Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Triển vọng phát triển sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia của Thái Nguyên

Trải qua 6 kỳ đánh giá, đến nay, Thái Nguyên có 315 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng tiêu chuẩn OCOP từ 3-5 sao. Dù đạt được kết quả tích cực như vậy nhưng hiện nay, trên địa bàn tỉnh mới có 4 sản phẩm đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia. Theo ông Nguyễn Thành Nam, Chi cục trưởng Chi cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn tỉnh, Thái Nguyên có nhiều triển vọng nhưng cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình phát triển các sản phẩm OCOP 5 sao.

Báo Thái NguyênBáo Thái Nguyên18/05/2025

Năm 2024, Thái Nguyên có 2 sản phẩm OCOP được xếp hạng 5 sao cấp quốc gia, trong đó có 1 sản phẩm của Hợp tác xã chè Hảo Đạt (Tân Cương, TP. Thái Nguyên).
Năm 2024, Thái Nguyên có 2 sản phẩm OCOP được xếp hạng 5 sao cấp quốc gia, trong đó có 1 sản phẩm của Hợp tác xã chè Hảo Đạt (Tân Cương, TP. Thái Nguyên).

P.V: Ông hãy chia sẻ về sự khác nhau giữa sản phẩm OCOP 5 sao - sản phẩm quốc gia có thứ hạng cao nhất và các sản phẩm OCOP có thứ hạng thấp hơn?

Ông Nguyễn Thành Nam: Theo Quyết định số 919/QĐ-TTg thì sản phẩm OCOP là những sản phẩm hàng hóa và dịch vụ du lịch có nguồn gốc địa phương, có thương hiệu, mang đặc trưng về văn hóa, lợi thế của địa phương. Các sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng theo 3 cấp: cấp huyện, cấp tỉnh và cấp Trung ương.

Sau khi đánh giá, sản phẩm được phân hạng từ 1 sao đến 5 sao. Giấy chứng nhận chỉ được cấp cho các sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 5 sao, có giá trị trong thời hạn 36 tháng, kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ban hành. 

Sản phẩm OCOP 5 sao (cấp quốc gia) là sản phẩm đặc trưng, tiêu chuẩn chất lượng cao và hội tụ điều kiện để xuất khẩu, có tổng điểm trung bình đạt từ 90 đến 100 điểm.

P.V: Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP 5 sao của Thái Nguyên.

Ông Nguyễn Thành Nam: Trong bảng xếp hạng, Thái Nguyên hiện có 4 sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia. Cụ thể, sản phẩm: “Chè Tôm nõn”, “Chè Đinh” của Hợp tác xã chè Hảo Đạt (xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên); sản phẩm Miến dong Việt Cường của Hợp tác xã miến Việt Cường (thị trấn Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ); sản phẩm “Du lịch văn hóa dân tộc tày bản làng Thái Hải” của Chi nhánh Công ty TNHH Thái Hải (xã Thịnh Đức, TP. Thái Nguyên - 1 trong 2 sản phẩm OCOP du lịch 5 sao đầu tiên của cả nước).

Đây là kết quả đáng ghi nhận của Thái Nguyên bởi Thủ đô Hà Nội cũng chỉ có 6 sản phẩm được xếp hạng 5 sao (trong tổng số trên 3.300 sản phẩm OCOP của Hà Nội).

Ngoài những sản phẩm đã được xếp hạng nêu trên, Thái Nguyên có nhiều sản phẩm tiềm năng phát triển lên hạng 5 sao (cấp quốc gia) bởi toàn tỉnh đang có 94 sản phẩm đã đạt OCOP 4 sao (ngoài ra còn có một số sản phẩm 3 sao cũng có khả năng phát triển lên 5 sao).

Thái Nguyên đang trình Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP Trung ương đánh giá, phân hạng đối với 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao là sản phẩm “Nấm hương” của Công ty TNHH Công nghệ sinh học Phú Gia (Đại Từ) và sản phẩm “Trà tôm nõn hương quê” của HTX nông sản Phú Lương (sản phẩm được đánh giá, phân hạng năm 2024).

Trong năm 2025 và các năm tiếp theo, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn để có thêm nhiều sản phẩm đạt OCOP 5 sao quốc gia.

P.V: Thái Nguyên đã thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) khi khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn; trở thành động lực phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Tuy nhiên, việc phát triển các sản phẩm OCOP cấp quốc gia của Thái Nguyên vẫn khá khiêm tốn. Theo ông, khó khăn cho việc phát triển sản phẩm OCOP hạng 5 sao của các chủ thể tại Thái Nguyên là gì?

Ông Nguyễn Thành Nam: Thách thức lớn nhất đối với các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao đó chính là sản phẩm phải đặc trưng (tiêu biểu), dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa (tính vùng miền), sự tham gia của cộng đồng..., có yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng rất cao và hội tụ điều kiện để xuất khẩu (đạt các yêu cầu tối thiểu như: Năng lực, quy mô sản xuất lớn; Có câu chuyện sản phẩm đặc sắc, ngắn gọn, súc tích và có các thông điệp đặc sắc về sản phẩm/văn hóa/trí tuệ/bản sắc địa phương; Sở hữu trí tuệ; Truy xuất nguồn gốc điện tử; Có chứng nhận quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho xuất khẩu và các thủ tục pháp lý khác theo yêu cầu của thị trường đích…). Quy trình xét duyệt rất khắt khe (đạt điểm trung bình từ 90-100).

Do đó, để có thêm các sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao cấp quốc gia, với chức năng, nhiệm vụ được giao, chúng tôi đang tiếp tục rà soát, có kế hoạch hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm đạt 4 sao, có tiềm năng 5 sao nâng cấp chất lượng, hoàn thiện các yêu cầu tối thiểu phải đạt và hồ sơ để trình Trung ương đánh giá, công nhận.

Đặc biệt là hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể OCOP xây dựng hồ sơ sản phẩm 5 sao; một phần kinh phí cho các chủ thể trong công tác tư vấn, xây dựng câu chuyện sản phẩm, bao bì, nhãn mác, đăng ký sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc điện tử,...

Tuy nhiên, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các chủ thể cũng cần nâng cao tinh thần, trách nhiệm, cố gắng khắc phục những mặt hạn chế trong quá trình phát triển sản phẩm từ hạng 4 sao lên 5 sao như: Không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, vệ sinh, an toàn thực phẩm, đẩy mạnh marketing, xây dựng thương hiệu...

P.V: Xin cảm ơn ông!

Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202505/trien-vong-phat-trien-san-pham-ocop-5-sao-cap-quoc-gia-cua-thai-nguyen-04821b9/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

10.000 món đồ cổ đưa bạn trở về Sài Gòn xưa
Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập
Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập
Khám phá vùng savan ở Vườn quốc gia Núi Chúa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm