Tại Bảo tàng dừa sáp Trà Vinh (xã Tam Ngãi, Vĩnh Long, trước đây là H.Cầu Kè, Trà Vinh), Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước Cầu Kè vừa tổ chức Lễ truy tôn cố hòa thượng Thạch Sô, người đã đưa giống dừa sáp đầu tiên về Việt Nam trồng trên vùng đất này hơn 100 năm trước.
Bảo tàng dừa sáp Trà Vinh
ảnh: trí trần
Tại buổi lễ, hòa thượng Thạch Thảo trụ trì chùa KanDal (Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước H.Cầu Kè, Trà Vinh cũ), truy tôn cố hòa thượng Thạch Sô là “Bậc cao tăng công hạnh - Gieo mầm phúc địa - Khai tổ dừa sáp Cầu Kè”; đồng thời bàn giao bảng truy tôn cho Bảo tàng Dừa sáp Trà Vinh lưu giữ.
Cố hòa thượng Thạch Sô (1886-1949) là trụ trì đời thứ tư của chùa Botumsakor (Cầu Kè, Trà Vinh cũ), là người đầu tiên mang giống dừa sáp quý hiếm từ nước ngoài về trồng tại chùa Botumsakor (chùa Chợ), khởi đầu cho đặc sản dừa sáp, niềm tự hào của vùng đất Cầu Kè.
Người dân tham quan nơi đặt tượng sáp cố hòa thượng Thạch Sô tại Bảo tàng dừa sáp Trà Vinh
ảnh: nam long
Quả dừa sáp có hình dáng bên ngoài khá giống với dừa thường, nhưng điểm đặc biệt là bên trong cơm rất dày, mềm, béo dẻo và gần như đặc ruột, cùng với một ít nước sánh nhẹ. Loại quả này thường được dùng để xay sinh tố hoặc dầm cùng đường, sữa, ăn rất ngon và lạ miệng.
Ban đầu, cây dừa sáp chủ yếu được Phật tử và vài hộ dân trồng ăn trong gia đình hoặc làm quà biếu. Nhờ hương vị độc đáo, người dân truyền tai nhau, đến nay, loại quả này đã trở thành đặc sản nổi tiếng của địa phương.
Cây dừa sáp chỉ cho trái có sáp trên đất một số nơi ở Trà Vinh cũ
Ảnh: Trí Trần
Đặc biệt, dừa sáp truyền thống chỉ cho quả sáp ở một số vùng đất thuộc tỉnh Trà Vinh (cũ). Với đặc tính kén thổ nhưỡng và khó cho quả sáp ở vùng khác, dừa sáp nơi đây đã khẳng định vị thế độc tôn, trở thành đặc sản quý hiếm không chỉ của địa phương mà còn trên toàn quốc. Thời gian qua, dừa sáp trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ Khmer ở địa phương.
Hiện nay, các xã Cầu Kè, Tam Ngãi, An Phú Tân và Phong Thạnh (Vĩnh Long) có hơn 2.000 hộ trồng dừa sáp trên diện tích hơn 1.145 ha, trong đó đồng bào Khmer chiếm trên 70%; sản lượng trung bình hằng năm đạt hơn 3 triệu quả.
Hai quả dừa sáp được phục dựng và trưng bày tại bảo tàng
Ảnh: Trí Trần
Để tưởng nhớ công ơn của hòa thượng Thạch Sô, năm 2023, Công ty TNHH Chế biến dừa sáp Cầu Kè đã đầu tư hơn 20 tỉ đồng xây dựng Bảo tàng Dừa sáp Trà Vinh. Đây là bảo tàng đầu tiên tại Việt Nam trưng bày chuyên đề về dừa sáp, với nhiều hiện vật, tranh vẽ tay và tư liệu quý phản ánh lịch sử hình thành, quá trình phát triển dừa sáp cùng văn hóa đời sống của cộng đồng người Kinh, Khmer, Hoa trên địa bàn.
Trong bảo tàng còn lưu giữ nửa gốc cây dừa sáp đầu tiên được trồng tại Cầu Kè cùng tượng sáp hòa thượng Thạch Sô, nhằm tôn vinh và tưởng niệm người đã khai tổ giống dừa quý hiếm cho vùng đất này.
Hòa thượng Thạch Sok Xane Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Long (thứ 2 từ phải qua) và hòa thượng Thạch Thảo giao bảng truy tôn cho Bảng tàng Dừa sáp Trà Vinh lưu giữ
Ảnh: Nam Long
Bảo tàng Dừa sáp Trà Vinh không chỉ là công trình kiến trúc, mà còn là không gian văn hóa sống động, nơi lưu giữ, bảo tồn và lan tỏa huyền tích trăm năm cội nguồn dừa sáp. Bên cạnh đó, còn là nơi tái hiện đời sống văn hóa của đồng bào 3 dân tộc Kinh – Khmer – Hoa chung sống dưới tán dừa sáp.
Nguồn: https://thanhnien.vn/truy-ton-ong-to-giong-dua-sap-o-vinh-long-18525072110005204.htm
Bình luận (0)