Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Từ phòng thí nghiệm đến kỳ lân công nghệ, giấc mơ mang tên Đại học Bách khoa Hà Nội

“Phòng thí nghiệm xuất sắc sẽ là thỏi nam châm hút các nhà khoa học toàn cầu về đây, nơi mà họ không chỉ nghiên cứu, mà còn lan tỏa năng lượng đổi mới sáng tạo”, đó là thông điệp mà Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu trong buổi làm việc tại Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐHBK Hà Nội).

Bộ Khoa học và Công nghệBộ Khoa học và Công nghệ05/07/2025

Từ phòng thí nghiệm đến kỳ lân công nghệ, giấc mơ mang tên Đại học Bách khoa Hà Nội - Ảnh 1.

Đoàn công tác Bộ KH&CN, Bộ GD&ĐT chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ, giảng viên ĐHBK Hà Nội.

Chiều ngày 4/7/2025, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn đã đồng chủ trì chương trình làm việc tại ĐHBK Hà Nội, với nội dung tập trung thúc đẩy KHCN, đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) trong hệ thống giáo dục đại học.

Dám nghĩ, dám làm, tinh thần tiên phong của Bách khoa Hà Nội

Trong bối cảnh đất nước đang thực hiện mạnh mẽ các chủ trương lớn về KHCN, ĐMST và CĐS, ĐHBK Hà Nội đã thể hiện vai trò tiên phong thông qua những kết quả ấn tượng, đồng thời thể hiện quyết tâm trở thành trung tâm xuất sắc về đào tạo, nghiên cứu và ĐMST. 

Từ phòng thí nghiệm đến kỳ lân công nghệ, giấc mơ mang tên Đại học Bách khoa Hà Nội - Ảnh 2.

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc ĐHBK Hà Nội phát biểu tại buổi làm việc.

Báo cáo tại buổi làm việc, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc ĐHBK Hà Nội nhấn mạnh, nhà trường đã tái cấu trúc toàn diện theo định hướng đổi mới quản trị đại học, thành lập 6 viện nghiên cứu chuyên sâu, đầu tư hệ thống phòng thí nghiệm theo các lĩnh vực chiến lược như trí tuệ nhân tạo, năng lượng, công nghệ bán dẫn, công nghệ vật liệu tiên tiến, khoa học sức khỏe, môi trường bền vững...

ĐHBK Hà Nội hiện có hơn 1.000 giảng viên, trong đó 75% là tiến sĩ, 28% là giáo sư, phó giáo sư phần lớn được đào tạo tại các quốc gia có nền khoa học tiên tiến. Sinh viên nhà trường với quy mô lên tới 40.000 người không chỉ năng động, sáng tạo mà còn có tinh thần nghiên cứu khoa học mạnh mẽ.

Về công bố khoa học, ĐHBK Hà Nội liên tục giữ vị trí dẫn đầu cả nước, với trung bình mỗi năm có hơn 2.000 bài báo khoa học, trong đó khoảng 1.400 được công bố trên các tạp chí thuộc hệ WoS/Scopus. Bên cạnh đó, trung bình mỗi năm, nhà trường sở hữu từ 20 đến 25 văn bằng sáng chế và giải pháp hữu ích.

Các sản phẩm công nghệ "made in Bách khoa" không chỉ phục vụ hiệu quả trong lĩnh vực dân sự mà còn có tính lưỡng dụng cao, ứng dụng trong an ninh, quốc phòng, biển đảo, năng lượng, AI, điện tử, viễn thông.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo ĐHBK Hà Nội đã gửi gắm những đề xuất, kiến nghị tới Bộ KH&CN, Bộ GD&ĐT 2 nội dung:

i) Về phát triển công nghệ: Đề xuất có cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm theo năng lực của tổ chức KHCN và có kinh phí đảm bảo đầu tư trung hạn, dài hạn để phát triển các chương trình nghiên cứu phát triển công nghệ cao, công nghệ chiến lược, công nghệ có khả năng thương mại hóa mang lợi ích lớn về kinh tế, xã hội, con người. Các tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp chủ động phối hợp, tổ chức lực lượng triển khai. 

ii) Xây dựng Trung tâm nghiên cứu sáng tạo công nghệ lõi sâu (Deep - Tech Research) phù hợp với chiến lược của quốc gia trong các lĩnh vực thế mạnh của ĐHBK Hà Nội, gồm: Trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, chuỗi khối, điện tử, bán dẫn và chip, công nghệ số, robot và tự động hoá, năng lượng, môi trường, công nghệ sinh học, vật liệu tiên tiến - theo mô hình tiên tiến trên thế giới như HighTechXL, MIT Lincoln Laboratory, Stanford Research Institute (SRI), Berkeley Lab.

"Đặt đúng đầu bài – Làm đúng kỳ vọng xã hội"

Từ phòng thí nghiệm đến kỳ lân công nghệ, giấc mơ mang tên Đại học Bách khoa Hà Nội - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá buổi làm việc là cơ hội để hai Bộ lắng nghe và thấu hiểu nhu cầu, vướng mắc của các cơ sở giáo dục đại học. "Nếu không tận dụng được thời cơ này, không khai thác hiệu quả các nguồn lực mới thì đó sẽ là lỗi của chính chúng ta", Bộ trưởng nói.

Tư duy đổi mới không chỉ bắt đầu từ quản lý mà còn phải đi sâu vào từng hoạt động học thuật: từ cách xác định vấn đề nghiên cứu, sử dụng chi phí hiệu quả, đến việc kết nối các bên tham gia cùng đặt đầu bài khoa học. KHCN không chỉ để phát triển kinh tế mà còn là công cụ nâng cao năng lực giảng viên, thúc đẩy đào tạo và tự chủ đại học.

Bộ trưởng khuyến nghị ĐHBK Hà Nội tiếp tục phát huy mô hình phối hợp "ba nhà": Nhà nước – Nhà trường – Doanh nghiệp, đồng thời tìm hiểu thêm mô hình đại học công nghệ thế hệ mới theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

ĐMST là con đường bắt buộc

Từ phòng thí nghiệm đến kỳ lân công nghệ, giấc mơ mang tên Đại học Bách khoa Hà Nội - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, tư duy đổi mới, cùng sự chủ động của đội ngũ giảng viên, nhà khoa học ĐHBK Hà Nội.

Bộ trưởng khẳng định, ĐHBK Hà Nội chính là hạt nhân trong hệ sinh thái KHCN và ĐMST quốc gia. Với năng lực nội tại mạnh, nhà trường cần đặt mục tiêu vượt khỏi khuôn khổ đại học nghiên cứu để trở thành đại học chủ lực trong phát triển công nghệ chiến lược.

Đến năm 2045, ĐHBK Hà Nội phải tạo ra ít nhất 3 doanh nghiệp kỳ lân (unicorn) cùng hàng loạt doanh nghiệp ‘mini unicorn’. Nếu muốn Việt Nam hùng cường, KHCN phải hưng thịnh, ĐHBK Hà Nội phải đóng vai trò dẫn dắt trong hành trình đó.

Bộ trưởng cũng gợi mở nhiều định hướng cụ thể: phát triển mô hình "tổng thầu trí tuệ", xây dựng hệ sinh thái ĐMST theo ngành, thí điểm khu thử nghiệm công nghệ, phát triển các trung tâm liên ngành, hình thành cơ chế bảo hộ sáng chế và bảo lãnh công nghệ cho doanh nghiệp spin-off.

Luật KH,CN&ĐMST đã được Quốc hội thông qua, nghị định hướng dẫn sẽ ban hành trong quý III/2025, sẽ tạo hành lang pháp lý để các cơ sở giáo dục đại học chủ động cơ chế nội bộ.

Từ phòng thí nghiệm đến kỳ lân công nghệ, giấc mơ mang tên Đại học Bách khoa Hà Nội - Ảnh 5.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy và Thứ trưởng Hoàng Minh phát biểu tại buổi làm việc.

Từ phòng thí nghiệm đến kỳ lân công nghệ, giấc mơ mang tên Đại học Bách khoa Hà Nội - Ảnh 6.

Các nhà khoa học trình bày các sản phẩm nghiên cứu với lãnh đạo Bộ KH&CN, Bộ GD&ĐT.

Tại buổi làm việc, các nhà khoa học ĐHBK đã trình bày tóm tắt 3 kết quả nghiên cứu thuộc 3 danh mục trong nhóm 11 công nghệ chiến lược theo Quyết định số 1131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 12/6/2025: Hệ truyền động động cơ điện cỡ nhỏ hiệu năng cao cho robot và thiết bị tự động hoá (Nhóm Robot và tự động hóa); Harmonic - Hệ thống dự báo thời tiết đa quy mô cho Việt Nam bằng các mô hình nền tảng và dữ liệu lớn (Nhóm Công nghệ điện toán đám mây, lượng tử, dữ liệu lớn); Thiết bị Camera AI, Microphone AI và trợ lý ảo tiếng nói (Nhóm Công nghệ trí tuệ nhân tạo, bản sao số, thực tế ảo/thực tế tăng cường).

Ba kết quả nghiên cứu được trình bày tại buổi làm việc đã minh chứng rõ nét cho tinh thần "nghiên cứu đi cùng ứng dụng" mà nhà trường kiên trì theo đuổi.

Buổi làm việc giữa Bộ KH&CN, Bộ GD&ĐT với ĐHBK Hà Nội đã mang lại nhiều định hướng và kỳ vọng lớn. Đây không chỉ là cơ hội để hai Bộ lắng nghe, thấu hiểu những nhu cầu và vướng mắc từ cơ sở giáo dục đại học, mà còn là dịp để khẳng định vị thế và vai trò tiên phong của ĐHBK Hà Nội trong hệ sinh thái ĐMST quốc gia. 

Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, KHCN là nền tảng của quốc gia. Nếu muốn Việt Nam hùng cường, KHCN phải hưng thịnh. KHCN phải hướng tới ĐMST, hướng tới ứng dụng, tạo ra của cải vật chất, tăng năng lực cạnh tranh, đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế.

Từ phòng thí nghiệm đến kỳ lân công nghệ, giấc mơ mang tên Đại học Bách khoa Hà Nội - Ảnh 7.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Trung tâm Truyền thông KH&CN

Nguồn: https://mst.gov.vn/tu-phong-thi-nghiem-den-ky-lan-cong-nghe-giac-mo-mang-ten-dai-hoc-bach-khoa-ha-noi-197250705092950458.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm