Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thúc đẩy thương mại nông, lâm, thủy sản với Trung Quốc

(Chinhphu.vn) - Từ ngày 27 đến 29/5/2025, Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam, do Bộ trưởng Đỗ Đức Duy dẫn đầu thăm và làm việc tại Trung Quốc nhằm tăng cường hợp tác thương mại nông lâm thủy sản giữa hai nước. Chuyến công tác tập trung vào tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu sầu riêng, đảm bảo thông suốt hoạt động xuất nhập khẩu vải thiều mùa vụ 2025 và mở rộng thị trường cho các mặt hàng nông sản chiến lược.

Báo Chính PhủBáo Chính Phủ28/05/2025

Thúc đẩy thương mại nông, lâm, thủy sản với Trung Quốc- Ảnh 1.

Việt Nam và Trung Quốc thống nhất thành lập tổ công tác chung về an toàn thực phẩm và cơ chế họp cấp Bộ trưởng thường niên sẽ tạo kênh đối thoại hiệu quả - Ảnh: Bộ NN&MT

Theo Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đã hội đàm với bà Tôn Mai Quân, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC). Hai bên thống nhất một loạt giải pháp nhằm thúc đẩy thương mại nông sản, bao gồm:

Tháo gỡ vướng mắc xuất khẩu, trong đó tập trung xử lý các vấn đề liên quan đến xuất khẩu sầu riêng và đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu vải thiều năm 2025 diễn ra thông suốt. Trung Quốc cam kết phối hợp chặt chẽ để giải quyết các rào cản kỹ thuật và thủ tục.

Cơ chế thông quan ưu tiên, sẽ thiết lập "luồng xanh nông sản" để ưu tiên thông quan nhanh cho các mặt hàng quả tươi trong mùa vụ cao điểm, đồng thời tăng thời gian làm việc tại cửa khẩu (bao gồm cuối tuần và ngoài giờ hành chính) để đáp ứng nhu cầu tăng cao.

Đẩy nhanh đàm phán Nghị định thư, hai bên giao cấp kỹ thuật hoàn thiện và ký kết các nghị định thư mới, trong đó ưu tiên xuất khẩu thủy sản khai thác, thủy sản tươi sống, bưởi và chanh của Việt Nam. Trung Quốc sẽ cử đoàn công tác kiểm tra thực địa bưởi và chanh để xây dựng dự thảo Nghị định thư.

Cơ chế hợp tác cấp cao sẽ được thiết lập thông qua cơ chế họp luân phiên hàng năm cấp Bộ trưởng giữa Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam và GACC, đồng thời thành lập tổ công tác chung về kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.

Cập nhật và ký mới Nghị định thư, xem xét ký mới các nghị định thư thay thế những văn bản đã hết hạn, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác ngày càng thực chất giữa hai cơ quan. Trong giai đoạn dịch COVID-19, hai bên đã linh hoạt áp dụng đánh giá trực tuyến và ký nghị định thư gián tiếp, giúp mở cửa thị trường cho nhiều mặt hàng như sầu riêng, thanh long, thạch đen và tổ yến. Hiện tại, Việt Nam và Trung Quốc đã ký 28 Thỏa thuận ghi nhớ và Nghị định thư, tạo nền tảng vững chắc cho thương mại song phương.

Thúc đẩy thương mại nông, lâm, thủy sản với Trung Quốc- Ảnh 2.

Chuyến công tác của Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đánh dấu bước tiến quan trọng trong quan hệ hợp tác trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản của Việt Nam – Trung Quốc - Ảnh: Bộ NN&MT

Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam – Trung Quốc năm 2024 đạt 17,8 tỷ USD, tăng 14,6% so với 2023. Trong đó, xuất khẩu đạt 13,5 tỷ USD (tăng 14,3%), nhập khẩu đạt 4,3 tỷ USD (tăng 21%). Bốn tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 5,07 tỷ USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2024, cho thấy tiềm năng tăng trưởng bền vững.


Việt Nam đã xuất khẩu 15 loại rau quả (sầu riêng, thanh long, vải, nhãn, dưa hấu, chanh leo, khoai lang…), tổ yến, cá sấu, khỉ nuôi, bột cá, sữa và thủy sản các loại sang Trung Quốc. Phía Việt Nam cũng đã tháo gỡ toàn bộ vướng mắc cho xuất khẩu cá tầm và thức ăn chó mèo của Trung Quốc, thể hiện tinh thần hợp tác đôi bên cùng có lợi.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, đoàn đã khảo sát Trung tâm phân phối nông sản Tân Phát Địa – đầu mối nhập khẩu và phân phối nông sản lớn nhất Trung Quốc. Đây là cơ hội để Việt Nam tìm hiểu nhu cầu thị trường và kết nối với các nhà phân phối lớn, mở rộng kênh tiêu thụ cho nông sản.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng làm việc với Tập đoàn Cung ứng và Tiếp thị Trung Quốc, một tập đoàn phân phối nông sản quy mô lớn với tổng tài sản gần 200 tỷ nhân dân tệ, 11 công ty con và 32.800 nhân viên. Tập đoàn hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dự trữ lương thực, thương mại bông và phân phối nông sản. Cuộc gặp mở ra triển vọng hợp tác đầu tư trong sản xuất, chế biến và phân phối nông sản giữa doanh nghiệp hai nước.

Chuyến công tác của Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đánh dấu bước tiến quan trọng trong quan hệ hợp tác trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản của Việt Nam – Trung Quốc. Các giải pháp thống nhất tại hội đàm không chỉ giúp tháo gỡ khó khăn trước mắt mà còn đặt nền móng cho hợp tác dài hạn. Việc thiết lập cơ chế "luồng xanh" và tăng thời gian thông quan sẽ giảm áp lực cho các mặt hàng mùa vụ như vải thiều, trong khi các nghị định thư mới sẽ mở rộng cơ hội cho thủy sản và rau quả Việt Nam.

Hơn nữa, việc thành lập tổ công tác chung về ATTP và cơ chế họp cấp Bộ trưởng thường niên sẽ tạo kênh đối thoại hiệu quả, đảm bảo thương mại song phương phát triển bền vững. Các hoạt động khảo sát tại Trung tâm Tân Phát Địa và Tập đoàn Cung ứng và Tiếp thị Trung Quốc là bước đi chiến lược, giúp doanh nghiệp và địa phương Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư và nâng cao giá trị nông sản trên thị trường quốc tế.

Đỗ Hương


Nguồn: https://baochinhphu.vn/thuc-day-thuong-mai-nong-lam-thuy-san-voi-trung-quoc-102250528143446546.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm