Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Trao 'cần câu' giúp đồng bào an tâm sản xuất

TPO - Thông qua Trung tâm Dịch vụ miền núi, tỉnh Bình Thuận cũ nay là tỉnh Lâm Đồng đã triển khai chính sách ứng trước vốn, hỗ trợ vận chuyển giống, vật tư và thu mua nông sản của đồng bào dân tộc thiểu số với giá ổn định. Chính sách này giúp bà con có điều kiện sản xuất và khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo, góp phần phát triển kinh tế, xã hội vùng miền núi.

Báo Tiền PhongBáo Tiền Phong07/07/2025

Đưa giống, phân bón đến tận tay người dân

Những ngày đầu vụ mới, khắp các cánh đồng bắp ở xã Hàm Thạnh, tỉnh Lâm Đồng rộn ràng cảnh bà con tất bật làm cỏ, bón phân, chuẩn bị xuống giống.

Tranh thủ phút nghỉ ngơi, ông Nguyễn Văn Vương phấn khởi chia sẻ: “Gia đình tôi có 1ha trồng bắp, năm nào cũng được Trung tâm Dịch vụ miền núi cho ứng trước hạt giống, phân bón. Năm nay tôi nhận 15kg giống và 12 bao phân. Đến kỳ thu hoạch, sản phẩm lại được bao tiêu nên tôi rất yên tâm, chỉ mong trời thuận mùa để có thêm đồng ra đồng vào”.

Tại xã miền núi Sông Lũy cũng nhộn nhịp không kém. Nhiều hộ tranh thủ cày đất, làm cỏ, chờ cơn mưa đầu mùa. Vì phụ thuộc hoàn toàn vào “nước trời”, mỗi năm bà con chỉ trồng được một vụ bắp.

Trao 'cần câu' giúp đồng bào an tâm sản xuất ảnh 1

Đồng bào dân tộc thiểu số được đầu tư ứng trước giống bắp

Ông Mang Nỉ, hộ dân ở Sông Lũy, cho biết nhờ chương trình hỗ trợ ứng trước vật tư, gia đình ông duy trì được 2ha bắp.

“Nhà nước cho ứng trước giống, phân, thuốc và còn bao tiêu sản phẩm. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm tôi lãi gần 30 triệu đồng. Từ chỗ phải lo vay nóng lãi cao, giờ bà con yên tâm sản xuất, cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn”, ông Nỉ phấn khởi.

Nhớ lại những năm trước, ông Huỳnh Thanh Đài (xã Hàm Thạnh) kể: “Khi chưa có chính sách cho ứng trước, mỗi vụ sản xuất, bà con phải vay nợ mua giống, phân bón. Lãi suất cao, gặp năm mất mùa thì coi như trắng tay, nợ chồng thêm nợ. Từ khi Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh (Bình Thuận cũ) triển khai ứng trước vật tư và thu mua nông sản giá cao, bà con ai nấy đều phấn khởi”.

Ông Đài nói thêm: “Theo tôi, đây là chính sách rất hay và thiết thực. Được ứng trước giống, phân, bà con tự tin sản xuất, kinh tế gia đình dần khấm khá, đời sống cải thiện rõ rệt”.

Góp phần giảm nghèo bền vững

Theo Trung tâm Dịch vụ miền núi, những năm qua, đơn vị đã hỗ trợ ứng trước nhiều loại vật tư thiết yếu như lúa giống, bắp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiền cày đất. Thậm chí cả gạo ăn trong thời gian sản xuất.

Riêng cây bắp lai, mức hỗ trợ được tính theo diện tích thực tế, tối đa 2ha mỗi hộ/vụ. Mỗi ha bắp, bà con được ứng trước 15kg giống, 550kg phân bón và 4kg (hoặc 4 lít) thuốc bảo vệ thực vật. Giá vật tư luôn công khai tại các cửa hàng, đại lý và UBND xã để người dân nắm rõ.

Trao 'cần câu' giúp đồng bào an tâm sản xuất ảnh 2

Ngoài ứng trước giống, phân, bà con tự tin sản xuất

Từ năm 2022 đến 2024, toàn tỉnh đã có hơn 3.200 hộ được hỗ trợ, tổng kinh phí lên đến 43,89 tỷ đồng.

Không chỉ cho ứng trước và thu mua nông sản, Trung tâm còn phối hợp với các công ty tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn đồng bào chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp từng địa phương, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất.

Nhờ chính sách hỗ trợ kịp thời, nhận thức của người dân được nâng lên, bà con tin tưởng vào chủ trương của Đảng, Nhà nước, tránh được cảnh vay nặng lãi, bị thương lái ép giá. Từ đó, họ chủ động phát triển sản xuất, vững tin thoát nghèo bền vững.

Nguồn: https://tienphong.vn/trao-can-cau-giup-dong-bao-an-tam-san-xuat-post1758220.tpo


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm