Ngày 1/7/2025, Luật Dữ liệu chính thức có hiệu lực, đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam có một bộ khung pháp lý toàn diện về dữ liệu. Không chỉ là đạo luật về kỹ thuật, đây là đạo luật định hình quyền lực số, chủ quyền dữ liệu và kiến tạo lại mối quan hệ Nhà nước - doanh nghiệp - người dân trên không gian số. Bộ luật này không chỉ là công cụ quản trị mà được xác định là trụ cột thể chế của nền kinh tế số.
Trong bối cảnh dữ liệu trở thành tài sản chiến lược, là “nguồn dầu mỏ mới” trong kỷ nguyên số, Trung tâm Dữ liệu quốc gia (Bộ Công an) được thành lập với nhiệm vụ là đầu mối chia sẻ dữ liệu, hỗ trợ hoạch định chính sách, cải thiện dịch vụ công, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; điều phối dòng chảy dữ liệu quốc gia, bảo vệ chủ quyền dữ liệu trong kỷ nguyên số.
Để thực hiện các nhiệm vụ chiến lược này, đơn vị triển khai hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; đầu tư, hợp tác cung cấp các sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu; cung cấp hạ tầng, giải pháp về công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số quốc gia được nghiên cứu thành lập.
Ngày 4/7 tại Trụ sở Bộ Công an (Hà Nội), Trung tâm Dữ liệu quốc gia đã tổ chức Lễ ra mắt Trung tâm Sáng tạo, khai thác dữ liệu và Phòng An ninh, an toàn hệ thống. Đây được xem là một dấu mốc quan trọng trong chiến lược thúc đẩy sáng tạo, chia sẻ và khai thác dữ liệu quốc gia an toàn, hiệu quả và bền vững.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương - Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia yêu cầu hai đơn vị trên cần khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, tham mưu ban hành các Nghị định, văn bản hướng dẫn liên quan đến công tác đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật và nghiên cứu, xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách mạnh mẽ thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong lĩnh vực dữ liệu, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ từ dữ liệu; nghiên cứu phát triển quỹ đổi mới sáng tạo về khoa học dữ liệu, khu công nghiệp dữ liệu.
Theo lãnh đạo Trung tâm Dữ liệu quốc gia, Trung tâm Sáng tạo, khai thác dữ liệu được định vị như một bộ não đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực dữ liệu, nơi thúc đẩy khai thác, ứng dụng và chuyển hóa dữ liệu thành giá trị phục vụ quản trị, điều hành và phát triển kinh tế - xã hội. Cũng từ đây, các định hướng đổi mới, hợp tác giữa nhà nước, doanh nghiệp và viện nghiên cứu trong việc tạo ra các nền tảng, mô hình kinh doanh dữ liệu mới sẽ được khơi mở.
Trung tâm cũng đóng vai trò dẫn dắt trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các sản phẩm công nghệ dữ liệu lõi: từ nền tảng hạ tầng số, công nghệ AI, blockchain cho đến các hệ thống quản trị và phân tích dữ liệu lớn; đồng thời là nơi ươm tạo những sáng kiến công nghệ chiến lược, đồng hành cùng Chính phủ, doanh nghiệp và người dân trên hành trình hiện đại hóa đất nước.

Trong khuôn khổ buổi lễ đã diễn ra Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo giữa Trung tâm Sáng tạo, khai thác dữ liệu với 27 đơn vị đối tác công nghệ chiến lược đại diện cho nhiều lĩnh vực khác nhau gồm có: MOBIFONE, VNVC, PILA, NADAT, IRIS, TTC,... và các các tổ chức tài chính ngân hàng. Các thỏa thuận này đánh dấu bước khởi đầu quan trọng trong thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, sáng tạo các nền tảng dữ liệu lõi của quốc gia.
Tại sự kiện cũng đã diễn ra triển lãm giới thiệu 6 sản phẩm dữ liệu tiên phong do Trung tâm Sáng tạo, khai thác dữ liệu phối hợp với Hiệp hội Dữ liệu quốc gia tổ chức.

6 sản phẩm, giải pháp dữ liệu cốt lõi do các doanh nghiệp công nghệ trong nước nghiên cứu, phát triển bao gồm: (1) NDAChain - Nền tảng chuỗi khối quốc gia; (2) Nền tảng tích hợp, chia sẻ, điều phối dữ liệu quốc gia; (3) Ứng dụng định danh phi tập trung quốc gia; (4) Trợ lý ảo quốc gia Rabbi, (5) Hệ thống thư điện tử quốc gia; (6) Sàn giao dịch dữ liệu quốc gia./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/trung-tam-du-lieu-quoc-gia-ra-mat-bo-nao-doi-moi-sang-tao-ve-du-lieu-post1047941.vnp
Bình luận (0)