Trần Văn Lực, sinh viên ngành Khoa học máy tính, Đại học Bách khoa Hà Nội, hiện là Giám đốc Công ty Cổ phần Awake Drive, đơn vị nghiên cứu và phát triển hệ thống giám sát, duy trì tỉnh táo cho tài xế bằng công nghệ sóng não.

Ngày 20/4 vừa qua, tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên, trước Thủ tướng và lãnh đạo các ban ngành, Lực đại diện cho thế hệ trẻ chia sẻ về khát vọng khởi nghiệp với dự án “Awake Drive”. Đây là dự án từng lọt vào vòng chung kết và vô địch nhiều cuộc thi của sinh viên trước khi trở thành một sản phẩm khởi nghiệp.

Trần Văn Lưc   3.jpg
Trần Văn Lực phát biểu tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên ngày 20/4. Ảnh: NVCC

Chia sẻ với PV VietNamNet, Lực cho biết, ý tưởng nghiên cứu này xuất phát từ mong muốn tạo ra một công nghệ và ứng dụng nó thành sản phẩm cụ thể, hữu ích.

Lực và các cộng sự nhận thấy hiện nay, vấn đề thiếu tỉnh táo khi lái xe là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều tai nạn giao thông nghiêm trọng, trong khi một số sản phẩm cảnh báo tài xế ngủ gật chủ yếu sử dụng camera và hầu hết chỉ cảnh báo khi dấu hiệu buồn ngủ đã rõ rệt như ngáp, mắt lờ đờ, đầu gật gù. Đánh giá cảnh báo như vậy là chậm, thậm chí tín hiệu phát ra bất ngờ có thể khiến tài xế giật mình, gây nguy hiểm, cả nhóm của Lực nảy ra ý tưởng ứng dụng công nghệ nghiên cứu sóng não vào sản phẩm nhằm giải quyết triệt để vấn đề này.

Dưới sự dẫn dắt của TS Trịnh Văn Chiến - giảng viên tại Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, người từng đạt giải thưởng Quả cầu vàng năm 2023, nhóm đã tạo ra sản phẩm gồm thiết bị đeo tai đo sóng não và phần mềm Awake Drive trên điện thoại.

“Khi người dùng đeo thiết bị, dữ liệu về sóng não được gửi đến điện thoại bằng Bluetooth. Nếu tỉnh táo, suy nghĩ sẽ nhanh, tần số sóng não cũng nhanh. Ngược lại, khi đang buồn ngủ, suy nghĩ chậm và tần số sóng não cũng sẽ chậm”, Lực chia sẻ.

Sản phẩm này được ứng dụng công nghệ AI, IoT và sóng não. Kết quả thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy độ chính xác của sản phẩm hiện ở mức 92%.

Hust 2022.jpg
Trần Văn Lực là sinh viên ngành Khoa học máy tính, Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: NVCC

Nhóm đem nghiên cứu này tham gia cuộc thi đầu tiên là “Ý tưởng sáng tạo sinh viên” của Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội. Tại cuộc thi, sản phẩm được thầy cô góp ý về các vấn đề chuyên môn như công nghệ lõi, thuật toán, trí tuệ nhân tạo để xử lý.

Từ những góp ý đó, nhóm tiếp tục điều chỉnh và đưa sản phẩm tham gia các cuộc thi khởi nghiệp như TECHSTART, Sáng tạo trẻ, Khởi nghiệp trẻ, Khởi nghiệp cùng Kawai, Bệ phóng khởi nghiệp...

“Trong các cuộc thi, ngoài những cải tiến về sản phẩm, chúng em được cố vấn về phần khách hàng, thị trường, lập kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính để đáp ứng các yêu cầu”, Lực nói. Dự án đã tham gia khoảng 10 cuộc thi khác nhau và giành giải cao nhất ở một nửa trong số đó

Lúc này, Lực và nhóm bắt đầu thay đổi suy nghĩ, từ việc mang dự án đi thi thành tạo ra một sản phẩm khởi nghiệp. Xa hơn, nhóm kỳ vọng đưa công nghệ sóng não của mình vươn ra thị trường quốc tế. 

Tháng 10/2024, với những nỗ lực không ngừng, dự án đã thành công trong việc gọi vốn từ Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Bách khoa Hà Nội (BK Fund) với 25.000 USD cho giai đoạn nghiên cứu, phát triển sản phẩm và chính thức thành lập doanh nghiệp. Bên cạnh đó, dự án cũng nhận được một số cam kết đầu tư, bắt đầu rót tiền khi sản phẩm bán ra thị trường.

Dẫu vậy, CEO trẻ cho biết, nhóm mong muốn sẽ làm được nhiều điều hơn thay vì chỉ dừng lại ở việc bán một sản phẩm. “Awake Drive có tầm nhìn sẽ trở thành doanh nghiệp tiên phong, hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực áp dụng công nghệ sóng não vào các giải pháp đảm bảo an toàn và sức khỏe”, Lực nói.

Mục tiêu 2 năm đầu của công ty sau khi vượt qua giai đoạn kiểm nghiệm và được cấp phép là đưa sản phẩm bán rộng rãi tại Việt Nam. Từ năm 2027, sản phẩm sẽ được đưa sang các nước ở Đông Nam Á và những thị trường “khó tính” hơn như châu Âu, châu Mỹ.

20240323 NDK_0682.JPG
Lực (bên trái) cùng cộng sự chia sẻ về dự án “Awake Drive”. Ảnh: NVCC

Từ cậu sinh viên năm nhất còn bỡ ngỡ với những thử thách mới, Lực cho biết mỗi trải nghiệm đã qua đều giúp bản thân từng bước trưởng thành và trở thành CEO của một doanh nghiệp khởi nghiệp.

“Cái khó nhất khi khởi nghiệp là phải dám nghĩ, dám làm và dám thất bại. Nhưng tài sản chúng em có được là tuổi trẻ, ước mơ và niềm tin. Chúng em không chỉ có niềm tin nghiên cứu ra sản phẩm tốt mà còn tin mình sẽ đưa sản phẩm tốt ấy đến tay người tiêu dùng. 

Không có giới hạn nào với những người dám ước mơ và dám hành động. Kiến thức trên sách vở chỉ là nền tảng ban đầu, chính việc dấn thân vào thực tế mới là “nhà trường của cuộc đời”, giúp mỗi cá nhân phát triển”, Lực nói.

Nam sinh chuyên Lý trúng tuyển đại học tinh hoa nước Mỹ nhờ niềm đam mê robotGia Nguyên nói từ sớm em đã có thể ăn ngủ với robot mà không cảm thấy mệt. “Lửa nhiệt huyết” ấy giúp Nguyên đào sâu lĩnh vực này, tạo tiền đề chinh phục đại học tinh hoa nước Mỹ.

Nguồn: https://vietnamnet.vn/tro-thanh-ceo-tu-nam-4-nam-sinh-chia-se-khat-vong-khoi-nghiep-truoc-thu-tuong-2394733.html