Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thầy cô hỗ trợ nhau dạy học: Kéo gần khoảng cách giáo dục giữa các trường

TPO - Giáo viên vùng thuận lợi hỗ trợ giáo viên, học sinh vùng khó không chỉ là việc chia sẻ kiến thức mà còn là hành trình kết nối trái tim đầy nhiệt huyết trong sự nghiệp trồng người.

Báo Tiền PhongBáo Tiền Phong07/05/2025

Cô Nguyễn Đào Kim Anh - giáo viên ở một ngôi trường trung tâm thành phố Hà Nội chia sẻ, trăn trở vì sự thiệt thòi, thiếu thốn của những đứa trẻ vùng cao nên hễ có điều kiện là cô tham gia các chuyến đi từ thiện. Những chuyến đi tặng quà cho học sinh vùng khó ngắn ngủi nhưng cũng đủ để cô thấm thía hơn giá trị của sự cho đi.

Cô Kim Anh đã tình nguyện dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh ở tỉnh Hà Giang từ năm 2022 đến nay. Học sinh vùng khó không có thiết bị như điện thoại, máy tính cá nhân nên cả lớp cùng học qua tivi ở lớp. Đường truyền yếu, giờ học nhiều lúc bị gián đoạn nhưng với sự hỗ trợ của các thầy cô giáo ở trường nên việc học ngoại ngữ mấy năm qua chưa khi nào dừng lại.

“Ban đầu, một số em còn ngại ngùng, nhút nhát không chịu tương tác. Cô giáo lại phải thiết kế giờ học trực tuyến một cách linh hoạt, lồng ghép nhiều hình ảnh thú vị, tổ chức trò chơi tạo không khí vui vẻ, thân thiện trong từng giờ học. Từng học sinh một mạnh dạn tham gia trò chơi, tương tác với giáo viên và dần tự tin hơn. Cô trò dù cách nhau hàng trăm cây số cũng biết mặt, gọi tên thật thân thương, gần gũi”, cô kể.

Thầy cô hỗ trợ nhau dạy học: Kéo gần khoảng cách giáo dục giữa các trường ảnh 1

Giáo viên Hà Nội dạy tiếng Anh trực tuyến miễn phí cho học sinh vùng cao tỉnh Hà Giang.

Cô Kim Anh nói rằng, nhìn thấy sự tiến bộ từng ngày của học sinh, trong lòng cô dâng lên niềm hân hoan khó tả. Cô mong muốn tiếp tục được thực hiện công việc nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa này để giúp học sinh vùng cao đồng thời cũng mong muốn có các hoạt động để học sinh thành phố hiểu, yêu cuộc sống đầy đủ mình đang may mắn có được.

“Giáo viên vùng thuận lợi hỗ trợ giáo viên, học sinh vùng khó không chỉ là việc chia sẻ kiến thức mà còn là hành trình kết nối trái tim đầy nhiệt huyết trong sự nghiệp trồng người. Giáo dục là hành trình của yêu thương, khi mỗi người gieo đi một hạt mầm tử tế sẽ gặt hái quả ngọt bền lâu”, cô tâm niệm.

Sự thay đổi của một ngôi trường

Ông Phùng Ngọc Oanh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ba Vì đã chia sẻ về sự thay đổi của thầy và trò của một ngôi trường cách Thủ đô gần 100 cây số, nơi mà học sinh chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường, Dao, đó là Trường Tiểu học Khánh Thượng. Theo ông Oanh, cách đây không lâu, khi nhắc tới việc triển khai dạy một chuyên đề để đồng nghiệp trong huyện dự giờ không ít thầy cô e ngại, không dám làm còn học sinh thì nhút nhát, rụt rè.

Nhờ sự hỗ trợ, chia sẻ chuyên môn của Phòng GD&ĐT quận Ba Đình, sau một thời gian, thầy trò ở huyện Ba Vì đã có sự thay đổi rõ rệt.

Hơn một năm qua, cô giáo Phạm Ngọc Anh, Trường Tiểu học Kim Đồng, quận Ba Đình đều đặn 2 ngày/tuần vượt trăm cây số trực tiếp đến Trường Tiểu học Khánh Thượng để dạy học, chia sẻ kinh nghiệm đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Nhờ sự kiên trì, bền bỉ đó của cô Ngọc Anh cũng như các thầy cô giáo khác, Trường tiểu học Khánh Thượng đã có học sinh giỏi tiếng Anh cấp huyện, giáo viên giỏi cấp thành phố. Kết quả đó là minh chứng cho sự sẻ chia giữa các thầy cô, nhà trường đã đem lại hiệu quả không ngờ.

Theo ông Oanh, hiện có 106/110 trường của huyện Ba Vì đang thực hiện chương trình kết giao với các trường học ở các quận, huyện khác. Thầy cô giáo các nhà trường đã tổ chức hàng trăm buổi sinh hoạt chuyên môn, tham gia CLB giáo viên tiếng Anh… Tổ chức hàng nghìn giờ ôn tập miễn phí cho học sinh.

Thu hẹp khoảng cách giáo dục

Cô Nguyễn Phương Lan, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi, quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, ngoài nỗ lực thúc đẩy nâng cao chất lượng các giờ dạy học trong nhà trường, đơn vị còn mở rộng giao lưu, đồng hành với các trường vùng khó.

Đó là các đợt giao lưu, chia sẻ với Trường THPT Minh Quang (huyện Ba Vì) và trường THPT Lưu Hoàng (huyện Ứng Hòa), hai ngôi trường có điểm chuẩn đầu vào lớp 10 khá thấp, thậm chí tuyển sinh tràn tuyến. Câu hỏi đặt ra, làm thế nào để trong 3 năm bậc THPT, thầy cô giáo dạy học, hỗ trợ học sinh đạt chất lượng cao đầu ra.

Trường THPT Nguyễn Trãi đã thực hiện các tiết dạy, hoạt động dự giờ, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng phiếu bài tập nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy học môn Tiếng Anh; chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chuyên đề kiểm tra, đánh giá; khai thác và sử dụng các phần mềm hỗ trợ hoạt động dạy học; tặng kinh phí mua và hướng dẫn các thầy cô giáo trường THPT Minh Quang sử dụng phần mềm trộn đề trắc nghiệm.

“Qua hoạt động giao lưu, kết nối đó, chúng tôi cũng đã học được nhiều hơn điều mình chia sẻ: đó là bài học của sự bền bỉ, của lòng tin và niềm tự hào nghề nghiệp từ các thầy cô giáo ở các trường khác. Dù còn nhiều khó khăn thậm chí cả những băn khoăn, lo toan đời thường, nhưng mỗi thầy cô chúng tôi đều hiểu rằng, khi mình nắm lấy tay người khác, chính là lúc mình cũng được tiếp thêm sức mạnh", cô Lan nói.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, 3 năm trước, những người làm công tác quản lý giáo dục Thủ đô vô cùng băn khoăn, trăn trở việc phải giải bài toán thu hẹp khoảng cách giáo dục tại các trường ở ngoại thành và các trường nội thành. Bởi thực tế, giữa các ngôi trường trong cùng một địa phương có sự chênh lệch lớn.

Thầy cô hỗ trợ nhau dạy học: Kéo gần khoảng cách giáo dục giữa các trường ảnh 2

Sở GD&ĐT Hà Nội đã tuyên dương các nhà trường, thầy cô giáo xuất sắc thực hiện phong trào.

Năm 2022, Hà Nội phát động phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng chia sẻ trách nhiệm” nhằm quyết liệt thực hiện các giải pháp để thu hẹp khoảng cách chất lượng giữa các nhà trường, năng lực trình độ giữa các giáo viên.

"Đến nay, sau 3 năm, các nhà trường đã chia sẻ phương pháp dạy học lẫn nhau, tổ chức hơn 2.000 hội thảo, hoạt động chuyên môn với hàng nghìn giờ dạy mẫu; 150.000 lượt giáo viên chia sẻ, học tập lẫn nhau mang lại những kết quả thiết thực trong việc hỗ trợ học sinh, giáo viên vùng khó khăn, tạo điều kiện học tập bình đẳng cho mọi đối tượng học sinh học tập. Chất lượng giáo dục đại trà được nâng cao rõ rệt", ông nói.

Ngoài ra, các nhà trường, thầy cô giáo của Hà Nội cũng phát huy tinh thần hỗ trợ học sinh, trường học vùng khó khăn.

Nguồn: https://tienphong.vn/thay-co-ho-tro-nhau-day-hoc-keo-gan-khoang-cach-giao-duc-giua-cac-truong-post1739857.tpo


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tái hiện trận chiến huyền thoại: Bức tranh Panorama Điện Biên Phủ độc nhất Việt Nam
Cảnh tượng hiếm thấy của rùa biển ở Côn Đảo mùa sinh sản
Chiêm bái 87 bảo vật Phật giáo: Bí ẩn thiêng liêng lần đầu hé mở

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm