). Trong đó, việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi là rất cần thiết; tập trung chuẩn bị cho thế hệ trẻ được tiếp cận tương lai tốt hơn.
Tuy nhiên, mục tiêu “đến năm 2030 sẽ phổ cập xong” rất khó thực hiện, do phụ thuộc vào biến động dân số, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chương trình dự kiến cần hơn 116.000 tỷ đồng; 20.000 giáo viên tham gia, trong khi nguồn lực hiện tại chưa đáp ứng đủ. Đại biểu đề xuất Ban soạn thảo xác định nguồn kinh phí từ ngân sách; tăng cường huy động nguồn lực xã hội hóa…
GIA KHÁNH
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/thao-luan-nhieu-noi-dung-lien-quan-kinh-te-van-hoa-xa-hoi-a421389.html
Bình luận (0)