Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Trung tâm sáng tạo di sản Thành cổ Sơn Tây

Thị xã Sơn Tây đang tiến hành Dự án “Bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị di tích lịch sử Thành cổ Sơn Tây” (giai đoạn 1).

Báo Quân đội Nhân dânBáo Quân đội Nhân dân20/04/2025

Ngoài việc bảo tồn công trình kiến trúc, dự án còn mang tầm nhìn dài hạn nhằm đưa Thành cổ Sơn Tây trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo kết hợp di sản, một mô hình phát triển văn hóa, du lịch bền vững mà Hà Nội đang khuyến khích tại các địa phương giàu tiềm năng.

Thành Sơn Tây là lỵ sở của trấn Sơn Tây và tỉnh Sơn Tây từ thời Nguyễn. Với tính chất quan trọng về văn hóa, lịch sử cùng kỹ thuật xây dựng độc đáo, năm 1994, Thành cổ Sơn Tây được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Trải qua hơn 200 năm, bị nhiều cuộc chiến tranh và thời gian tàn phá, Thành cổ Sơn Tây phần lớn đã bị phá hủy, chỉ còn lại tường thành, cửa tiền, cửa hậu, 2 khẩu thần công và một số phế tích như vọng lâu, nền điện Kính Thiên, giếng nước....

Trung tâm sáng tạo di sản Thành cổ Sơn Tây

Phối cảnh phục dựng một góc cổng Thành cổ Sơn Tây. 

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã Sơn Tây, dự án được triển khai căn cứ vào bản đồ Thành cổ Sơn Tây thời Nguyễn năm Kỷ Hợi 1839, trong bộ sưu tập con Ảnh EFEO (Viện Viễn Đông Bác cổ) lưu giữ tại Viện Thông tin khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), dự án tu bổ, phục dựng Thành cổ Sơn Tây chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (2024-2027) thực hiện phục dựng khu Tổng đốc phủ, nhà binh và hệ thống sân vườn; phục dựng cổng Đông và xây mới cầu qua cổng Tây. Giai đoạn 2 (2025-2028) phục dựng Án sát phủ, Bố chánh phủ cùng các hạng mục cảnh quan, sân vườn và không gian kết nối tổng thể bên trong khu thành. Một tuyến phố đi bộ dài khoảng 820m được hình thành, trải dài từ phố Phó Đức Chính (gần trụ sở UBND thị xã) đến cầu Cửa Tiền (ngã ba Quang Trung-Nguyễn Thái Học), với diện tích sử dụng lên tới hơn 34.550m2. Phần lối tiếp cận với hào nước quanh thành cổ được chỉnh trang, tạo các điểm nhìn, bậc thang hướng về phía không gian di sản, kết hợp với thiết kế lát nền mới và cảnh quan cây xanh nhằm tăng tính tương tác với du khách, đồng thời tạo ra những không gian dừng chân, tham quan và trải nghiệm di tích.

Để có cơ sở triển khai dự án, UBND thị xã và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã Sơn Tây đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Trong đó, các nhà khoa học tên tuổi đều đồng tình, ủng hộ việc tu sửa, phục dựng Thành cổ Sơn Tây. GS, TS, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính gợi ý nên bảo tồn thành cổ theo hướng tạo ra sự cộng sinh giữa cấu trúc đô thị truyền thống và đô thị bao quanh.

Phục dựng Thành cổ Sơn Tây và phát huy giá trị của nó như một công viên văn hóa, lịch sử. Trong đó có bảo tồn mở, tức là làm cho di sản sống và phát triển như Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội. GS, TS khoa học Vũ Minh Giang, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đề xuất, những di vật đã được khai quật và các hạng mục trên mặt đất, có thể tính đến phương án xây dựng những thước phim 3D về công tác khai quật, lịch sử xây dựng tòa thành nhằm mang tới sản phẩm du lịch cho du khách.

Ông Lê Đại Thăng, Phó chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây cho biết, việc tu bổ, phục dựng Thành cổ Sơn Tây không chỉ góp phần bảo vệ di tích đặc biệt này, mà còn là nền tảng để hình thành các không gian sáng tạo mang bản sắc Sơn Tây. Kỳ vọng nơi đây sẽ là điểm kết nối du lịch vùng xứ Đoài, gắn kết các giá trị lịch sử-văn hóa tự nhiên trong một hệ sinh thái phát triển du lịch thông minh và bền vững của Thủ đô.

Nguồn:https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/trung-tam-sang-tao-di-san-thanh-co-son-tay-824739




Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4
Từ 18 giờ tối nay 19.4, CSGT tiếp tục cấm xe hơn 20 tuyến đường trung tâm TP.HCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm