Đoàn khách quốc tế tham quan chùa Thiên Mụ |
Tháo gỡ “điểm nghẽn”
Ngày 15/1/2025, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về việc miễn thị thực theo chương trình kích cầu phát triển du lịch trong năm 2025 cho công dân 3 nước: Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa Séc và Liên bang Thụy Sĩ. Thời hạn tạm trú là 45 ngày kể từ ngày nhập cảnh, với mục đích du lịch theo chương trình của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam tổ chức, không phân biệt loại hộ chiếu, trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện nhập cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Mới đây, ngày 7/3/2025, Chính phủ ban hành thêm Nghị quyết số 44/NQ-CP về việc miễn thị thực cho công dân 12 nước, gồm: Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan. Công dân mang hộ chiếu của 12 quốc gia kể trên được phép lưu trú tại Việt Nam 45 ngày tính từ ngày nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh, trên cơ sở đáp ứng các điều kiện nhập cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Chính sách visa từng là một “điểm nghẽn” của du lịch Việt Nam. Trước đây, du khách từ nhiều quốc gia mới chỉ đang được hưởng chế độ miễn thị thực 15 ngày, dẫn đến khó thu hút được khách đi nhiều điểm, lưu trú dài ngày với mức chi tiêu cao. Từ giữa tháng 8/2023, “điểm nghẽn” dần được tháo gỡ khi Quốc hội đồng ý kéo dài thời hạn visa điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần, bên cạnh đó nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn visa. Chính sách visa thông thoáng ngay lập tức tạo ra sức hấp dẫn cho du khách quốc tế, giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc xây dựng các kế hoạch, chiến lược thu hút khách.
Đại diện Hội Lữ hành TP. Huế cho rằng, việc nới lỏng chính sách visa như một “điểm chạm” cảm xúc đầu tiên cho du khách, tạo sức hấp dẫn về điểm đến đối với họ. Xu hướng du lịch, trải nghiệm của du khách thích sự thoải mái, tận hưởng, không tốn nhiều thời gian chờ đợi. Cũng vì thế, việc nới lỏng chính sách visa giải quyết một phần vấn đề trên, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam với các nước trong khu vực.
Theo ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch, Sở Du lịch TP. Huế, chính sách visa thông thoáng là cú hích để du lịch bứt phá. Thực tế, kế hoạch một chuyến du lịch không chỉ dừng lại ở 1-2 điểm đến mà muốn đi nhiều nơi, điều này rất cần thời gian. Khi áp dụng chính sách miễn thị thực với thời gian dài ngày, du khách dễ dàng lên kế hoạch cho lịch trình của mình, các địa phương đều được hưởng lợi. Doanh nghiệp cũng thuận lợi hơn trong việc xây dựng tour, tuyến cho khách.
Thị trường khách truyền thống, tiềm năng của Huế là các nước Tây Âu, Bắc Mỹ, một số nước ở châu Á, trong đó có Hàn Quốc. Do đó, chính sách miễn thị thực cho công dân 15 nước kể trên là cơ hội rất lớn cho du lịch Cố đô có thể tăng trưởng mạnh mẽ về lượng khách quốc tế và khai thác chi tiêu cho du lịch từ họ.
Khách quốc tế check-in ở đầm Lập An |
Cần giải pháp nắm bắt
Chính sách visa được xem là giải pháp chiến lược, song đây không phải là “cây đũa thần”. Nói cách khác, khách sẽ không tự động đến nếu các điểm đến không có giải pháp nắm bắt cơ hội và đề ra các chiến lược phù hợp để thu hút cũng như giữ chân du khách.
Ông Đỗ Ngọc Cơ, Chủ tịch Hội Lữ hành TP. Huế cho rằng, để thu hút khách, sản phẩm vẫn là yếu tố cốt lõi. Dù có nhiều chính sách hấp dẫn, nhưng nếu không có sản phẩm phù hợp, đáp ứng đúng thị hiếu, nhu cầu du khách thì cũng khó mời gọi được họ. Mỗi thị trường có những yêu cầu khác biệt, vì vậy, cần có sự nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện sản phẩm.
Thực tế, với tài nguyên du lịch phong phú, Huế đã có nhiều sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, nếu xét ở mức sản phẩm du lịch đặc sắc, có lẽ ngoài văn hóa di sản, Huế vẫn chưa “chứng minh” được sản phẩm du lịch gây thương nhớ buộc khách phải tìm cách quay trở lại trải nghiệm.
Có lần, gặp một số du khách nước ngoài, qua trao đổi thì họ bảo đã đến Huế lần thứ 3 và đang loay hoay tìm cái mới để tránh sự lặp lại. Bởi nếu cứ dành vài ngày ở Huế như đợt trước thì không còn gì để khám phá. Đây là một phản ánh rất đáng trăn trở. So sánh với nhiều điểm đến khác như ở Thái Lan thì du lịch giải trí, shopping, show diễn… giúp khách ở lâu hơn và có cái mới để trở lại.
Theo một số chuyên gia du lịch, bên cạnh việc tập trung cải thiện chất lượng dịch vụ, mang đến cho du khách các trải nghiệm tốt nhất, cần quan tâm việc nghiên cứu, xây dựng sản phẩm phù hợp. Sản phẩm đó phải có sự khác biệt gắn với đặc trưng của điểm đến. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá.
Nguồn: https://huengaynay.vn/du-lich/them-chinh-sach-mien-thi-thuc-co-hoi-hut-khach-152180.html
Bình luận (0)