Ngô Phương Lan sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống điện ảnh và hội họa. Thân sinh của chị là họa sĩ-Nghệ sĩ Nhân dân Ngô Mạnh Lân và mẹ là diễn viên điện ảnh-Nghệ sĩ Nhân dân Ngọc Lan, các chị em trong gia đình cũng đều là các họa sĩ, nhà báo. Người bạn đời của Ngô Phương Lan là nhà báo Đinh Trọng Tuấn, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Thế giới điện ảnh nhiều năm và con trai chị là đạo diễn điện ảnh trẻ xuất sắc Đinh Tuấn Vũ, từng được nhận nhiều giải thưởng phim qua các liên hoan phim trong nước cũng như quốc tế.
Tiến sĩ Ngô Phương Lan được đào tạo rất cơ bản về điện ảnh. Năm 1980, chị theo học khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1982, Ngô Phương Lan được cử đi học khoa Lý luận, phê bình điện ảnh tại Đại học Điện ảnh Quốc gia Liên Xô (cũ) và tốt nghiệp năm 1988. Năm 2005, chị bảo vệ thành công luận án và nhận được bằng Tiến sĩ Lịch sử Văn hóa Nghệ thuật.
Cũng trong năm này, chị hoàn thành và ra mắt cuốn sách "Tính hiện đại và tính dân tộc trong Điện ảnh Việt Nam" đoạt Giải Cánh diều Vàng cho công trình nghiên cứu lý luận về điện ảnh. Năm 2007, cuốn sách đã được Mạng lưới khuyến khích điện ảnh châu Á (NETPAC) chọn lọc và biên tập cùng với Galangpress và phát hành quốc tế bằng tiếng Anh mang tên "Modernity and Nationality in Vietnamese Cinema", đồng thời cũng là cuốn sách đầu tiên do NETPAC xuất bản.
Trong công tác, Tiến sĩ Ngô Phương Lan từng là Phó Cục trưởng Hợp tác quốc tế (2010-2011), Cục trưởng Cục Điện ảnh (2011-2018) của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng thời kiêm Giám đốc Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội (HANIFF) từ năm 2012 đến 2018...
Chị hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương khóa 5, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam; Giám đốc Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng (DANAFF) và là Ủy viên Ban chấp hành Mạng lưới Xúc tiến điện ảnh châu Á (NETPAC).

Tiến sĩ Ngô Phương Lan đã được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2017, nhận Giải thưởng Người có nhiều đóng góp về tác quyền của khu vực châu Á Thái Bình Dương tại CineAsia năm 2022. Bên cạnh một nhà phê bình và lý luận điện ảnh uy tín, có thể thấy ở Ngô Phương Lan một nhà quản lý có tầm nhìn, tâm huyết trong việc xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam thời gian qua, đưa điện ảnh nước nhà vào vị trí xứng đáng trong bản đồ điện ảnh khu vực và thế giới.
Năm 2019, sau khi kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Cục Điện ảnh-Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tiến sĩ Ngô Phương Lan thành lập Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam (VFDA), hoạt động với mục đích tập hợp, đoàn kết, phát huy năng lực sáng tạo của các tổ chức, công dân Việt Nam nhằm sản xuất những bộ phim điện ảnh có chất lượng cao; là diễn đàn kết nối, hỗ trợ các nhà sản xuất phim nước ngoài đến làm phim tại Việt Nam; góp phần quảng bá truyền thống, hình ảnh đất nước, con người, bản sắc văn hóa Việt Nam thông qua phim ảnh và phát triển thương hiệu điện ảnh Việt Nam trong giai đoạn hội nhập quốc tế.
Suốt trong 5 năm qua, với những nỗ lực không ngừng nghỉ và sự đồng tâm hiệp lực của Ban Chấp hành VFDA cùng toàn thể hội viên, VFDA đã đạt được nhiều thành quả tốt đẹp, từ tổ chức các sự kiện điện ảnh lớn đến xúc tiến hợp tác quốc tế điện ảnh, gắn với quảng bá hình ảnh Việt Nam, góp phần phát triển du lịch. Một số điểm nhấn đáng chú ý trong nhiệm kỳ đầu tiên của VFDA là sáng lập và phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức thành công Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng-sự kiện điện ảnh châu lục đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, VFDA đã xây dựng thành công và triển khai thí điểm Bộ Chỉ số thu hút đoàn làm phim (Production Attraction Index – PAI); tổ chức một loạt hội thảo và tọa đàm chuyên môn có chất lượng thu hút sự tham gia của các chuyên gia, nhà làm phim, nghệ sĩ trong nước và quốc tế; tích cực quảng bá điện ảnh Việt Nam ra thế giới tại một số sự kiện lớn như Liên hoan phim quốc tế Busan, Liên hoan phim quốc tế Tokyo.

tại Hội chợ phim ACFM 2024 ở Busan (Hàn Quốc).
Tiến sĩ Đinh Thị Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đã đánh giá cao những thành tựu quan trọng mà Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam (VFDA) đạt được những năm qua, đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp phát triển điện ảnh và văn hóa của đất nước.
Sự phát triển của ngành điện ảnh Việt Nam không chỉ phụ thuộc vào các chính sách vĩ mô mà còn cần sự đóng góp tích cực của các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, hay tổ chức xã hội, nghề nghiệp như Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam. Tôi tin rằng, với tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết của Tiến sĩ Ngô Phương Lan, người lãnh đạo Hiệp hội trong hơn 5 năm qua và Ban Chấp hành Hiệp hội và các hội viên, Hiệp hội sẽ có nhiều thành công, tiếp tục đóng vai trò nòng cốt trong công cuộc xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam phát triển mạnh mẽ và bền vững trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Tiến sĩ Đinh Thị Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương.
Đánh giá về những đóng góp của VFDA, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cũng cho biết: “Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam đã thể hiện vai trò của một tổ chức xã hội-nghề nghiệp năng động sáng tạo, hoạt động mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả thành công, tạo dựng một nền tảng vững chắc để từng bước khẳng định vị thế và uy tín của mình”.
Ghi nhận những đóng góp của Hiệp hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao tặng Bằng khen dành cho VFDA và cá nhân Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Chủ tịch VFDA vì đã có thành tích trong tổ chức thực hiện quảng bá thương hiệu điện ảnh Việt Nam giai đoạn 2019-2024.
Mới đây nhất, Tiến sĩ Ngô Phương Lan đã được trao tặng Huân chương Văn học Nghệ thuật bậc Officier (bậc sĩ quan) trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Việt Nam vào tháng 5 vừa qua.
Tại lễ trao tặng, bà Rachida Dati-Bộ trưởng Văn hóa của Pháp nêu rõ: Huân chương Văn học và Nghệ thuật là một trong những phần thưởng cao quý của nước Cộng hòa Pháp, nhằm tôn vinh những cá nhân có đóng góp nổi bật cho lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Đó là sự ghi nhận cho “một hành trình phi thường, hành trình của một người phụ nữ có sự tận hiến không biên giới đối với điện ảnh, với tầm ảnh hưởng vượt xa khỏi biên giới Việt Nam. Tiến sĩ Ngô Phương Lan cũng là biểu tượng sống động cho sự gắn kết bền chặt giữa hai đất nước”.

của Cộng hòa Pháp (Ảnh: vietnamplus).
Tại Liên hoan phim châu Á-Đà Nẵng lần thứ ba năm 2025 (DANAFF 3) vừa qua, với sự nỗ lực không mệt mỏi, sự năng động và khả năng tổ chức tuyệt vời của người khởi xướng, đồng thời kiêm nhiệm Trưởng ban Tổ chức liên hoan là Tiến sĩ Ngô Phương Lan, liên hoan đã thành công rực rỡ, tôn vinh và phát huy di sản quý báu của điện ảnh Việt Nam và châu lục thông qua hai chương trình trọng điểm là “Nửa thế kỷ phim chiến tranh của Việt Nam” từ sau ngày thống nhất đất nước và tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc-những kinh nghiệm và bài học trong phát triển.
Theo Tiến sĩ Ngô Phương Lan, bên cạnh số lượng phim công chiếu quốc tế tham dự DANAFF năm nay vượt ngoài dự đoán và chiều sâu nội dung, một thành công của liên hoan là chuỗi hoạt động về “ươm mầm tài năng điện ảnh” và “vườn ươm dự án” giới thiệu, kết nối các dự án phim nghệ thuật châu Á, Việt Nam, ghi dấu bước phát triển chiến lược của DANAFF trong phát triển tài năng, cổ vũ những câu chuyện sáng tạo, xây dựng cầu nối bền vững giữa các nhà làm phim trẻ và cộng đồng điện ảnh quốc tế.

Qua liên hoan lần này, Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam cùng Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ký bản ghi nhớ hợp tác vào năm 2024 để cùng phối hợp tổ chức DANAFF từ năm 2025 đến 2031, tiếp tục mở ra những cầu nối để điện ảnh Việt Nam ra với thế giới. Bà Audrey Azoulay - Tổng Giám đốc UNESCO nhận xét: “Liên hoan phim lần này cho thấy sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với phim ảnh của Việt Nam, cũng như của toàn bộ khu vực. Đặc biệt là Đà Nẵng đang trở thành nơi giao thoa của những ý tưởng và sáng tạo, nơi văn hóa sản sinh ra văn hóa”.
Liên hoan phim châu Á- Đà Nẵng 2025 đã khép lại với hình ảnh tôn vinh các nghệ sĩ ngôi sao trên thảm đỏ, nhưng có một ngôi sao lặng thầm mà vẫn toát lên ánh sáng lung linh chính là Tiến sĩ Ngô Phương Lan, nhà tổ chức xuất sắc, đã không ngừng đóng góp cho sự phát triển của điện ảnh Việt Nam và châu lục.
Nguồn: https://nhandan.vn/tien-si-ngo-phuong-lan-nguoi-co-nhieu-dong-gop-dua-dien-anh-viet-nam-ra-the-gioi-post896186.html
Bình luận (0)