Thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn phường An Bình (cũ) nay là phường Trấn Biên thu hút người dân đến sinh hoạt, luyện tập văn nghệ. Ảnh: L.Na |
Đã có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao… được tổ chức tại các TCVH từ tỉnh đến cơ sở, góp phần khơi dậy tinh thần phấn khởi trong cộng đồng, tạo sinh khí mới, tăng cường sự gắn kết giữa người dân với chính quyền địa phương.
Linh hoạt tổ chức các hoạt động
Ở các xã, phường, TCVH cơ sở giữ vai trò là “cánh tay nối dài” giữa chính quyền và nhân dân. Đây là nơi lan tỏa chủ trương, chính sách và là không gian tổ chức các hoạt động sinh hoạt cộng đồng. Sau khi sáp nhập, các xã, phường có diện tích rộng hơn, dân cư đông hơn, do vậy hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao tại TCVH cơ sở đã và đang được các địa phương tổ chức linh hoạt, phù hợp với điều kiện và đặc điểm dân cư từng khu vực.
Phó chủ tịch UBND xã Đồng Tâm Nguyễn Văn Hải cho biết, sau sáp nhập, địa phương rất quan tâm đến hệ thống TCVH cơ sở phục vụ bà con trên địa bàn xã. Hiện xã có Phòng Văn hóa - xã hội làm đầu mối quản lý nhà nước về văn hóa, được trang bị phương tiện và nhân lực hỗ trợ hoạt động của các TCVH. Ngoài ra, địa phương thành lập Trung tâm Dịch vụ tổng hợp xã Đồng Tâm, phân bổ cán bộ phụ trách từng khu vực dân cư, đảm bảo quản lý, vận hành các hoạt động linh hoạt, xuyên suốt, phù hợp với tình hình thực tế.
Cũng theo ông Hải, xã Đồng Tâm là một trong những địa phương ở Đồng Nai có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Bởi vậy, các TCVH ở ấp, khu phố có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thời gian qua đã được đầu tư, bổ sung trang thiết bị rất nhiều thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia. Các sinh hoạt văn nghệ, phong tục tập quán của bà con vẫn thường xuyên được duy trì tại các thiết chế văn hóa.
Trưởng khu phố Suối Tre (phường Suối Tre cũ, nay là phường Bình Lộc) Nguyễn Văn Thái cho hay, nhà văn hóa khu phố thời gian qua tiếp tục là điểm sáng trong các hoạt động phong trào của địa phương. Không chỉ dừng lại ở chức năng tổ chức các cuộc họp, nơi đây còn là điểm hẹn tinh thần của người dân. Các câu lạc bộ dưỡng sinh, cờ vua, văn nghệ, khiêu vũ… vẫn hoạt động đều đặn, thậm chí sôi nổi hơn trước vì có thêm sự giao lưu giữa các ấp, khu phố.
Nhiều TCVH trên địa bàn tỉnh đã kết nối các tổ chức đoàn thể, trường học… vào cùng một guồng hoạt động. Tại xã Hưng Thịnh, ngay từ đầu tháng 7-2025, đã tích cực phối hợp với Trung tâm Văn hóa - điện ảnh Đồng Nai tổ chức các chương trình văn nghệ lưu động, hướng dẫn hoạt động nghiệp vụ hè năm 2025 gắn với sinh hoạt cộng đồng tại TCVH cơ sở, tạo hiệu ứng lan tỏa. Đặc biệt, trong tối 18-7, các đơn vị, địa phương phối hợp tổ chức Chương trình văn nghệ Công an nhân dân - đẹp mãi trang sử vàng kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Công an nhân dân và 20 năm Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc...
Ngoài các TCVH cấp xã, phường, Đồng Nai còn có hệ thống TCVH cấp tỉnh như: Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai, Thư viện Đồng Nai, Bảo tàng Đồng Nai, Trung tâm Văn hóa - điện ảnh Đồng Nai, Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao Đồng Nai... Các TCVH này đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao có quy mô lớn, phục vụ nhiệm vụ chính trị và nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân toàn tỉnh.
Khảo sát, đánh giá lại thực trạng thiết chế văn hóa
Theo bà Lê Thị Ngọc Loan, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch, sau sáp nhập, Đồng Nai có địa bàn rộng, dân cư đông, do vậy sở đã chủ động nghiên cứu và rà soát lại hệ thống TCVH trên địa bàn toàn tỉnh, tiến hành khảo sát, đánh giá lại thực trạng hoạt động của các thiết chế cũng như sắp xếp lại bộ máy hoạt động TCVH phù hợp với tình hình mới; đồng thời, phân bổ hợp lý các thiết chế theo địa bàn.
Từ khảo sát, đánh giá, sở sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị tại các TCVH, đảm bảo chất lượng phục vụ các tầng lớp nhân dân. Trong đó, ưu tiên đầu tư xây dựng, tổ chức hoạt động các TCVH cơ sở ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, biên giới, góp phần thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các khu vực.
“Ngành văn hóa xác định rõ người dân đóng vai trò là chủ thể văn hóa trong việc xây dựng và tham gia tổ chức hoạt động tại các TCVH cơ sở. Ngành khuyến khích việc thành lập cũng như tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ sự phát triển của các TCVH ngoài công lập, nhằm đa dạng hóa nguồn lực và mở rộng không gian hưởng thụ văn hóa trong cộng đồng” - bà Loan nhấn mạnh.
Những chuyển động tích cực từ cơ sở cho thấy sự chủ động, linh hoạt của các địa phương trong việc tổ chức hoạt động tại TCVH, gắn kết cộng đồng. Đặc biệt, việc xây dựng và phát triển TCVH cơ sở ở Đồng Nai gắn chặt với Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, tạo nền tảng tinh thần vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Khắc phục khó khăn, phát huy hiệu quả của TCVH đang trở thành động lực quan trọng, góp phần xây dựng đời sống văn hóa mới trên vùng đất Đồng Nai.
Ly Na
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202507/thiet-che-van-hoa-o-dong-nai-khi-co-chinh-quyen-dia-phuong-2-cap-cf5387a/
Bình luận (0)