Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

TS Phạm Đức Anh - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội:

Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 7, với chuỗi hoạt động diễn ra từ tháng 8 đến tháng 10-2025, là sự kiện tiếp nối diễn đàn học thuật và tư vấn chính sách gắn với các vấn đề trọng tâm của đất nước, được tổ chức định kỳ 4 năm một lần.

Hà Nội MớiHà Nội Mới21/07/2025

Nhân dịp này, Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với TS Phạm Đức Anh - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (VNH&KHPT), đơn vị thường trực tổ chức hội thảo - để cùng nhìn nhận những điểm mới của một sự kiện khoa học quốc tế diễn ra trong bối cảnh đất nước đang đối mặt với nhiều thách thức và cơ hội chuyển mình.

pham-duc-anh.jpg
TS Phạm Đức Anh, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tiếp cận nhiều vấn đề nóng của đất nước

- Với vai trò là đơn vị thường trực của Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 7 (năm 2025) sắp tới, ông có thể chia sẻ về chủ đề cũng như tầm quan trọng của sự kiện này trong bối cảnh hiện nay?

- Hội thảo quốc tế Việt Nam học được tổ chức lần đầu vào năm 1998, do Đại học Quốc gia Hà Nội đề xuất và được Chính phủ giao chủ trì. Từ đó đến nay, hội thảo đã trải qua 6 lần tổ chức theo định kỳ 4 năm một lần, với sự đồng chủ trì của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Hội thảo lần thứ 7 (năm 2025) với chủ đề “Việt Nam: Phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới” (Vietnam: Sustainable Development in the New Rising Era), được diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt. Không chỉ là thời điểm kỷ niệm nhiều sự kiện trọng đại của đất nước mà Hội thảo còn diễn ra trong thời khắc toàn Đảng, toàn dân đang dốc sức chuyển mình cùng dân tộc. Thế giới cũng đang hết sức quan tâm, dõi theo những thay đổi ở Việt Nam. Vì vậy, Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần này sẽ có những điểm mới, khác trong cả nội dung chuyên môn và cách thức tổ chức.

- Vâng, ông có thể thông tin cụ thể hơn?

- Điểm mới trước hết thể hiện ở chủ đề của hội thảo lần này, đó là bám sát các định hướng, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước hiện nay, đồng thời hướng tới giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra trong hành trình bước vào kỷ nguyên phát triển mới của đất nước.

Thứ hai, ngoài những lĩnh vực nghiên cứu truyền thống của khoa học xã hội nhân văn, Hội thảo lần này có nội dung bao quát nhiều vấn đề nóng của đất nước đang đặt ra như kinh tế số, quản trị số, an sinh xã hội, giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển giao tri thức, tài nguyên môi trường và phát triển bền vững…

Thứ ba, một trong những kết quả quan trọng của kỳ Hội thảo lần này là xây dựng được báo cáo tư vấn chính sách cho Đảng và Chính phủ nhằm giải quyết yêu cầu quản trị và phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Thứ tư, Hội thảo trước đây thường chỉ diễn ra trong 2 ngày, bao gồm các phiên thảo luận diễn ra cùng thời điểm, thì năm nay, 8 hội thảo chuyên đề của các tiểu ban sẽ được tổ chức lần lượt trước đó. Phiên toàn thể sẽ tập trung vào những “Keynote Speech” (Bài phát biểu quan trọng).

Thứ nữa, bên cạnh không gian học thuật, Hội thảo lần này sẽ có những hoạt động bên lề như “Ngày hội Việt Nam học” - không gian giao lưu, kết nối, quảng bá về Việt Nam.

Tất cả hướng tới một diễn đàn có tầm vóc quốc tế, nhằm giao lưu học thuật, tư vấn chính sách cho Việt Nam, phát triển mạng lưới Việt Nam học trong nước và thế giới.

- Chia sẻ của ông khiến tôi nhớ lại nhiều câu chuyện về các chuyên gia Việt Nam học quốc tế đã không ngừng có những đóng góp, đồng hành cùng sự phát triển của Việt Nam.

- Giới học giả quốc tế nghiên cứu về Việt Nam đã hình thành từ trước khi ngành Việt Nam học ra đời ở trong nước cũng như trước khi có hội thảo này. Nhiều nhà Việt Nam học trên thế giới, với hiểu biết sâu sắc và tình yêu dành cho Việt Nam, đã trở thành những “đại sứ văn hóa”, là nhịp cầu kết nối, luôn đồng hành và đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Một ví dụ tiêu biểu là Giáo sư Furuta Motoo, nhà Việt Nam học người Nhật Bản, hiện là Hiệu trưởng Trường Đại học Việt - Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông từng được nhắc đến như người có vai trò tư vấn cho Thủ tướng Nhật Bản trong việc tăng cường hỗ trợ ODA cho Việt Nam vào khoảng năm 1995, mở ra giai đoạn hợp tác sâu sắc giữa hai nước. Hay như vai trò của một số nhà Việt Nam học người Mỹ trong việc góp phần định hình chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đối với Việt Nam...

- Vâng, tuy nhiên, một số chuyên gia cũng chỉ ra thực tế về sự suy giảm các hoạt động nghiên cứu Việt Nam hiện nay?

- Sự phát triển của ngành Khu vực học hiện đại trong bối cảnh toàn cầu hóa đã làm thay đổi khuynh hướng nghiên cứu và sự quan tâm của thế giới đối với Việt Nam. Một số quốc gia (Nhật Bản, Mỹ, Nga…) và tổ chức quốc tế đang có xu hướng cắt giảm đầu tư, tài trợ cho nghiên cứu về Việt Nam. Thế hệ những nhà Việt Nam học kỳ cựu hoặc đã mất, hoặc nghỉ hưu, trong khi đội ngũ kế cận chưa thực sự lớn mạnh. Ở trong nước, dường như đang có sự lúng túng trong quá trình xây dựng hệ thống lý luận cũng như phương pháp luận nghiên cứu Việt Nam theo hướng liên ngành, khu vực học phù hợp với xu thế phát triển của lĩnh vực, cũng như yêu cầu phát triển của đất nước. Mặt khác, do chưa có sự thống nhất quan niệm về Việt Nam học nên chương trình đào tạo ở các cơ sở khác nhau đang phát triển theo kiểu “trăm hoa đua nở”, chưa có những chuẩn mực chung mang tính quốc gia và quốc tế.

Tuy nhiên, lĩnh vực Việt Nam học cũng đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển, xuất phát từ thành tựu của khoa học công nghệ, bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nhưng quan trọng là chiến lược phát triển đất nước và những vấn đề thực tiễn đang đặt ra ở Việt Nam. Đó là một dư địa lớn đối với giới học giả trong nước và quốc tế cùng quan tâm nghiên cứu Việt Nam.

Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng

- Trước dư địa lớn như vậy, vai trò, sứ mệnh của Viện VNH&KHPT góp phần giải quyết những vấn đề thực tiễn phát triển của đất nước là gì, thưa ông?

- Viện VNH&KHPT là một đơn vị nghiên cứu và đào tạo về Việt Nam học theo định hướng liên ngành và khu vực học phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Trên nền tảng nghiên cứu cơ bản, Viện chú trọng chuyển giao và ứng dụng kết quả nghiên cứu và đào tạo vào thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và các địa phương. Viện đã triển khai nhiều đề tài, chương trình nghiên cứu liên quan đến các vấn đề: Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải; quy hoạch không gian phát triển bền vững; bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị di sản văn hóa; giảm thiểu tai biến thiên nhiên và bảo vệ môi trường… Bên cạnh chương trình đào tạo tiến sĩ Việt Nam học, Viện còn có chương trình đào tạo thạc sĩ Quản trị địa phương, chương trình giảng dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho người nước ngoài, cùng nhiều chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn khác.

- Việc tổ chức bộ máy hành chính theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp hiện nay cũng chính là bài toán thực tiễn đòi hỏi sự tham gia của các nhà khoa học, thưa ông?

- Sự tồn tại của hệ thống chính quyền địa phương hai cấp là điều chưa từng có trong lịch sử, song là xu thế tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia và quản trị địa phương trong bối cảnh mới. Sự thay đổi này chắc chắn sẽ đặt ra nhiều khó khăn: Từ việc giải quyết những tâm tư để tạo đồng thuận, quyết tâm trong cả hệ thống chính trị và nhân dân, đến khắc phục những hạn chế của quán tính quản lý cũ, xây dựng bộ máy mới thực sự “hiệu năng, hiệu quả”, thay đổi phương thức quản lý sang quản trị… Ý thức rõ những vấn đề này, Viện VNH&KHPT sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hướng nghiên cứu đã xác định và triển khai hiệu quả các chương trình đào tạo, nhất là chương trình thạc sĩ và các khóa bồi dưỡng ngắn hạn về Quản trị địa phương nhằm góp phần giải quyết những khó khăn đang đặt ra trước mắt, cũng như đáp ứng tốt yêu cầu phát triển của đất nước trong tương lai.

- Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

Nguồn: https://hanoimoi.vn/ts-pham-duc-anh-vien-truong-vien-viet-nam-hoc-va-khoa-hoc-phat-trien-dai-hoc-quoc-gia-ha-noi-nghien-cuu-viet-nam-de-giai-quyet-nhung-van-de-thuc-tien-cua-dat-nuoc-709794.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những thảm nhựa 'nước rút' trên cao tốc Bắc - Nam qua Gia Lai
Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình
PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm