Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tự hào “Khắp cọi”

“Khắp cọi” - câu hát giàu chất trữ tình, ca từ trau chuốt, mượt mà làm người nghe say đắm, ẩn chứa trong lời ca là những giá trị văn hóa đặc trưng, nhân văn sâu sắc của cộng đồng người Tày ở huyện Lục Yên và Yên Bình.

Báo Yên BáiBáo Yên Bái21/04/2025

>> Lễ Cúng rừng và Nghệ thuật "Khắp cọi" (Yên Bái) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
>> Yên Bình chú trọng truyền dạy nghệ thuật trình diễn Khắp Cọi

Theo những bậc cao niên người Tày xã Mường Lai, ở huyện Lục Yên, nghệ thuật "Khắp cọi” tồn tại xuyên suốt trong quá trình lịch sử tồn tại và phát triển của xã hội, cộng đồng. Càng trở về quá khứ, người ta càng hát nhiều hơn, mọi lời chào mời, thăm hỏi, chúc tụng, giao duyên, thử tài, tìm hiểu, đối đáp, hát trong những giờ giải lao trên các cánh đồng khi lao động sản xuất… đều được thể hiện bằng ca từ của "Khắp cọi”. "Khắp cọi” trở nên phổ biến, lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng như một giá trị văn hóa mặc định mà mỗi cư dân Tày cần phải tự trang bị để có thể hòa nhập trong cộng đồng. 

Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Quang Nhạn ở xã Mường Lai chia sẻ: "Đồng bào Thái cũng có hát "Khắp” nhưng cách hát, giai điệu có phần đơn giản hơn "Khắp” của đồng bào Tày. Trong mỗi câu hát của "Khắp” Tày ở Lục Yên có sự uyển chuyển, giai điệu ngọt ngào, phong phú hơn, đặc biệt là đòi hỏi cách hát khó hơn”. 

Các nhạc cụ sử dụng trong nghệ thuật "Khắp cọi” phổ biến có nhị hai dây, sáo ngang và trống. Thực tế thấy rằng, lời "Khắp cọi” trong lao động sản xuất có mai một so với thời kỳ thịnh hành nhất là những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. 

Khoảng thập niên 50 và nửa đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, tham gia làm việc trong các hợp tác xã, trong thời gian nghỉ giải lao, mọi người thường cất lên lời ca tiếng hát cho vơi đi mệt nhọc và khó khăn. Thậm chí mọi người còn hát giao duyên ngay khi đi làm trên các cánh đồng, thanh niên tìm hiểu, trao gửi tâm tình và đã có những đôi nên vợ nên chồng. "Khắp cọi” cũng có một thời gian mai một do chiến tranh từ nửa cuối thập niên 60 của thế kỷ XX đến khi thống nhất đất nước. 

Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Quang Nhạn cho biết thêm: Những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, đặc biệt giai đoạn từ năm 1964 - 1967 và kéo dài đến năm 1975, thanh niên tham gia kháng chiến khắp các chiến trường, đất nước khó khăn, khói lửa chiến tranh triền miên nên "Khắp cọi” cũng lắng xuống. Đến khi hòa bình lập lại, năm 1976, "Khắp cọi” được khôi phục khi các chàng trai đội cơi trầu sang hỏi vợ. Từ đó, trong các đám hỏi, đám cưới, hội vui, khi lên nhà mới, khi hỏi thăm nhau hay chơi xuân, chúc xuân... làm sống dậy làn điệu dân ca truyền thống. 

Những người tâm huyết như ông Hoàng Quang Nhạn đã tự thành lập các câu lạc bộ của những người yêu tiếng hát "Khắp cọi”, sưu tầm, tổng hợp những bài "Khắp cọi” truyền thống, dạy miễn phí cho con em trong bản. Đó là cách làm của địa phương và những người đam mê văn hóa truyền thống nhằm giữ gìn điệu "Khắp cọi” những năm 1990 - 2010. 

"Khắp cọi” dần được chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ kinh phí để truyền dạy, phục hồi, đưa văn hóa truyền thống nói chung, trong đó có nghệ thuật "Khắp cọi” của người Tày vào các nghị quyết, đề án, chương trình, kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị. Đây là một môi trường tuyên truyền, giáo dục về truyền thống văn hóa, giúp thế hệ trẻ thêm yêu, thêm tự hào và ngấm dần, thấm dần giá trị di sản độc đáo này trong mỗi cá nhân. Đến nay, "Khắp cọi” đã lan tỏa ngày càng sâu rộng trong cộng đồng. Vốn di sản này đã ngày càng dày, số người thực hành ngày càng đông đảo và phổ biến, trở thành niềm tự hào của cộng đồng người Tày vùng sông Chảy.

Người Tày đã sáng tạo ra nghệ thuật "Khắp cọi”, bảo vệ và truyền dạy, kế tục nhiều đời để trở thành di sản mang đậm bản sắc tộc người. Mỗi làn điệu, câu ca, hình thức diễn xướng đều thể hiện những triết lý sống cao đẹp của cộng đồng, thể hiện tính sáng tạo và trình độ nghệ thuật cao. Đây chính là hình thức nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống lao động, sản xuất, chiến đấu của tộc người được mạch nguồn của môi trường tự nhiên, môi trường lao động, môi trường xã hội, môi trường văn hóa tộc người ươm mầm và nuôi dưỡng, tạo cơ hội để di sản tồn tại và phát triển theo quá trình phát triển của lịch sử tộc người. 

Đến hôm nay, "Khắp cọi” vẫn khẳng định được vị trí của mình trong kho tàng văn hóa tộc người và được vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - niềm tự hào của cộng đồng người Tày vùng sông Chảy.

Trần Minh

Nguồn: https://baoyenbai.com.vn/16/349104/Tu-hao-Khap-coi.aspx


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm