Về câu hỏi của bạn, xin thông tin như sau: Việc thành lập và triển khai mô hình CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi" trong trường học và cộng đồng sẽ tạo ra một một cách làm mới ở nhà trường và cộng đồng trong lĩnh vực bình đẳng giới, đó là sự tiếp cận tổng thể, lấy trẻ em làm trung tâm, là thế hệ tương lai của quốc gia, cũng như phát huy năng lực trẻ em và giáo viên, cán bộ, cộng đồng trong công tác bình đẳng giới.
Mô hình sẽ thu hút, huy động sự tham gia của học sinh, thanh thiếu niên, thầy cô giáo, cán bộ quản lí cơ sở giáo dục, cha mẹ học sinh, đoàn thanh niên, cơ quan báo chí và cộng đồng để góp phần đem đến sự thay đổi tích cực trong thái độ, hành vi của cá nhân có liên quan và xây dựng môi trường không phân biệt đối xử về giới ở trường học, từ đó lan tỏa ra cộng đồng góp phần tạo môi trường xã hội bình đẳng, xóa bỏ bạo lực với trẻ em và phụ nữ, tiến tới chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.
Lấy trẻ em làm trung tâm
Trẻ em nam và nữ được lấy làm trung tâm trong tất cả các can thiệp của mô hình CLB. Thứ nhất, mục tiêu của mô hình là xuất phát từ việc trẻ em được bảo vệ an toàn trước bạo lực trên cơ sở giới cho cả nữ và nam. Thứ hai, sự tham gia tích cực và chủ động của trẻ em sẽ được thúc đẩy từ các thành viên CLB, hỗ trợ các em đưa ra các sáng kiến truyền thông, huy động sự tham gia của các bạn vào các các hoạt động trong trường và ngoài trường liên quan đến Bình đẳng giới.
Kỳ vọng CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi" thể hiện ngay từ chính tên gọi, là giải pháp mang tính lâu dài, giúp thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ người DTTS ngay từ khi trên ghế nhà trường. Các em sẽ tiếp tục là lực lượng xung kích khi quay về với thôn bản, làng xã, giúp cho cộng đồng của chính mình dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu để cùng nhau vươn lên phát triển.
CLB giúp trang bị kiến thức, kỹ năng giúp trẻ em tự bảo vệ mình và giải quyết được những vấn đề liên quan đến bản thân. Thúc đẩy sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ, thu hút trẻ em tiên phong thay đổi bản thân mình, lên tiếng và truyền thông về quyền và bổn phận của trẻ. Các bạn sẽ có nhận thức sâu sắc, đúng đắn, rõ ràng hơn, được rèn luyện kĩ năng, chủ động, tự tin, tích cực hỗ trợ bạn bè, phê phán hiện tượng sai trái trong hoạt động trong học tập, rèn luyện ở trong và ngoài nhà trường liên quan đến các vấn đề bình đẳng giới.
Khi vận hành CLB, trẻ chủ động, sáng tạo trong truyền thông về bình đẳng giới, phòng chống và ứng phó với các hành vi bạo lực giới trong nhà trường. Số vụ việc mâu thuẫn, xung đột, bạo lực, có vướng mắc về tâm lí sẽ được báo cáo nhiều hơn và được giải quyết kịp thời hơn từ đó tăng hiệu quả công tác phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.
Trẻ em là cầu nối giữa các thành viên nhà trường, giữa nhà trường với cha mẹ học sinh và các tổ chức đoàn thể có liên quan trong cộng đồng để thúc đẩy bình đẳng giới và ứng phó với Bạo lực trên cơ sở giới.
Nâng cao năng lực và tạo sự thay đổi chủ động từ giáo viên nhà trường và cán bộ địa phương
Ảnh minh họa: ST
Cán bộ quản lý, giáo viên, cán bộ đoàn thể và đặc biệt là giáo viên là dẫn trình viên (DTV) của trường học hoặc cán bộ Hội Phụ nữ là DTV ở cộng đồng sẽ được nâng cao nhận thức và kiến thức về bình đẳng giới và phòng chống ứng phó với bạo lực giới trong trường học, ngoài cộng đồng thông qua các hoạt động đào tạo hàng năm. Các hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thông qua các buổi sinh hoạt của CLB, giúp giáo viên, cộng đồng áp dụng kiến thức được cung cấp vào công việc hàng ngày và giúp họ thực hiện vai trò gương mẫu trong thực hiện xây dựng trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng để học sinh noi theo. Hỗ trợ thầy cô giáo thực hiện tốt chương trình giáo dục đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới và phòng ngừa các vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em trong trường học …
Thúc đẩy và gắn chặt mối quan hệ Gia đình - Nhà trường và Xã hội
Hoạt động của mô hình CLB huy động được sự tham gia của các bậc cha mẹ thông qua các hoạt động tham vấn, tổ chức các hoạt động câu lạc bộ cho học sinh, hoạt động họp cha mẹ học sinh. Thông qua việc nâng cao nhận thức, cung cấp kỹ năng cho các bậc cha mẹ và chia sẻ những quan tâm, khó khăn của học sinh đến với các bậc cha mẹ, các đơn vị nhà trường sẽ tạo được sự tin tưởng và ủng hộ của cha mẹ học sinh cả về mặt tinh thần và vật chất từ giai đoạn đầu tiên và đảm bảo việc đóng góp để duy trì các hoạt động của mô hình khi thời gian thí điểm kết thúc. Hỗ trợ cho cha mẹ thực hiện tốt chăm sóc, nuôi dạy trẻ, xây dựng môi trường an toàn cho trẻ tại gia đình, đảm bảo sự bình đẳng giữa con trai và con gái, bảo vệ trẻ em và có định hướng nghề nghiệp phù hợp cho các con.
Như vậy, khi thực hiện mô hình, trẻ em là người hưởng lợi chính, đồng thời cán bộ giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh cũng là người được hưởng lợi vì có thêm nhận thức mới và từ đó có hành vi ứng xử phù hợp trong công việc và cuộc sống của mình.
Mục tiêu và các hoạt động của CLB trong trường học cũng như ở cộng đồng sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện, phát huy năng lực và sự tham gia của trẻ em trong các hoạt động giáo dục trong và ngoài trường, làm thay đổi quan điểm, thái độ, hành vi của cha mẹ trong việc hỗ trợ sự phát triển toàn diện của học sinh, đáp ứng đúng với mong muốn của gia đình, của học sinh và phù hợp với mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay.
Việc xây dựng và vận hành CLB giúp các em gái học được các kiến thức, thái độ và kỹ năng dựa trên kinh nghiệm sống của chính các em để tự tin, làm chủ ước mơ và cuộc sống. Các em trai sẽ đi qua hành trình của sự phát triển bản thân, vượt qua các định kiến giới áp đặt lên vai trò của nam giới, thách thức những định kiến giới và những nguyên nhân cốt lõi của kì thị giới. Và trên hết, tất cả các em gái - em trai "Thủ lĩnh thay đổi" sẽ trở thành các thủ lĩnh trong việc thúc đẩy bình đẳng giới trong trường học và cộng đồng của mình.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi" là góp phần trang bị cho trẻ em kỹ năng sống, giúp các em tự tin, có thêm kiến thức để phòng ngừa, ứng phó với bạo lực giới; tích cực tham gia các hoạt động tại nhà trường và cộng đồng để rèn luyện tính chủ động, tự tin ở trẻ, dám lên tiếng trước các hành vi thiếu chuẩn mực...
Từ mỗi buổi sinh hoạt CLB, các em học sinh được khuyến khích, hướng dẫn để trình bày và phát biểu ý kiến riêng của mình. Dần dần hình thành nên thái độ, nhận thức và hành vi ứng xử đúng đắn, giúp ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực, xâm hại trẻ em, định kiến về giới.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/thu-linh-thay-doi-thuc-day-binh-dang-gioi-trong-truong-hoc-va-cong-dong-20250526150722672.htm
Bình luận (0)