Công nghệ được sử dụng để quy tụ gần như toàn bộ tác phẩm điêu khắc của Michelangelo tại một nơi duy nhất - Ảnh: Oak Taylor-Smith/Factum Foundation
Đây được xem là cuộc triển lãm "toàn diện nhất" về tác phẩm điêu khắc của Michelangelo trong suốt 150 năm qua.
Dùng công nghệ 3D tái hiện tác phẩm của Michelangelo
Để tổ chức triển lãm, bảo tàng không cần vận chuyển bức tượng David cao 5 mét từ Galleria dell'Accademia ở Florence, hay bức tượng The Genius of Victory (Thiên tài chiến thắng) đang đặt gần đó ở Palazzo Vecchio.
Thay vào đó, triển lãm "Michelangelo Imperfect", do SMK (viết tắt của Statens Museum for Kunst) tổ chức đã thực hiện khoảng 40 bản sao, bao gồm các bản sao in 3D mới, được làm riêng cho buổi trưng bày của xưởng Factum Arte có trụ sở tại Madrid.
Đây không phải là lần đầu tiên một tác phẩm điêu khắc của Michelangelo được in 3D. Đại học Florence đã từng ra mắt bản sao tượng David bằng nhựa acrylic tại Triển lãm Dubai 2020. Tuy nhiên, lần này, công nghệ được sử dụng để quy tụ gần như toàn bộ tác phẩm điêu khắc của ông tại một nơi duy nhất.
Triển lãm cũng bao gồm các tác phẩm nguyên bản của nghệ sĩ người Ý, gồm 20 bản vẽ và một nhóm mô hình bằng sáp và đất sét.
Matthias Wivel, giám tuyển triển lãm, nói trong cuộc gọi với CNN: "Đây là một triển lãm chủ yếu gồm các bản sao - một cuộc thử nghiệm. Điều này ngày nay không còn phổ biến".
Michelangelo Buonarroti, nhà điêu khắc sống ở thế kỷ 15 đến 16, vẫn được biết đến như một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất mọi thời đại, nhờ vào sự sống động và chiều sâu cảm xúc trong các tác phẩm điêu khắc cổ điển của ông.
Các tác phẩm của Michelangelo uốn mình trong không gian, giữ những tư thế tưởng chừng như chênh vênh dù được tạc từ đá cẩm thạch Carrara trắng rắn chắc.
Tại xưởng của Factum Arte, đội ngũ không chỉ in 3D từng tác phẩm, mà còn kết hợp các kỹ thuật mới và truyền thống. Quy trình chuyên sâu bao gồm việc ghi lại từng tác phẩm bằng phương pháp quang trắc và quét Lidar để tạo ra bản sao kỹ thuật số.
Họ in từng bản đầu tiên bằng nhựa, tương tự như bản sao tượng David được trưng bày ở Dubai. Sau đó, họ tạo khuôn silicon từ bản in và đúc bằng hợp chất đá cẩm thạch để tiếp cận gần hơn với chất liệu gốc, trước khi hoàn thiện tác phẩm bằng tay.
"Mục tiêu của chúng tôi là khiến các tác phẩm giống hệt bản gốc về mặt thị giác trong điều kiện trưng bày", Adam Lowe, người sáng lập Factum Arte, nói với CNN. "Bạn chỉ có thể phân biệt khi chạm vào hoặc gõ nhẹ, vì nhiệt độ của đá cẩm thạch không giống hoàn toàn".
Tại xưởng của Factum Arte, đội ngũ không chỉ in 3D từng tác phẩm, mà còn kết hợp các kỹ thuật mới và truyền thống - Ảnh: Oak Taylor-Smith/Factum Foundation
Tạo ra những "bản sao sinh đôi"
Ngày nay, mọi người có thể không đánh giá cao các bản sao. Nhưng vào thế kỷ 19, các bản đúc thạch cao của những bức tượng nổi tiếng từng là "ngôi sao" trong nhiều bảo tàng. Các viện như Viện Nghệ thuật Chicago bắt đầu bộ sưu tập của mình với các bản đúc thạch cao. Xưởng đúc của bảo tàng Louvre được thành lập từ năm 1794 vẫn còn hoạt động đến nay.
Khách du lịch từng đến Florence có thể đã thấy một bản sao thạch cao của tượng David tại vị trí ban đầu ở Quảng trường Piazza della Signoria. Các bản sao này cũng được dựng lên ở London và Moscow, trong khi các bản sao bằng đồng được tìm thấy trên toàn cầu.
Nhiều bản trong số đó được đúc ngay sau triển lãm Michelangelo lớn nhất lúc bấy giờ tại Florence vào năm 1875, đánh dấu 400 năm ngày sinh của ông.
Tuy nhiên, các bản sao dần mất đi vị thế và cuối cùng bị hư hại, bị khóa trong kho lưu trữ hoặc bị phá hủy.
Năm 2004, Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan đã hiến tặng bộ sưu tập từng rất được trân trọng của mình. Trước đó, chúng từng bị bỏ bê trong "kho chứa dột nát", theo báo The New York Times năm 1987.
"Đây từng là cách để tập hợp và giúp công chúng tiếp cận các tác phẩm nghệ thuật mà họ không thể tiếp cận được, có thể vì chúng ở quá xa hoặc không thể được nhìn thấy cùng nhau", Wivel giải thích. "Từ thế kỷ 20, bắt đầu xuất hiện thứ gọi là 'sùng bái tính nguyên bản' đối với các hiện vật gốc".
Thực tế, ông nói thêm, toàn bộ nền tảng của nghệ thuật phương Tây có thể đã bị đảo lộn nếu không có các bản sao, bởi hiện chỉ còn rất ít tượng gốc từ thời Hy Lạp cổ đại. Phần lớn kiến thức của chúng ta về thời kỳ đó đến từ các bản sao La Mã.
Nguồn: https://tuoitre.vn/trien-lam-lon-nhat-ve-tac-pham-cua-michelangelo-phuc-dung-bang-3d-20250405155253984.htm
Bình luận (0)