Hiện tại thiết bị vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Mục tiêu của công nghệ này là giúp những người không thể nói được có thể lên tiếng trong tương lai.
Nghiên cứu mới nhất mô tả quá trình thử nghiệm thiết bị trên một phụ nữ 47 tuổi bị liệt tứ chi, không thể nói được trong suốt 18 năm qua sau một cơn đột quỵ. Các bác sĩ đã thực hiện ca phẫu thuật cấy ghép thiết bị vào não cô trong khuôn khổ của thử nghiệm lâm sàng.
Gopala Anumanchipalli, đồng tác giả của nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Neuroscience vào ngày 31/3, cho biết: "Công nghệ này biến ý định nói của cô ấy thành những câu nói trôi chảy".
Ảnh minh họa: AI
Thông thường, các giao diện não - máy tính (BCI) dùng cho lời nói có độ trễ nhỏ giữa suy nghĩ và lời nói được tạo ra, điều này có thể làm gián đoạn cuộc trò chuyện và dẫn đến sự hiểu lầm. Nhóm nghiên cứu đã giảm thiểu được sự trễ này, giúp lời nói gần như ngay lập tức được tạo ra từ suy nghĩ.
Jonathan Brumberg, chuyên gia tại Phòng thí nghiệm khoa học thần kinh ứng dụng và ngôn ngữ, Đại học Kansas, nhận xét: "Đây là một bước tiến khá lớn trong lĩnh vực này".
Nhóm nghiên cứu tại California đã ghi lại hoạt động não của người phụ nữ bằng điện cực khi cô ấy nghĩ đến những câu trong đầu. Sau đó, họ sử dụng một máy tổng hợp giọng nói, được tạo ra từ giọng trước khi cô bị thương, để tái tạo âm thanh mà cô sẽ nói. Một mô hình AI đã được huấn luyện để chuyển đổi hoạt động thần kinh thành các đơn vị âm thanh.
Anumanchipalli, từ Đại học California, Berkeley, cho biết công nghệ này hoạt động giống như các hệ thống hiện có dùng để ghi lại cuộc họp hay cuộc gọi điện thoại theo thời gian thực. Thiết bị cấy ghép được đặt trên trung tâm ngôn ngữ của não, giúp lắng nghe các tín hiệu thần kinh và chuyển chúng thành câu nói.
Ông giải thích rằng thiết bị sử dụng phương pháp "truyền phát", trong đó mỗi đoạn lời nói dài 80 mili giây, tương đương nửa âm tiết, được gửi vào máy ghi âm. "Nó không phải chờ đợi câu nói hoàn chỉnh mà nó xử lý ngay lập tức", Anumanchipalli nói.
Brumberg cho biết việc giải mã giọng nói nhanh chóng có khả năng giúp theo kịp tốc độ của giọng nói tự nhiên, và việc sử dụng các mẫu giọng nói sẽ giúp tạo ra lời nói tự nhiên hơn.
Anumanchipalli cho biết công nghệ này cần tiếp tục nghiên cứu trước khi có thể triển khai rộng rãi, nhưng với những khoản đầu tư bền vững, bệnh nhân có thể sẽ tiếp cận được công nghệ này trong thập kỷ tới.
Ngọc Ánh (theo SCMP, Nature Neuroscience)
Nguồn: https://www.congluan.vn/thiet-bi-moi-giup-nguoi-bi-dot-quy-phuc-hoi-kha-nang-giao-tiep-post340963.html
Bình luận (0)