Thứ nhất, xây dựng LLVT làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc là một tất yếu khách quan

Thấm nhuần quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin về xây dựng LLVT cách mạng, kế thừa những bài học kinh nghiệm của ông cha ta về xây dựng tổ chức quân sự trong lịch sử giữ nước của dân tộc, đồng thời đi sâu phân tích bản chất của chủ nghĩa thực dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm chỉ ra rằng: “Chế độ thực dân, tự bản thân nó, đã là một hành động bạo lực của kẻ mạnh đối với kẻ yếu rồi”. Vì vậy, đối với các dân tộc thuộc địa muốn chiến thắng kẻ thù hung bạo thì không có sự lựa chọn nào khác là phải “dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, giành lấy chính quyền và bảo vệ chính quyền”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm diễn tập của lực lượng vũ trang miền Bắc (năm 1957). Ảnh tư liệu

Trong điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam, Người khẳng định: “Muốn giải phóng thì phải đánh phát xít Nhật và Pháp. Muốn đánh chúng thì phải có lực lượng quân sự”. Do đó, tổ chức và xây dựng LLVT là một tất yếu khách quan trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền cách mạng cũng như trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ hai, xây dựng lực lượng chính trị, các tổ chức và đoàn thể cách mạng làm cơ sở để xây dựng LLVT nhân dân

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bạo lực cách mạng ở Việt Nam phải là bạo lực của quần chúng có tổ chức đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Bạo lực đó bao gồm lực lượng chính trị của quần chúng và LLVT nhân dân, với hai hình thức đấu tranh là đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang. Trong đó, lực lượng chính trị là cơ bản, nền tảng của cách mạng và là cơ sở để xây dựng, phát triển LLVT nhân dân. Lực lượng chính trị theo quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh bao gồm mọi người dân trong các giai cấp, các tầng lớp nhân dân đã được giác ngộ, được tập hợp thông qua các tổ chức, các đoàn thể cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Xây dựng lực lượng chính trị của quần chúng là mối quan tâm hàng đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người chỉ rõ: “Muốn có đội quân vũ trang, phải có đội quân tuyên truyền vận động, đội quân chính trị trước đã, nên phải làm ngay, sao cho đội quân chính trị ngày càng đông. Phải có quần chúng giác ngộ chính trị, tự nguyện vác súng thì mới thắng được”.

Để xây dựng LLVT trong điều kiện hoàn cảnh của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định phải sớm hình thành các đoàn thể cứu quốc, thông qua hoạt động của các tổ chức, đoàn thể đó mà lựa chọn những người ưu tú nhất để thành lập các đội tự vệ, đội du kích; thông qua hoạt động của các đội tự vệ, đội du kích mà “chọn lọc số cán bộ và đội viên kiên quyết nhất, hăng hái nhất... để lập ra đội chủ lực”. Người kêu gọi: “Dân ta phải mau mau tổ chức lại. Nông dân phải vào “Nông dân Cứu quốc hội”. Thanh niên phải vào “Thanh niên Cứu quốc hội”. Phụ nữ vào “Phụ nữ Cứu quốc hội”. Trẻ con vào “Nhi đồng Cứu quốc hội”. Công nhân vào “Công nhân Cứu quốc hội”. Binh lính vào “Binh lính Cứu quốc hội”. Các bậc phú hào văn sĩ vào “Việt Nam Cứu quốc hội”. Từ những hội đó mà thức tỉnh, rèn luyện quần chúng trên đường đấu tranh, dần dần tổ chức LLVT cách mạng.

Được tổ chức và xây dựng trên cơ sở phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng, LLVT tuy mới ra đời còn non trẻ, biên chế tổ chức còn nhỏ bé, vũ khí, trang bị còn thô sơ, huấn luyện quân sự còn đơn giản, nhưng do thường xuyên bám chắc và phát triển mở rộng trên cơ sở lực lượng chính trị hùng hậu của quần chúng rộng khắp, được các tổ chức, đoàn thể cách mạng đùm bọc, nuôi dưỡng, cho nên đã trưởng thành nhanh chóng, trở thành lực lượng xung kích đi đầu trong đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như xây dựng nền quốc phòng toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ba là, LLVT cách mạng phải được xây dựng vững mạnh toàn diện, lấy vững mạnh về chính trị làm cơ sở

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng LLVT cách mạng trong điều kiện Việt Nam từ một nước thuộc địa và phong kiến, giai cấp công nhân còn nhỏ bé, đòi hỏi phải coi trọng xây dựng vững mạnh toàn diện, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở. Đó vừa là yêu cầu cơ bản vừa là vấn đề nguyên tắc trong xây dựng tổ chức vũ trang cách mạng, đồng thời đây là sự sáng tạo lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc vận dụng lý luận Chủ nghĩa Mác-Lênin về chiến tranh nhân dân và xây dựng tổ chức quân sự của giai cấp vô sản nhằm đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của LLVT cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định phải coi trọng xây dựng sức mạnh toàn diện của LLVT nhân dân. Bởi theo Người: “Tư tưởng vững, chính trị vững, kỹ thuật khá, thân thể khỏe mạnh thì nhất định thắng”, còn nếu “chính trị khá, nhưng quân sự kém, hoặc chính trị quân sự đều khá nhưng thân thể yếu đuối thì cũng không thắng được”. Sức mạnh của LLVT nhân dân Việt Nam là sức mạnh toàn diện về bản chất cách mạng và khả năng sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu thắng lợi. Nhưng đối với LLVT cách mạng ở một nước vốn là thuộc địa nửa phong kiến, quá trình xây dựng lực lượng đi từ không đến có, từ nhỏ đến lớn thì sự vững mạnh toàn diện theo Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có thể có được trên cơ sở vững mạnh về chính trị. Người luôn xác định chính trị là “cái gốc”, là nền tảng quan trọng để xây dựng và phát triển LLVT cách mạng, “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”. Quá trình xây dựng LLVT về chính trị thực chất là quá trình tăng cường bản chất giai cấp công nhân, bảo đảm cho LLVT mang bản chất giai cấp công nhân, trung thành tuyệt đối với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, với lợi ích của nhân dân và dân tộc...

Nghiên cứu, vận dụng tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh vào xây dựng LLVT nhân dân trong tình hình hiện nay mang ý nghĩa về lý luận và thực tiễn sâu sắc. Đây chính là quy luật tất yếu khách quan, là nguyên tắc khoa học về xây dựng LLVT nhân dân cách mạng, góp phần để Quân đội hoàn thành xuất sắc hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

 NGUYỄN HỮU LẬP,

Nguồn: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-xay-dung-luc-luong-vu-trang-828768