Tinh tế từ những điều nhỏ nhất
Người Nhật từ lâu đã cho thấy sự khéo léo và nhất quán trong việc chuyển hóa các giá trị văn hóa thành sản phẩm. Núi Phú Sĩ - một biểu tượng thiêng liêng không chỉ hiện diện trong thi ca, tranh họa hay nhiếp ảnh, điện ảnh mà còn được “chuyển thể” sống động thành hàng trăm sản phẩm lưu niệm, từ cây nến, găng tay, bút ký, móc khóa đến bánh kẹo, sổ tay và ốp điện thoại.
![]() |
Hình ảnh núi Phú Sĩ được chuyển hóa trong những món quà lưu niệm của Nhật Bản. |
Đặc biệt, các thiết kế đều đồng nhất về hình ảnh, màu sắc và tiêu chuẩn thẩm mỹ giúp sản phẩm lưu niệm Nhật Bản có khả năng nhận diện cao và dễ lan tỏa.
![]() |
Thống nhất về hình ảnh và màu sắc góp phần tăng nhận diện về Nhật Bản. |
Trung Quốc cũng xây dựng hệ thống sản phẩm biểu tượng theo hướng tương tự. Chỉ một quả tú cầu nhỏ - biểu tượng thường xuất hiện trong các lễ khai trương, khánh thành đã được kiến tạo thành bộ sản phẩm hoàn chỉnh. Từ mặt nạ Kinh kịch, họa tiết hoa mẫu đơn đến linh vật truyền thống đều được chuẩn hóa trong thiết kế, sử dụng hiệu quả trong hoạt động ngoại giao và các sự kiện quốc tế. Tư duy của họ nhất quán, mỗi món đồ lưu niệm kể một câu chuyện về lịch sử, văn hóa, con người. Đó chính là điểm khởi đầu của một thương hiệu quốc gia.
![]() |
Quả tú cầu là sứ giả truyền tải văn hóa Trung Quốc ra thế giới. |
Việt Nam có nguồn tài nguyên văn hóa phi vật thể phong phú và nền thủ công mỹ nghệ đa dạng vào hàng bậc nhất khu vực. Mỗi làng nghề, mỗi vùng đất đều là kho tài nguyên để phát triển đồ lưu niệm mang dấu ấn văn hóa. Thế nhưng, hiện trạng cho thấy sự manh mún, thiếu liên kết và chiều sâu trong cách làm.
Tại nhiều điểm du lịch, sản phẩm lưu niệm vẫn dừng ở mức phổ thông: Móc khóa in hình danh thắng, tranh thêu công nghiệp hay nón lá mini lặp đi lặp lại, không truyền tải được sắc thái riêng biệt các vùng miền và cũng chưa tạo được ấn tượng sâu sắc về thương hiệu văn hóa Việt Nam.
Câu chuyện của cô giáo Vì Thị Ái ở huyện Tủa Chùa (Điện Biên) là một thí dụ điển hình. Hơn 20 quả pao và dây buộc tóc được chị mang từ hội phụ nữ địa phương xuống Hà Nội. Đây là những sản phẩm thêu tay tỉ mỉ nhưng giá bán chỉ vài chục nghìn đồng. Chị muốn phát triển từ quả pao của người H’Mông thành một biểu tượng hiện đại, đa dạng mẫu mã hơn nhưng không ai hướng dẫn.
Trong khi đó, những quốc gia như Bhutan lại đưa các vật phẩm tương tự như mặt nạ lễ hội, khăn quàng thêu tay thành quà tặng quốc gia, xuất hiện trong các hội chợ quốc tế như đại diện tinh thần của dân tộc.
![]() |
Cô giáo Vì Thị Ái mong muốn đa dạng hóa sản phẩm lưu niệm từ quả pao của người H'Mông. |
Cần chiến lược quốc gia cho đồ lưu niệm
Nếu nhìn một cách chiến lược, lưu niệm là kênh truyền thông văn hóa mạnh mẽ và trực quan. Tại Hàn Quốc, Cơ quan Xúc tiến nội dung sáng tạo (KOCCA) trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc có nhiệm vụ hỗ trợ lên kế hoạch, sản xuất, phân phối, mang tới các thị trường nước ngoài nhiều thể loại nội dung đa dạng như K-Pop, phim truyền hình, game, truyện tranh, phim hoạt hình, nhân vật ảnh hưởng, thời trang… nhằm xúc tiến quảng bá Hallyu (Hàn lưu) và các nội dung văn hóa Hàn Quốc ra thị trường quốc tế.
Mỗi năm, KOCCA đều tổ chức tuyển chọn các sản phẩm văn hóa sáng tạo để đầu tư, chuẩn hóa và đưa vào hệ sinh thái quảng bá quốc gia. Những món đồ như búp bê Hanbok, mặt nạ truyền thống, bộ trà gốm… đều gắn với biểu tượng văn hóa cốt lõi và được khai thác đồng bộ: Từ quà lưu niệm tại bảo tàng, đến quà tặng trong các sự kiện quốc tế.
Không chỉ là sản phẩm, mỗi món đồ còn được truyền thông đi kèm tạo hiệu ứng lan tỏa. Tại Việt Nam, KOCCA cũng đã phối hợp tổ chức nhiều sự kiện giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Sa Pa, Huế, Hà Nội… với các gian hàng trưng bày nhân vật hoạt hình, biểu tượng truyền thống được chuẩn hóa hình ảnh - điều mà sản phẩm lưu niệm Việt Nam vẫn còn thiếu. Mỗi món quà nhỏ là một câu chuyện, và mỗi câu chuyện tạo nên một ấn tượng thương hiệu.
Đã đến lúc Việt Nam cần một chiến lược quốc gia cho đồ lưu niệm. Hiện nay, nỗ lực xây dựng sản phẩm lưu niệm tại Việt Nam vẫn mang tính nhỏ lẻ, thỉnh thoảng tổ chức vài cuộc thi thiết kế quà tặng cấp thành phố, một số gian hàng OCOP địa phương hay các xưởng nhỏ ở Hội An, Sa Pa, Huế… Còn lại, nhiều nơi phóng tác tùy hứng, khiến sản phẩm thiếu đồng nhất, không đọng lại ấn tượng sâu sắc. Các mô hình này tích cực nhưng thiếu tính liên kết, thiếu cơ chế bảo trợ quốc gia để định hướng và phát triển thành thương hiệu văn hóa.
![]() |
Quả pao của người H'Mông hàm chứa nhiều giá trị. |
Để nâng tầm đồ lưu niệm thành thương hiệu quốc gia, cần có sự phối hợp liên ngành giữa văn hóa, du lịch, công thương, ngoại giao và truyền thông trong xây dựng bộ biểu tượng văn hóa đại diện cho từng vùng, từng lĩnh vực. Di tích, ẩm thực, trang phục, tín ngưỡng… đều có thể khai thác làm nền tảng thiết kế để các nhà thiết kế, nghệ nhân, doanh nghiệp phát triển sản phẩm lưu niệm có chiều sâu. Có thể hình thành bộ biểu tượng văn hóa cốt lõi từ di tích (Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Chùa Một Cột, Tháp rùa Hồ Gươm, nhà rông Tây Nguyên…), trang phục (áo dài, khăn piêu…) đến các vật phẩm tín ngưỡng (trống đồng, quả còn, mặt nạ hát bội, con rối…).
![]() |
Cần chiến lược tổng thể để phát triển ngành lưu niệm từ tài nguyên văn hóa quốc gia. |
Bước quan trọng không thể bỏ qua là chuẩn hóa từ quy trình thiết kế, chất liệu, kỹ thuật thủ công cho đến câu chuyện văn hóa đi kèm. Mỗi sản phẩm cần có nhãn mác rõ ràng, mô tả tên gọi, nguồn gốc, ý nghĩa, vùng miền...
Thực tế cho thấy, nhiều sản phẩm quà tặng từ Nhật Bản hay Hàn Quốc, tuy được làm từ những chất liệu đơn giản nhưng lại kể được một câu chuyện ý nghĩa về nguồn gốc nguyên liệu, quá trình chế tác… qua đó nâng tầm giá trị, khiến người nhận trân trọng, nâng niu món quà như một phần di sản văn hóa dân tộc.
Bên cạnh đó, đồ lưu niệm cần có mặt tại những “điểm chạm” văn hóa quốc tế như sân bay, bảo tàng, trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, hội chợ du lịch thế giới, trung tâm ngoại giao… Mạng lưới phân phối và truyền thông chuyên nghiệp sẽ giúp đưa sản phẩm vượt khỏi biên giới địa phương trở thành biểu tượng văn hóa quốc gia.
Trong kỷ nguyên số, công nghệ có thể giúp lan tỏa nhanh nhưng bản sắc tạo nên sự khác biệt. Từ quả pao của người H’Mông đến túi brocade của người Thái hay chiếc "charm" cờ đỏ sao vàng treo trên ba lô của du học sinh… tất cả đều có thể trở thành nền tảng thương hiệu nếu được chăm chút đúng cách. Mỗi món quà nhỏ không đơn thuần là hàng hóa mà là thông điệp văn hóa Việt Nam gửi tới bạn bè quốc tế.
Nguồn: https://nhandan.vn/thuong-hieu-van-hoa-quoc-gia-tu-nhung-mon-do-luu-niem-post882344.html
Bình luận (0)