Chương trình OCOP mang đến cơ hội phát triển thương hiệu sản phẩm chủ lực của quận Liên Chiểu. Ảnh: HUỲNH LÊ |
Tận dụng lợi thế địa phương
Nhờ tham gia chương trình OCOP, các cơ sở sản xuất được hỗ trợ cải tiến quy trình chế biến, xây dựng thương hiệu, thiết kế bao bì và kết nối kênh phân phối hiện đại như siêu thị, sàn thương mại điện tử.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Giám đốc Hợp tác xã Nhiên Tâm (phường Hòa Minh), cơ sở có 3 sản phẩm gồm: Bưởi non giòn nguyên lát nhãn hiệu Ngoon, Trà bưởi non nhãn hiệu Ngoon, Que giòn bưởi non nhãn hiệu Ngoon vừa được thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 4 sao cho biết, trước đây sản phẩm chủ yếu bán cho người tiêu dùng tại địa phương. Sau khi được nâng hạng, lượng khách hàng tăng lên rõ rệt, nhất là qua các kỳ hội chợ, triển lãm xúc tiến thương mại do thành phố, quận tổ chức. Từ cơ sở này, hợp tác xã mạnh dạn đầu tư thêm máy móc, thiết bị để nâng cao năng suất, mở rộng thị trường.
Nhờ thương hiệu OCOP 4 sao, các sản phẩm từ bưởi non của Nhiên Tâm tự tin xuất hiện ở nhiều siêu thị, cửa hàng và đơn vị phân phối khắp Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Lạt, Nha Trang; đồng thời xuất khẩu qua Mỹ, Úc. Theo bà Tâm, việc tham gia OCOP giúp nâng tầm giá trị sản phẩm, tạo động lực để hợp tác xã không ngừng đổi mới. Ngoài lợi ích về kinh tế, chương trình OCOP tạo ra chuỗi giá trị bền vững từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Hợp tác xã Nhiên Tâm hiện liên kết với các hộ nông dân trồng bưởi sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ tại vùng ven Hòa Vang và các địa phương lân cận.
Nhờ đầu ra ổn định, người trồng yên tâm đầu tư canh tác, từ đó nâng cao chất lượng nguyên liệu đầu vào cho sản phẩm chế biến. “Chúng tôi hiểu rằng, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến nguồn gốc, chất lượng sản phẩm và OCOP như một tấm giấy thông hành giúp sản phẩm được tin tưởng, thuận lợi tiếp cận thị trường lớn hơn”, bà Tâm chia sẻ.
Mỗi năm, quận Liên Chiểu tập trung đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP nhằm tìm ra sản phẩm tiềm năng, mang tính đặc trưng. Trên cơ sở này, đã có nhiều sản phẩm được “tiếp sức”, nâng tầm thương hiệu. Mỗi sản phẩm gắn liền với đời sống văn hóa, sinh kế của người dân địa phương. Nhiều cơ sở sản xuất đã chuyển mình từ quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ sang hướng phát triển chuyên nghiệp, có chiến lược dài hạn về chất lượng sản phẩm, mẫu mã và định vị thị trường.
Hướng đi mới cho sản phẩm địa phương
Tham gia livestream “Phiên chợ quê” ngày 7-5 do HTV7 (Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh) phối hợp HaloTimes, Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng tổ chức, các thương hiệu nước mắm Bình Minh; lót giày, dép Hương Quế; bưởi non giòn Ngoon; thanh dinh dưỡng mè đen Ngọc Oanh Foods; đồng hồ trầm hương Phúc Vượng Lợi; bánh thuyền ngũ cốc Beenuts dần khẳng định thương hiệu sản phẩm trên nền tảng số.
Giám đốc Hợp tác xã Mắm Bình Minh Nguyễn Việt Dũng cho hay, đây không phải lần đầu sản phẩm xuất hiện trên sóng livestream, nhưng mỗi lần tham gia là một cơ hội để lắng nghe ý kiến người tiêu dùng, làm mới hình ảnh và kết nối với khách hàng ở xa. “Chúng tôi nhận được nhiều đơn hàng, cũng như phản hồi tích cực về hương vị truyền thống, cách đóng gói và đặc biệt là câu chuyện văn hóa gắn liền với nghề làm mắm”, ông Dũng chia sẻ.
Những buổi livestream mang đến luồng gió mới trong công tác quảng bá, tăng doanh thu bán hàng trên thị trường số. Ông Trần Công Nguyên, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết, trong năm 2025, quận tiếp tục tổ chức đánh giá, phân hạng các phiên kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP trên nền tảng số, mở rộng hợp tác với các kênh thương mại điện tử, sàn đặc sản vùng miền và một số siêu thị trong nước.
Đặc biệt, sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu sẽ được hỗ trợ xây dựng hồ sơ truy xuất nguồn gốc và kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Từ những nỗ lực trên, có thể thấy chương trình OCOP đang từng bước giúp địa phương chuyển từ “vùng sản xuất” sang “vùng thương hiệu”, nơi mỗi sản phẩm không chỉ mang giá trị kinh tế mà còn là câu chuyện về văn hóa, con người và khát vọng phát triển kinh tế bền vững, gắn với bản sắc địa phương trong thời đại số.
Thời gian qua, chương trình OCOP trở thành cú hích để quận hình thành chuỗi giá trị liên kết giữa sản xuất - chế biến - tiêu thụ. Một số sản phẩm như tré Bà Năm hay rượu nếp Thủy Vân Sơn, rượu đinh lăng Đà Tửu… được nhiều du khách lựa chọn làm quà khi đến Đà Nẵng. Đây cũng là cơ sở để các sản phẩm OCOP trở thành một phần trong chương trình “mỗi điểm đến - một sản phẩm”, thu hút du khách trải nghiệm và tiêu dùng.
HUỲNH LÊ
Nguồn: https://baodanang.vn/kinhte/202505/tiem-nang-kinh-te-tu-san-pham-ocop-4006690/
Bình luận (0)