Theo số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa công bố, xuất khẩu của nước này trong tháng 4 đạt 315,69 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Dù thấp hơn mức tăng 12,4% của tháng 3, con số này vẫn vượt xa kỳ vọng của thị trường.
Tuy nhiên, xuất khẩu sang Mỹ giảm mạnh tới 21%, mức giảm sâu nhất trong vòng 21 tháng, đảo chiều so với mức tăng 9,1% trong tháng 3.
"Dữ liệu này gây bất ngờ lớn, vượt xa ước tính ban đầu của tôi là chỉ tăng 2 đến 3%", ông Xu Tianchen, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Economist Intelligence Unit (EIU), nhận định với SCMP.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng tác động đầy đủ của các đòn thuế mới từ Mỹ có thể chưa phản ánh hết trong số liệu tháng này, trong khi các doanh nghiệp nhỏ tại các thành phố của Trung Quốc đã bắt đầu cảm nhận được sức ép.
Đồng tình, bà Dan Wang, Giám đốc khu vực Trung Quốc tại công ty tài chính Eurasia Group, cho rằng mức tăng trưởng này là "khá bất ngờ". Bà nhận định rằng các biện pháp thuế quan có thể đã không làm suy yếu sản xuất tại Trung Quốc như dự đoán, mà ngược lại còn thúc đẩy nhu cầu ngắn hạn đối với hàng hóa trung gian nhập khẩu từ Trung Quốc.
"Khi một số nhà máy ở Trung Quốc phải tạm dừng hoạt động, thì các cơ sở sản xuất ở nước ngoài lại tăng tốc tối đa để hoàn thành đơn hàng trước thời điểm tăng thuế. Do đó, sản xuất gia tăng và họ lại cần nhập khẩu các nguyên vật liệu và linh kiện chất lượng cao từ Trung Quốc. Điều này lại thúc đẩy xuất khẩu của Trung Quốc trong giai đoạn này", bà Dan Wang nhận định.
Thông tin xuất khẩu tích cực này có thể giúp Bắc Kinh có thêm lợi thế trong các cuộc đàm phán thương mại với Washington. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng có triển vọng hạ nhiệt căng thẳng khi bắt đầu khởi động vòng đàm phán thương mại với Mỹ tại Thụy Sĩ hôm 10/5.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Mạnh Quân).
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đối mặt áp lực giảm phát giữa bối cảnh giá tiêu dùng lẫn giá sản xuất suy giảm trong tháng 4.
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - thước đo lạm phát chính - vào tháng 4 giảm 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng qua, giá thực phẩm Trung Quốc giảm 0,2% trong khi giá dịch vụ tăng 0,3%.
"Giá dầu, khí tự nhiên và kim loại màu trên thị trường quốc tế đi xuống đã ảnh hưởng giảm giá trong một số ngành", bà Dong Lijuan, chuyên gia thống kê trưởng Cục Thống kê Trung Quốc, nhận định trong báo cáo.
Nhằm bù đắp sự thiếu hụt từ xuất khẩu, Trung Quốc đã triển khai nhiều biện pháp thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Một số địa phương đang phân bổ thêm ngân sách để khuyến khích chi tiêu. Đơn cử, tỉnh Tứ Xuyên hỗ trợ lãi suất ưu đãi cho các khoản vay tiêu dùng lớn như mua xe, thiết bị điện tử, nội thất và đồ gia dụng.
Chính phủ nước này cũng đẩy mạnh du lịch bằng cách mở rộng hệ thống cửa hàng miễn thuế, tăng hạn mức hoàn thuế và nới lỏng yêu cầu thị thực cho công dân nhiều quốc gia.
Bà Zhiwei Zhang, kinh tế trưởng tại công ty tài chính Pinpoint Asset Management, khẳng định các chính sách kích cầu hiện hành đang phát huy hiệu quả. "Nền tảng kinh tế Trung Quốc vẫn ổn định và có khả năng chống chịu", bà đánh giá.
Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/trung-quoc-don-tin-vui-lon-giua-cuoc-chien-thue-quan-voi-my-20250512120718142.htm
Bình luận (0)